Ma Le là một cái tên nghe khá quen thuộc với nhiều người, ma xuất hiện trong văn hoá dân gian truyền miệng ở Việt Nam ở Vùng nông thôn bên cạnh: Ma Trơi, Ma da, Quỷ một giò, Quỷ nhập tràng…
Tìm thông tin về loài Ma Le trên web không có nhiều tư liệu lắm. Trong trí nhớ của mình về loài ma này chỉ vỏn vẹn qua vài câu hù của người lớn với bọn con nít: đi chơi đêm coi chừng gặp con Ma Le lưỡi dài. Cái lưỡi nó dài từ cây chạm đất, nó mà liếm trúng thì cụt tay cụt chân.
Tuy là hiếm nhưng may mắn MQDGK cũng tìm được 2 thông tin chính, trong đó có ghi chép xuất phát ở Huế:
+ Theo sách Phù thuật và tín ngưỡng An Nam (Paul Giran) : Ma le là những con ma lè lưỡi: bạn gặp một tên này anh ta bắt chuyện và đi cùng đường với bạn: sau một hồi y xin bạn một miến trầu, bạn chiều lòng đưa cho y một miếng, nhưng thay vì cầm lấy, y thè lưỡi và lưỡi y cứ dài ra, dài mãi và chạm cả xuống đất, đó chính là nơi y muốn lấy miếng trầu.
+ Trong 2 quyển Từ điển về tiếng Huế có giải thích về Ma Le:
Thứ nhất là quyền từ điển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa của tác giả Trần Ngọc Bảo (NXB Thuận Hóa-2005) ma le: dt loài ma tương truyền thường thè lưỡi ra thật dài để dọa người.
Thứ hai, Từ điển Tiếng Huế của BS. Bùi Minh Đức (NXB Văn Học-2009)
Ma le: Ma lè lưỡi, người Huế tin là những người chết do bị thắt cổ như tự tử hay bóp cổ thường bị lưỡi thè ra ngoài, do đó ma le là ma thắt cổ.
Nói về giống ma lưỡi dài, theo dữ liệu thứ 2 có nguồn gốc từ những người chết do thắt cổ, tự tử, hay bị bóp cổ chết khiến mình liên tưởng đến thông tin về Thần vòng (ma thắt cổ). Nếu Ma thắt cổ gắn liền với sợi dây oan nghiệt thì Ma Le xuất hiện chỉ trong tình trạng lưỡi dài, Theo như “ Phù Thuật và Tín Ngưỡng An Nam”, ma dễ bị lầm tưởng như một người bình thường, thậm chí khiến người đối diện không nghi ngờ cho đến khi tận mắt thấy nó dùng lưỡi lấy trầu (thông tin 1).
Từ những dữ kiện trên ta có thể kết luận:
Định nghĩa:
Ma Le là ma có lưỡi rất dài (le lưỡi), hình thành từ linh hồn những người chết do bị thắt cổ, bóp cổ hay tai nạn nào đó khiến lưỡi họ bị thè dài ra khi mất. Ma Le không gắn liền với dây thòng lọng như Thần Vòng vì cái chết có thể do tác động lực bằng tay hay các công cụ khác, sợi dây được “tiêu huỷ” ngay sau hành sự, dẫn đến hiểu biết về Ma Le chỉ là cái lưỡi lè dài.
Đặc tính tâm linh:
Ma Le là cô hồn sống sống vất vưởng ngoài nơi hoang vắng, nương tựa trên các ngọn cây cao. Ma hay hoá thân thành nhiều người khác nhau để trêu ghẹo người đi đường. khi hù doạ nó hiện nguyên hình với cái lưỡi dài chạm xuống đất (Lưỡi ma le có thể điều chỉnh theo nó muốn).
Ma tồn tại chủ yếu nhờ doạ người bắt hồn vía, và cũng như nhiều loài ma khác khi tu ác lên các cấp độ lớn hơn như Quỷ, con Tinh ( quỷ lưỡi dài) thì sẽ có thể tác động nhiều hơn đến thế giới con người, gây ra những cái chết tương tự nó.
Giả thuyết: Nhiều loài quỷ bắt gặp trong tình trạng nanh dài, lưỡi đỏ thè dài cũng có thể có nguồn gốc từ Ma Le.
Ma Le ngày nay được xem là một ký ức tuổi thơ lưu truyền trong các câu chuyện ông bà kể và không có tính xác thực lẫn nhiều thông tin chi tiết.
Một định nghĩa khác, Ma Le, hay Ma Lanh trong thổ ngữ (vùng miền) là từ ngữ vay mượn tiếng pháp để chỉ những thành phần bất hảo: bọn ma mãnh, tinh quái, hay lừa lọc. Giống với Cô hồn Cắc Đản chỉ bọn phá làng phá xóm.
Bình luận facebook