Tạm rời xa cái đìa Nhà Bà 6 trong phần truyện trước vẫn đang được team “điều tra”, MQDGK tiếp tục chuyến du hành tâm linh của mình bằng phần mở đầu của một chuỗi những sự kiện khác liên quan đến việc GỌI HỒN và làm rõ các yếu tố Ma quỷ xung quanh.
Theo tương truyền trong dân gian, khi một người chết đi phần hồn sẽ rời khỏi xác, chúng sẽ được dung nạp ở một cõi giới khác gọi là âm phủ để nhìn nhận, định tội và luân hồi (đầu thai) sang một kiếp sống mới. Những linh hồn này sẽ có một khoảng thời gian là 49 ngày sau ngày mất để lưu lại nhân gian. Việc này giúp linh hồn chiêm nghiệm lại bản thân, thức tỉnh cũng như giải quyết ân oán. Kẻ buông bỏ thì chấp nhận đầu thai, người còn chấp niệm (sân si, hận thù, oán hận) thì cố gắng lưu lại lâu hơn để thành thứ Yêu Ma Quỷ Quái. Về bản chất cho dù lưu lại ở thế gian, con người và Ma Quỷ vốn không cùng tần số để có thể tác động lẫn trò chuyện, trừ những trường hợp đặc biệt về thần thức và tâm linh (có thể giao cảm được).
Để liên hệ với những linh hồn này, ông bà ta lưu truyền rất nhiều những cách thức tâm linh để gọi hồn người chết trở về. Việc này tuỳ mục đích của người sống: tìm hiểu nhân cái chết, gặp lại người thân, xin số… hay đơn giản chỉ là việc chơi đùa, thỏa mãn nhu cầu giải trí.
Chúng ta chẳng ai xa lại với trò chơi Khiêng Xác, Cầu cơ, Gõ chén dụ ma đói… gắn liền với một giai đoạn tuổi thơ của nhiều đứa trẻ ở nông thôn. Một trong số đó dù có thể chính bản thân ta chưa trải nghiệm, nhưng vô hình chung không còn ai thấy lạ lẫm với hai từ "Ma lon".
TRÒ CHƠI MA LON
Ma lon, hay còn gọi là tiểu quỷ nhảy múa, ý chỉ những linh hồn nhỏ tuổi, hồn nhiên có thể là mất sớm do bạo bệnh, hoặc do các tai nạn không may. Khiến cho vong hồn bị lưu linh, lưu địa trong cảnh cô đơn không có bạn bè, và mong ước duy nhất của những vong linh này là có được những người cùng lứa tuổi đến vui chung.
Quy tắc trò chơi và cách thức :
Về cách gia nhập cuộc chơi ma lon, đơn giản là một lon sữa bò, hộp thiếc, hay bất kỳ thứ gì dạng hũ, hình trụ. Số lượng người chơi ma lon phải tùy theo giờ mà sắp xếp cho đúng (ví dụ giờ tý thì tương ứng 12 giờ - 12 người tham gia; vì sao có thể tìm người chơi đông như vậy, thì bạn hãy nhớ rằng thuở thôn quê không có gì đông bằng con nít). Cũng có người kể là chơi cùng số người đó thì linh nghiệm, lại có người cũng cùng số người ấy nhưng không được, đó là do chênh lệch giờ phút. Kỵ tuổi, trùng niên rất khó giải thích.
Khi bắt đầu buổi lễ triệu vong, người ta gọi là nhập cuộc chơi, địa điểm sẽ là những khu đất nằm sâu trong nghĩa địa, hay chọn các phần mộ lâu đời vô chủ, vô thừa nhận. Bày trí có bánh trái đơn giản, nhang đèn, hoặc hoa (có hay không cũng được) trước cái lon và đọc bài khấn (về phần bài khấn này MQDGK xin không được phép tiết lộ bởi rất nguy hiểm nếu không được người hiểu biết giám sát), đến khi cái lon rung động, đó là lúc ‘’tiểu quỷ nhảy múa” nhập vào và trò chơi bắt đầu.
Ma lon sẽ rượt đuổi theo nhóm người chơi (thường là người gần lon nhất), thời gian lon nhập vào theo nhiều người sẽ được tính theo thời gian của một nén nhang được đốt khi bắt đầu chơi, khi nhang tàn hay có tác động dập tắt thì vong hồn trong lon sẽ tự động xuất ra, trò chơi kết thúc.
Trò ma lon vốn dĩ sẽ không gây thương tích cho người chơi như lời đồn do vong hồn nhập vào chủ yếu là trẻ con chỉ rượt theo và chạm nhẹ. Riêng các trường hợp gây ra thương tích sưng mắt cá chân hay bầm người là do các phần vong linh lớn hơn nhập vào hù dọa. Sau này người ta hay đồn đại hậu quả chơi ma lon là bị sưng tím mắt cá chân nên ai cũng sợ.
Ma lon là một trò chơi dân gian phổ biến nhưng ngày nay đa phần được xem như một phần kí ức tuổi thơ của nhiều bạn trẻ 8X, 9X. Nhiều bạn cố tình thử nhưng không linh nghiệm bởi nhiều các nghi thức tâm linh đã được lược bỏ bớt, ngay cả bài chú cũng không còn chính xác. Dù sao đây cũng là một nghi thức tâm linh liên quan đến cõi âm và trêu đùa Ma quỷ, MQDGK không khuyến khích bạn thử trò chơi này.
Bình luận facebook