• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1 Viewer)

  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 08 - Phần 2

Rồng vàng bay từ điện Tử Thần đến điện Hội Long.


Giáp Tý, (Anh Vũ Chiêu Thắng) năm thứ 9 (1084), (Tống Nguyên Phong năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 6, sai thi lang bộ Binh Lê Văn Thịnh đến trại Vĩnh Bình cùng với người Tống bàn việc cương giới.


Xuống chiếu cho thiên hạ nung ngói lợp nhà.


Định biên giới.


Nhà Tống trả lại cho ta sáu huyện ba động. Người Tống có thơ rằng: "Nhân tham Giao Chỉ tượng, khướt thất Quảng Nguyên kim" (vì tham voi Giao Chỉ, bỏ mất vàng Quảng Nguyên).


[11b] Ất sửu, (Quảng Hựu) năm thứ 1 (1085), (Tống Nguyên Phong năm thứ 8). Cho Lê Văn Thịnh làm Thái sư. Bấy giờ thiên hạ vô sự, Hoàng hậu đi chơi khắp các nơi núi sông, ý muốn xây dựng chùa tháp.


Bính Dần, (Quảng Hựu) năm thứ 2 (1086), (Tống Triết Hú, Nguyên Hựu năm thứ 1). mùa xuân, Nguyễn Viễn dâng con rùa sáu chân, trên lưng có vạch chữ.


Mùa thu, tháng 8, thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ.


Làm chùa ở núi Đại Lãm542.


542 Chùa Đại Lãm Sơn hay chùa Lãm Sơn: tức là chùa Giạm trên núi Giạm (Lãm Sơn) ở xả Nam Sơn, huyện Quế Võ, tĩnh Hà Bắc, nay vẫn còn các lớp nền và cột đá chạm rồng thời Lý.


Đinh Mão, (Quảng Hựu) năm thứ 3 (1087), (Tống Nguyên Hựu năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, dựng bí thư các.


Nhà Tống phong làm Nam Bình Vương.


Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến chùa Lãm Sơn. Đêm ban yến cho các quan, vua thân làm hai bài thơ Lãm Sơn dạ yến.


Mậu Thìn, (Quảng Hựu) năm thứ 4 (1088), (Tống Nguyên Hựu năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, phonh nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư (có thuyết nói là cho [12a] tiết việt, cùng với Tể tướng đứng trên điện, xét đoán công việc và đơn từ kiện tụng của thiên hạ, chưa chắc là có thể, có lẽ bấy giờ Nhân Tông sùng đạo Phật, phong làm Quốc sư để hỏi việc nước, cũng như Lê Đại Hành đối với Ngô Khuông Việt mà thôi). Dặt chức thư gia mười hỏa543.


543 Nguyên văn: "thư gia thập hỏa". Thư gia theo Lê Quý Đôn là ty lại (người giúp việc văn thư giấy tờ ở các nha môn. Kiến văn tiểu tục Bản dịch, NXB Sử học, 1962, tr. 189). Phan Huy Chú kể tên một số "thư gia" như nội hỏa thư gia, ngự khố thu gia, chi hậu thư gia, nội thư gia, lệnh thư gia (Lịch triều hiến chương loại chí, t.2: Quan chức chí, NXB Sử học,1961, tr.6). Các "thư gia" khác đều chưa rõ.


Định các chùa trong nước làm ba hạng đại, trung và tiểu danh lam, cho quan văn chức cao kiêm làm đề cử544. Bấy giờ nhà chùa có điền nô và kho chứa đồ vật, cho nên đặt chức ấy.


Mùa đông, tháng 10, xây tháp chùa Lãm Sơn.


544 Đề cử: tên chức quan thời Lý, quản lý ruộng đất và tài sản của nhà chùa.


Kỷ Tỵ, (Quảng Hựu) năm thứ 5 (1089), (Tống Nguyên Hựu năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 3, định các chức văn võ, quan hầu vua và các chức tạp lưu.


Quân nhà Tống (xâm phạm) vào châu Thạch Tê545.


545 Châu Thạch Tê: có lẽ miền huyện Thạch Lâm cũ của tỉnh Cao Bằng (theo Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Sđd). Thạch Lâm là đất các huyện Hòa An và Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.


Đào ngòi lãnh kinh546.


546 Lãnh Kinh Xuyên: khúc sông qua bến Lãnh Kinh, xem chú thích ở BK1, 26b.


Canh Ngọ, (Quảng Hựu) năm thứ 6 (1090), (Tống Nguyên Hựu năm thứ 5). Làm cung hợp hoan.


Tân Mùi, (Quảng Hựu) năm thứ 7 (1091), (Tống Nguyên Hựu năm thứ 6). Mùa xuân, vua ngự đến Lạng Sơn xem bắt voi. Mùa Đông, tháng 11, cho Hà Ư làm Thiếu úy tri điện tiền chư quân sự.


Lê Toàn Nghĩa dâng [12b] con rùa năm sắc.


Nhâm Thân, (Quảng Hựu) năm thứ 7 (1092), (Tống Quang Hựu năm thứ 8), (Từ tháng 8 về sau là niên hiệu Hội phong năm thứ 1; Tống Nguyên Hựu năm thứ 7). Mùa Thu, tháng 8 đổi niên hiệu làm Hội Phong năm thứ 1.


Được mùa to. Định sổ ruộng, thu tô mỗi mẫu ba thăng547 để cấp lương cho quân.


547 Thăng: đơn vị đo lường, chưa rõ tương đương đơn vị ngày nay như thế nào.


Quý Dậu, (Hội Phong) năm thứ 2 (1093), (Tống Nguên hựu năm thứ 8). Cây ưu bát đàm (cây sung)548 nở hoa.


548 Ưu bát đàm: đúng tên là ưu đàm bát, còn gọi là ô - đàm - bạt - ha, ưu - đàm - ba - la, đều là chữ phiên âm tiếng Phạn: Udumbara; xem chú thích (3), tr. 255.


Giáp Tuất, (Hội Phong) năm thứ 3 (1094), (Tống Thiệu Thánh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, sai Hàn Lâm học sĩ Mạc Hiển Tích sang sứ Chiêm Thành đòi lễ tuế cống.


Mùa Hạ, tháng 4, tháp chùa Lãm Sơn xây xong.


Ất Hợi, (Hội Phong) năm thứ 4 (1095), (Tống Thiệu Thánh năm thứ 2). Mùa xuân, các vương vào chầu.


Mùa Hạ, tháng 6, đại hạn. Thả tù, giảm hoặc miễn các khoản tang thuế549.


549 Tang thuế: chưa rõ nội dung từ này, theo nghĩa chữ có thể hiểu là thuế và tang. Tang có nghĩa là bẩn thỉu, bỉ ổi, có thể là từ dùng để chỉ các khoản phụ thu thuế bất chính.


Trời mưa.


Bính Tý, (Hội Phong) năm thứ 5 (1096), (Tống Thiệu Thánh năm thứ 3). Mùa Xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, [13a] an trí ở Thao Giang550. Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném.


550 Thao Giang: tên trại thời Lý, thời Trần đổi là lộ (Phạm Sư Mạnh có bài thơ Án Thao Giang lộ), nay là vùng huyện Tam Thanh, Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú.


Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mạc Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Trước đấy Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý551 có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch.


551 Nước Đại Lý: xem chú thích (1) tr. 270.


Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Kẻ làm tôi (phạm tội) giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật.


[13b] Đinh Sửu, (Hội Phong) năm thứ 6 (1097), (Tống Thiệu Thánh năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu kiểm định các lệ, đều phỏng theo các điển cũ.


Mùa Thu, tháng 8, sao mọc ban ngày. Bấy giờ trong nước giàu đủ, Thái hậu làm nhiều chùa Phật.


Mậu Dần, (Hội Phong) năm thứ 7 (1098), (Tống Nguyên Phù năm thứ 1). Mùa Thu, tháng 8, động đất.


Sao Chổi hiện ra.


Kỷ Mão, (Hội Phong) năm thứ 8 (1098), (Tống Nguyên Phù năm thứ 2). Rồng thần hiện xuống ở cây mai.


Canh Thìn, (Hội Phong) năm thứ 9 (1100), (Tống Nguyên Phù năm thứ 3). Mùa Đông, tháng 12, bệnh dịch lớn.


Tân Tỵ, Long Phù năm thứ 1 (1101), (Tống Huy Tông Cát, Kiến Trung Tĩnh Quốc năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu. Cho Thái úy Lý Thường Kiệt kiêm chức Nội thị phán thủ đô áp nha hành điện nội ngoại đô tri sự.


Sửa chùa Diên Hựu.


Nhâm Ngọ, (Long Phù) năm thứ 2 (1102), (Tống Sùng Ninh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Lập xuân; tuyết lành xuống.


Tháng 2, [14a] nước to. Sai Hoàng hậu và các phi tần trai giới lập đàn chay để cầu tự.


Quí Mùi, (Long Phù) năm thứ 3 (1103), (Tống Sùng Ninh năm thứ 2). Mùa xuân, Thái hậu phát tiền ở kho Nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bàn đi ở đem gã cho những người góa vợ.


Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Con gái nhà nghèo đến phải cầm thân làm mướn, con trai nhà nghèo đến nỗi không có vợ, đó là cùng dân trong thiên hạ. Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm nhân chính vậy.


Mùa Đông, tháng 10, người Diễn Châu là Lý Giác mưu làm phản. Giác trước học được thuật lạ, có thể biến cây cỏ làm người, bèn chiêu tập những kẻ vô lại chiếm cứ châu ấy, đắp thành làm loạn. Việc tâu lên, vua sai bọn Lý Thường Kiệt đi đánh. Giác thua trốn sang Chiêm Thành, dư đảng đều bị dẹp yên.


Chiêm Thành cướp [14b] biên giới.


Giáp Thân, (Long Phù) năm thứ 4 (1104), (Tống Sùng Ninh năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, sai Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành, nói tình hình hư thực của nước ta. Vua Chiêm Thành là Chế Ma Na552 nhân thế đem quân vào cướp, lấy lại ba châu Địa Lý… mà Chế Củ đã dâng. Đến đây, sai Lý Thường Kiệt đi đánh, phá được, Chế Ma Na lại dâng nộp đất ấy.


Tháng 3, định lại binh hiệu của quân cấm vệ.


552 Vua Chiêm Thành thời gian này là jaya Indravarman II (1086 - 1113) (theo G. Maspéro, sđd).


Ất Dậu, (Long Phù) năm thứ 5 (1105), (Tống Sùng Ninh năm thứ 4). Mùa xuân, cúng thần Cao Môi553. Mùa hạ, tháng 6, Thái úy Lý Thường Kiệt chết, tặng chức Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu thái úy bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, thực ấp một vạn hộ, cho người em là Lý Thường Hiến được kế phong tước hầu (Thường Kiệt người phường Thái Hòa, thành Thăng Long, nối đời làm quan, nhiều mưu lược, có tài làm tướng.


553 Cao Môi, cũng gọi là Giao Môi: tên vị thần chủ việc sinh con trai.


Khi còn ít tuổi, vì vẻ mặt tươi đẹp được sung làm Hoàng môn chi hậu theo hầu Thái Tông, thăng dần đến chức Nội thị sảnh đô tri. Thánh Tông phong chức Thái bảo, trao cho tiết [15a] việt để đi thăm hỏi lại dân ở Thanh Hóa, Nghệ An. Đến khi vua thân đi đánh Chiêm Thành, ấy làm tướng tiên phong, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Vì có công, được phong làm Phụ quốc thái phó, dao thụ chư trấn tiết độ, đồng trung thư môn hạ, thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, tước Khai quốc công, sau lại có công nữa, được phong làm Thái úy, rồi chết).


Mùa thu, tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn. Bấy giờ vua sửa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài554, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là hồ Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ, ngày mồng 8 tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường.


554 Liên Hoa Đài trì: hồ ở dưới đài hoa sen.


Bính Tuất, (Long Phù) năm thứ 6 (1106), (Tống Sùng Ninh năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, sao Chổi mọc ở Phương Tây, đuôi dài khắp trời. Sao Thái Bạch mọc ban ngày. Đại xá cho thiên hạ, trừ những kẻ phe đảng làm loạn.


[15b] Đinh Hợi, (Long Phù) năm thứ 7 (1107), (Tống Đại Quan năm thứ 1). Mùa hạ, động đất.


Mậu tý, (Long Phù) năm thứ 8 (1108), (Tống Đại Quan năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, đắp đê ở phường Cơ Xá555.


555 Tức là đoạn đê sông Hồng ở phường Cơ Xá, nay là ở khoảng gần cầu Long Biên (ở đó còn bãi Cơ Xá) thuộc Hà Nội.


Các tháng mùa hạ không mưa.


Kỷ Sửu, (Long Phù) năm thứ 9 (1109), (Tống Đại Quan năm thứ 3). Mùa xuân, đắp đài Động Linh.


Mùa thu, kẻ nghịch là Tô Hậu và Đỗ Sùng mưu làm phản, bị giết.


Canh Dần, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 1 (1110), (Tống Đại Quan năm thứ 4). Mùa xuân có người đàn bà dâng con chim phượng non, có đủ chín chòm ngũ sắc.


Từ Văn Thông556 dâng hổ trắng, ngựa trắng có cựa và cây cau một gốc mười hai thân.


556 Việt sử lược (q2, 20b) chép là Tham chính Từ Văn Thông.


Mùa thu, tháng 8, Chiêm Thành dâng voi trắng


Tân Mão, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 2 (1111), (Tống Chính Hòa năm thứ 1). Mùa xuân, phủ Thanh Hóa dâng cây cau một gốc chín thân.


[16a] Mùa thu được mùa to.


Mặt trời có hai quầng.


Nhâm Thìn, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 3 (1112), (Tống Chính Hòa nam thứ 2). Mùa xuân, móc ngọt xuống.


Chiêm Thành dâng voi trắng.


Bấy giờ vua tuổi đã nhiều mà chưa có con trai nối dõi, xuống chiếu chọn con của tông thất để lập làm con nối. Em vua là Sùng Hiều hầu (không rõ tên) cũng chưa có con trai. Gặp lúc nhà sư núi Thạch Thất557 là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng: "Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì báo cho tôi biết trước để cầu khấn với sơn thần". Ba năm sau, phu nhân có mang sinh con trai là (Lý) Dương Hoán.


557 Núi Thạch Thất: thức núi Thầy (Sài Sơn), huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.


Quý Tỵ, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 4 (1113), (Tống Chính Hòa năm thứ 3). Mùa hạ, tháng 6, phu nhân của châu mục châu Chân Đăng là công chúa họ Lý mất.


(Phu nhân tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Càn Vương được Thánh Tông nuôi ở trong cung, lớn lên phong làm chúa, gả cho châu mục châu Chân Đăng là người họ Lê, chồng chết, phu nhân tự thề ở góa, đi tu làm sư nữ, đến đây mất, thọ bảy mươi hai tuổi. Thần Tông tôn làm Ni sư).


[16b] Giáp Ngọ, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 5 (1114), (Tống Chính Hòa năm thứ 4). Mùa xuân, tuyết điềm lành xuống.


Ất Mùi, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 6 (1115), (Tống Chính Hòa năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, phong ba hoàng hậu là Lan Anh, Khâm Thiên, Chấn Bảo và ba mươi sáu cung nhân, Bấy giờ vua không có con trai, cho nên lập nhiều hoàng hậu và cung nhân, làm đàn chạy để cầu tự. Thái hậu dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm chùa.


(Tục truyền rằng thái hậu hối về việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ vô tội mà bị chết, làm nhiều chùa Phật để sám hối rửa oan).


Bính Thân, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 7 (1116), (Tống Chính Hòa năm thứ 6). Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất. (Thạch Thất là tên huyện, tức là huyện Ninh Sơn ngày nay, tên núi là Phật Tích. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng: tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác). Trước là phu nhân của Sùng Hiến Hầu là Đỗ thị đã có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo.


Đạo Hạnh lập tức [17b] thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán. Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy.


Hàng năm, mùa xuân, cứ đến ngày mồng 7 tháng 3, con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của sư (xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng lại thờ như cũ, hiện nay hãy còn).


Đinh Dậu, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 8 (1117), (Tống Chính Hòa năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, Diên Thành hầu (không rõ tên) chết. Xuống chiếu bãi trò chơi "tàng câu"558 và cỗ bàn khao mừng; vẫn phát vàng bạc tiền lụa ở kho để phúng điếu, việc tang rất hậu.


558 Tàng câu: tên gọi một trò chơi tìm vật giấu trong nắm tay, tương tự như trò chơi "tay nào có tay nào không".


Tháng ấy, người giữ Thái Đường559 dâng hươu trắng.


559 Nguyên văn: "Thủ Thái Đường nhân". Thái Đường có lẽ là tên giáp, vị trí vào khoảng huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây ngày nay.


Người giáp Cam Giá560 dâng hươu đen.


560 Cam Giá: tức vùng mía ở huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.


Tháng 2, định rõ lệnh cấm giết trộm trâu. Hoàng thái hậu nói: "Gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người trốn tránh, [17b] lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ấy nhà nước đã có lệnh cấm. Nay giết trâu lại càng nhiều hơn trước". Bấy giờ vua xuống chiếu kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp561, vợ xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ562 và bồi thường trâu; láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng.


561 Đồ khao giáp: đây làm kẻ phục dịch trong quân.


562 Tang thất phụ: đàn bà làm việc ở nhà chăn tằm.


Tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn563 để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện.


563 Núi Chương Sơn: là núi Ngô Xá ở xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam ngày nay. Dấu vết của ngôi tháp thời Lý nay vẫn còn.


Vua lại ngự đến hành cung Ứng Phong564 (nay là phủ Nghĩa Hưng) xem cày ruộng công.


564 Ứng Phong: tên phủ thời Lý, tương đương với phủ Nghĩa Hưng thời Lê, tức là đất ba huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản, tỉnh Nam Định ngày nay.


Mùa hạ, tháng 5, Viên ngoại lang là Ngô Thiệu dâng cây lúa chiêm một gốc chín bông.


Phò mã lang là Dương Cảnh Thông dâng hươu trắng.


Thủ lĩnh châu Tư Nông565 là Hà Vĩnh Lộc dâng con ngựa hồng có cựa.


565 Tư Nông: tên châu thời Lý, nay là huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.


Sầm Tác Hỏa đầu là Lê Binh và Tào Nhi cùng dâng hươu trắng. Người giáp Trực Tà dâng con hoẵng trắng.


Tháng 6, vua ngự đến hành cung [18a] Ứng Phong xem cày ruộng. Khi ấy không mưa, cầu đảo ở hành cung.


Rồng vàng hiện ở bảo đài, cầu đảo ở Động Linh.


Trung Nghĩa hầu (không rõ tên) chết.


Mùa thu, tháng 7, ngày 25, Lan hoàng thái hậu băng, Hỏa táng, bắt ba người hầu gái chôn theo. Tôn dâng tên thuy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu.


Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Hỏa táng là lễ đạo Phật, chôn theo là tục nhà Tần, Nhân Tông đều làm theo, hoặc giả vâng lời dặn lại của thái hậu chăng?


Mùa thu, tháng 8, táng Linh Nhân hoàng thái hậu ở Thọ Lăng phủ Thiên Đức566.


566 Phủ Thiên Đức: tức là châu Cổ Pháp trước năm 1010, xem chú thích (1) tr. 240.


Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến hành cung Khải Thuy xem gặt. Đêm hôm ấy, mặt trăng có hai quầng.


Tìm con trai họ tông thất để nuôi ở trong cung. Xuống chiếu rằng: "Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? [18b] Vậy nên trẫm nuôi con trai của các hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập làm thái tử". Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Dương Hoan mới lên hao tuổi mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu và bèn lập làm hoàng thái tử.


Chiêm Thành dâng ba đóa hoa bằng vàng.


Mậu Tuất, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 9 (1118), (Tống Trùng Hòa năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu chọn hoàng nam trong dân chúng và binh lính.


Tháng 2, sử nước Chân lạp sang chầu. Đặt lễ yến tiệc mùa xuân và mở hội khánh thành bảy bảo tháp. Bấy giờ xuống chiếu cho Hữu ty bày nghi trượng ở điện Linh Quang, dẫn sứ giả đến xem.


Tháng 3, lấy các đại hoàng nam khỏe mạnh sung vào làm binh các đội Ngọc Giai, Hưng Thánh, (Vũ) Đô567 và Ngự Long, tất cả 350 người.


567 Nguyên bản in sót chữ Vũ, ỡ đoạn sau (BK3, 19b) có ghi rõ Vũ Đô.


Tả thị lang bộ Hộ là Lý Tú Quyền chết.


Mùa hạ, tháng 5, biếm Hữu thị lang bộ Lễ là Lê Bá ngọc làm Nội nhân thư gia.


Đại hạn, cầu đảo được mưa.


Mùa thu, tháng 7, [19a] bãi lễ ăn tết Trung Nguyên568 vì gặp ngay Lễ Vu lan bồn569 (cầu siêu cho) Linh Nhân hoàng thái hậu.


568 Tiết Trung Nguyên: tức lễ rằm tháng bảy.


569 Lễ Vu Lan bồn: lễ cúng Phật ngày rẳm tháng bảy, cầu siêu cho cha mẹ khỏi bị khổ hình ở địa ngục.


Chiêm Thành sang cống.


Tháng 9, ngày Tân Tỵ, mở hội Thiên phật (Nghìn Phật) để khánh thành chùa Thắng Nghiêm Thánh Thọ, cho sứ Chiêm Thành đến xem.


Ngày Bính Tuất, vua ngự điện Linh Quang xem đua thuyền, đặt lễ yến tiệc mùa thu.


Mùa đông, tháng 11, sai Viên ngoại lang là Nguyễn Bá Độ570 và Lý Bảo Thần đem biếu nhà Tống hai con tê giác trắng, đen và ba con voi nhà.


570 Đại Việt sử lược (quyển 2, 22b) chép tên người này là Nguyễn Bá Khánh (hai chữ) Khánh và Độ dễ sao chép lầm).


Năm ấy, có mọc ngọt xuống, vua tự tay viết tám chữ, "Thiên hạ thái bình, thánh cung vạn tuế" vào bia, sai thợ khắc.


Cấm nô bọc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được thích mực vào ngực, vào chân như cấm quân cùng là xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô.


Kỷ Hợi, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 10 (1119), (Tống Tuyên Hòa năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, vua ngự đến Khoái Trường bắt voi trắng.


Mùa hạ, [19b] tháng 4, Đô tào là Phan Điền dâng hươu trắng.


Tháng 5, mở hội khánh thành chùa Tịnh Lự. Rồng hiện ở hàng bán nước chè ở Kinh sư.


Mùa thu, tháng 7, đóng hai chiếc thuyền Cảnh Hưng và Thanh Lan. Xuống chiếu cho các quân đóng thuyền chiến, sửa đồ binh giáp, vua muốn thân đi đánh động Ma Sa571.


571 Động Ma Sa: thuộc địa phận huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình ngày nay.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom