• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (2 Viewers)

  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 08 - Phần 3

Tháng 8, ngày Giáp Thân, vua ngự điện Linh Quang xem đua thuyền. Đặt lễ yến tiệc mùa thu. Từ đó về sau, hàng năm tháng 8 đua thuyền thì đặt yến làm lệ thường.


Mùa đông, tháng 10, duyệt sáu binh tào Vũ Tiệp, Vũ Lâm…, người nào mạnh khỏe cho làm hỏa đầu ở các đội quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô, còn bậc dưới thì cho làm binh ở các quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô, Ngự Long.


Họp các quân nhân cả nước thề ở Long Trì. Xuống chiếu rằng: "Trẫm nhận lấy cơ nghiệp của một tổ hai tông, đứng trên dân đen, coi triệu họ trong bốn biển đều như con đỏ, cả đến cõi xa cũng mến [20a] lòng nhân mà quy phụ, phương khác cũng mộ nghĩa mà lại chầu. Vả xét dân động Ma Sa sống ở trong cõi của ta, động trưởng Ma Sa thì đời đời làm phiên thần của ta, thế mà nay kẻ tù trưởng ngu hèn ấy bỗng phụ ước của ông cha, quên việc tuế cống khiếm khuyết lệ thường phép cũ. Trẫm vẫn nghĩ mãi, việc không đừng được, nay trẫm tự làm tướng đi đánh dẹp. Nay các tướng súy sáu quân, các ngươi đều phải hết lòng, tuân theo mệnh lệnh của trẫm". Bèn ban khí giới cho tướng sĩ, vua ngự thuyền Cảnh Hưng, xuất phát từ bến Thiên Thu, cờ xí rợp trời, gươm giáo rẽ sương, quân sĩ đánh trống reo hò, khí thế trăm phần hăng hái.


Ngày hôm ấy, rồng vàng hiện bay theo thuyền. Đến bờ thác Long Thủy572, Thành Khánh hầu dâng con rùa mắt có sáu con ngươi, trên ức có chữ "Vương". Sóng lại nổi lên. Vua tự làm tướng đánh động Ma Sa, phá tan được, bắt được bọn động trưởng Ngụy Bàng vài trăm người, lấy được vàng lụa trâu dê không [20b] kể xiết. Sai tỷ tướng vào các động dọc biên giới chiêu dụ những người trốn tránh bảo về yên nghiệp.


572 Long Thủy hiệp: tức là Thác Bờ ở gần thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.


Tháng 12, ngày mồng 1, vua từ động Ma Sa về, dâng tù Ngụy Bàng ở Thái Miếu. Khao thưởng tướng sĩ, ban tiền lụa theo thứ bậc khác nhau.


Canh Tý, (Thiên Phù Duệ Vũ) năm thứ 1 (1120), (Tống Tuyên Hòa năm thứ 2).


Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, bề tôi đang biểu khuyên gia thêm tôn hiệu và xin đổi niên hiệu. Vua y theo.


Tháng 2, mở hội đèn Quảng Chiếu.


Tháng 3, nước Chân Lạp sang cống.


Mùa hạ, tháng 6, chủ đô giáp Tất tác573 là Đặng An dâng chim sẻ trắng.


573 Tất tác giáp: giáp thợ sơn.


Mùa thu, tháng 9, có rồng vàng hiện.


Nước Chiêm Thành sang cống.


Được mùa to.


Mùa đông, tháng 10, đắp đài Chúng Tiên.


Tháng 12, cho Nội nhân thư gia là Phan Cảnh và Mâu Du Đô làm Nội thường thị.


[21a] Tân Sửu, (Thiên Duệ Vũ) năm thứ 2 (1121), (Tống Tuyên Hòa năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 3, nhà sư Vương Ái dâng cây cau một gốc 7 thân. Thái sư Trần Độ nói: "Vật này không lấy gì làm điềm lành". Vua không nhận.


Mở hội khánh thành chùa Bảo Thiên và điện Trùng Minh.


Mùa hạ, tháng 5, nước to, tràn vào đến bên ngoài cửa Đại Hưng.


Mùa thu, tháng 7, người phiên Tử Thảo là Hà Ngọ dâng con hoẵng trắng.


Làm chùa Quảng Giáo.


Có nhiều sâu cắn lúa.


Mùa đông, tháng 10, lại lấy Lê Bá Ngọc làm Nội thường thị.


Nhâm Dần, (Thiên Phù Duệ Vũ) năm thứ 3 (1122), (Tống Tuyên Hòa năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, nhà sư Dương Tu dâng một đôi ngọc bích trắng.


Tháng 3, ngày Mậu Dần, mở hội khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở Đội Sơn574.


574 Đội Sơn: Tức là núi Đọi, ở xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà.


Cấm mọi người không được dùng gậy tre gỗ và đồ sắc nhọn đánh nhau.


Mùa hạ, tháng 4 cho bọn Lý Phụng hai mươi người làm ngục lại, xét việc kiện tụng của dân gian.


Tháng 5, người quảng Giao [21b] giáp là Phạm Ba Tư dâng hươu trắng.


Mùa thu, tháng 8, ngày Kỷ Hợi, vua ngự điện Linh Quang xem đua thuyền.


Lấn đầu chế dải mũ bằng bạc sung vào đồ nghi vệ.


Ngày Đinh Mùi, Viên ngoại lang là Lý Nguyên dâng một viên ngọc châu tân lang575. Xuống chiếu không nhận.


575 Nguyên văn: "tân lang châu", chưa rõ là thứ ngọc gì, có lẽ chỉ là cách để nói viên ngọc châu to bằng quả cau (tân lang)?


Mùa đông, tháng 12, sai Viên ngoại lang là Đinh Khánh An và Viên Sĩ Minh đem voi nhà biếu nhà Tống. Bấy giờ Viên Sĩ Minh vào có tang không được thăng quan, cho con trai là Sủng làm Phụng tin lang.


Năm ấy, xuống chiếu rằng: những tên trộm cướp trốn tránh đã bắt được mà lại bị nhà thế gia chiếm đoạt thì nhà thế gia ấy cùng tội với người trốn.


Kẻ lại đi bắt trộm cướp, bắt được rồi mà giữ lại ở nhà mình, không dẩn đến quan, thì phạt đánh 80 trượng.


Quý Mão, (Thiên Phù Duệ Vũ) năm thứ 4 (1123), (Tống Tuyên Hòa năm thứ 5).


Mùa xuân, tháng giêng, ngày 25, là tiết Đản thánh576, lần đầu làm nhà múa có bánh xe đẩy, sai cung nữ múa ở trên để dâng rượu.


576 Đản thánh tiết: lễ sinh nhật của vua.


Tháng 2, mở lễ [22a] yến tiệc mùa xuân ở điện Sùng Uyên.


Lần đầu làm chiếc lọng che mưa cán cong.


Ngày Nhâm Dần, vua ngự đến Long Thủy577 để bắt voi.


577 Nguyên bản in là "Long Thủy hải", có thể ở đây vẫn chỉ địa điểm Long Thủy hiệp (Thác Bờ) là nơi Lý Nhân Tông đã dừng thuyền khi đi đánh động Ma Sa ba năm trước để bắt voi.


Ngày Đinh Mùi, mở hội khánh thành chùa Phụng Từ. Ngày Bính Thìn, vua về đến Kinh sư.


Tháng 3, ngày Tân Tỵ, mở hội khánh thành chùa Quảng Hiếu ở Tiên Du. Truy dâng lễ cúng Thánh Tông và Thượng Dương hoàng thái hậu.


Mùa hạ, tháng 4, ngày Giáp Thân, 5 người nước Chân Lạp quy phụ.


Cấm giết trâu. xuống chiếu rằng: "Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật".


Mùa thu, tháng 7, nước Chân Lạp sang cống.


Tháng 8, ngày mồng 1, vua ngự điện Thiên An, ban áo mùa thu cho các quan.


Vua ngự điện Linh Quang xem đua thuyền. Đêm ấy vua ngự điện Sùng Uyên, đặt lễ yến mừng chiếc lọng vàng.


Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem gặt lúa. Chuyến đi này bắc [22b] cầu vồng qua sông Ba Lạt578.


578 Sông Ba Lạt: là khúc sông Hồng chảy ra biển ở cửa Ba Lạt ngày nay.


Tháng 11, vua đến kinh sư. Các nhà nho, đạo, thích đều dâng thơ mừng.


Xây đài Tử Tiêu579.


579 Việt sử lược chép là đài Thông Tiêu (q2, 23a).


Năm ấy được mùa to.


Giáp Thìn, (Thiên Phù Duệ Vũ) năm thứ 5 (1124), (Tống Tuyên Hòa năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, Diêu Sách dâng chim sẻ trắng.


Tháng giêng nhuận, đóng thuyền Tường Quang, kiểu thuyền hai lòng.


Vua ngự đến hành cung ở Ứng Phong xem cày ruộng. Khi vua ngự ở hành cung, người nước Chiêm Thành là Cụ Ông và ba người em họ đến chầu.


Tháng 2, vua về Kinh sư.


Mùa hạ, tháng 4, người nước Chân Lạp là Kim Đinh A Truyền cùng bốn người gia đồng sang quy phụ.


Thủ lĩnh châu Quảng Nguyên là Dương Tự Hưng dâng hươu trắng.


Dựng chùa Hộ Thánh.


Tháng 5, người nước Chiêm Thành là bọn Ba Tư Bồ Đà La ba mươi người sang quy phụ.


Mùa thu, tháng 7, hạn, làm lễ cầu mưa.


Chủ đô giáp Nội tác giám là Tô Ông dâng con rùa mắt có sáu con ngươi, trên ức [23a] có hai chữ "Thiện đế".


Tháng 9, Thành Khánh hầu (không rõ tên) chết.


Mùa đông, tháng 10, đắp đài Uất la.


Tháng 11, đô Ngọc Giai là Lý Hiệu dâng cá chiên vàng.


Tháng 12, phu nhân của Thành Khánh hầu là Hà Thị uống thuốc độc chết theo chồng.


Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đàn bà chỉ theo một chồng mà chết thì không gọi là "tuẫn" (chết theo). Hà thị theo tình mà đi thẳng, đến nỗi uống thuốc độc chết theo, tuy là quá, nhưng khó với người khác mà Hà thị lấy làm dễ, việc ấy cũng là khó làm. Hoặc giả Thành Khánh hầu đến lúc ấy mới chôn mà Hà thị chết để chôn theo chăng?


Lại cho Nội thường thị là Lê Bá Ngọc làm thị lang bộ Lễ. Tiểu thủ lĩnh châu Quảng Nguyên là Mạc Hiền và phe đảng bộ thuộc trốn sang động Cống ở địa giời Ung Châu nước Tống.


[23b] Ất Tỵ, (Thiên Phù Duệ Vũ) năm thứ 6 (1125), (Tống Tuyên Hòa năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, cho Nội thường thị là Mâu Du Đô580 làm Trung thư thừa581.


580 Mâu Du Đô: Việt sử lược chép là Mâu Đô Du (q2, 23a).


581 Việt sử lược chép là trung tướng (q2, 23a).


Ung Châu bắt bọn Mạc Hiền, xin sai người đến Giang Nam để giao trả. Vua sai người giữ phủ Phú Lương582 là trung thư Lý Hiến đến Giang Nam nhận đem về kinh sư. Đày Mạc Hiền vào châu Nghệ An, vợ con đều sung làm quan nô.


582 Phú Lương: tên phủ đời Lý, gồm miền đất tỉnh Thái Nguyên cũ và cả huyện Đa Phúc cũ.


Phiên làm giấy583 dâng ngọc châu tân lang, vua truyền không nhận.


583 Nguyên văn: "Chỉ tác phiên", đơn vị thợ chuyên làm giấy viết.


Khánh thành điện Sùng Dương, mở yến tiệc ba ngày đêm. Mùa hạ, tháng 4, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem cày ruộng.


Tháng 6, vua từ hành cung Ứng Phong đến hành cung Lý Nhân, Nhập nội thường thị trung thừa là Mâu Du Đô vâng chỉ tuyên bảo các quan trong ngoài rằng có rồng vàng hiện ở điện kín của hành cung, chỉ có các cung nữ và hoạn quan trông thấy.


Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem gặt.


Tháng 11, sai Nhập nội Lễ bộ thị lang [24a] Lê Bá Ngọc đi đánh bọn Nùng Quỳnh và Mạc Thất Nhân ở châu Quảng Nguyên. Khi sắp đi, Bá Ngọc họp quân thề ở ngoài cửa Đại Hưng, tuyên bố quân lệnh.


Rồng vàng lượn ở bảo đài kỳ thọ ở Động Vân.


Xuống chiếu rằng phàm đánh chết người thì xử 100 trượng, thích mặt 50 chữ, đồ làm khao giáp.


Bính Ngọ, (Thiên Phù Duệ Vũ) năm thứ 7 (1126), (Tống Khâm Tông Hằng, Tĩnh Khang năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, mở hội đèn Quảng Chiều bảy ngày đêm. Tha người có tội (giam) ở phủ Đô Hộ.


Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây.


Tháng 2, ngày mồng 1, vua ngự điện Thiên An, xem các vương hầu đá cầu.


Tháng 3, làm lễ khánh hạ năm bộ kinh ở chùa Thọ Thánh.


Mùa hạ, tháng 5, ngày Nhâm tuất, mở hội Nhân Vương ở Long Trì. Ngày hôm ấy rồng vàng hiện ở điện Vĩnh Quang.


Mùa thu, tháng 7, hạn, từ tháng 6, đến đây càng dữ.


Con rùa mắt có sáu con ngươixuất hiện.


Mưa dầm, làm lễ cầu tạnh.


Tháng 9, nước Chiêm Thành sang cống.


Mở [24b] hội đèn Quảng Chiếu ở Long Trì, xuống chiếu cho sứ thần Chiêm Thành vào xem.


Mùa đông, tháng 11, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem gặt.


Tháng 11 nhuận, sai lệnh thư gia là Nghiêm Thường, Ngự khố thư gia là Từ Diên đem mười con voi thuần và vàng bạc, sừng tê sừng bin sang biếu nhà Tống để tạ ơn việc bắt Mạc Hiền.


Thường và Diên đến Quế phủ584 vào ra mắt quan kinh lược ty. Họ bảo với Thường và Diên rằng: "Năm nay ở Đông Kinh và các xứ Hồ Nam, Đĩnh Châu, Lễ Châu đều đã đem binh mã đi đánh người Kim, chưa biết lúc nào về. Trong lúc này thì ngựa trạm, phu trạm dọc đường chỗ nào cũng ít, xin sứ giả đem lễ vật về".


584 Quế phủ: tức phủ Quế Châu, nay là Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.


Thường và Diên phải trở lại. Năm ấy người nước Kim là Niêm Hãn, Cán Lý Bất585 đem quân vây Biện Kinh nước Tống, bắt vua Tống là Huy Tông và Khâm Tông đem về phương Bắc. Nước Tống loạn to. (Lúc ấy vua Kim là Oa Khoát Đài dựng nước ở Mạc Bắc586, đặt niên hiệu là Thiên Hội)587.


585 Cán Lý Bất, (đúng tên là Oát Ly Bất hai chữ Oát và Can dễ sao chép lầm, con thú hai của Kim Thái Tô (A Cốt Đả), cùng với Niêm Hãn đem quân đánh kinh đô nhà Tống.


586 Mạc Bắc: tức phía bắc sa mạc Gôbi (từ chân núi Hưng An Lĩnh đến phía đông núi Thiên Sơn).


587 Ở đây có nhiều nhầm lẫn trong lời chú thích nguyên bản. Việc tướng nước Kim chiếm Biện Kinh, bắt sống Huy Tông và Khâm Tông nhà Tống mà toàn thư nhắc đến đây là sự kiện vào năm Thiên Hội thứ 3 (1125) đời Kinh Thái Tông, còn lập nước Kim là việc của Kim Thái Tổ (không có niên hiệu Thiên Hội). Kim Thái Tổ họ Hoàn Nhan, tên là A Cốt Đả, sau đổi là Mân, còn Oa Khoát Đài (Ogodai) là tên của hãn Mông Cổ (1228 - 1241).


[25a] Đinh Mùi, (Thiên Phù Khánh Thọ) năm thứ 1 (1127), (Tống Tĩnh Khang năm thứ 2, từ tháng 5 về sau là Cao Tông Cấu, Kiến Viên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, cho Ngự khổ thư gia là Phạm Tín làm Phán sự phủ Thanh Hóa.


Tháng 2, các quan dâng tôn hiệu gia thêm bốn chữ: Khoan Từ Thánh Thọ.


Từ tháng giêng đến tháng 2 mưa dầm, sai quan làm lễ cầu tạnh.


Viên ngoại lang là Nguyễn Nghĩa Trường dâng con rùa ba chân, mắt sáu con ngươi.


Tháng 3, thủ lĩnh châu Nông588 là Dương Tuệ dâng hai khối vàng sống (gọi là vàng) Trường thọ.


588 Nông Châu: tức châu Tư Nông (hoặc còn gọi là Tây Nông như ở BK3, 34a), nay là huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái.


Mùa hạ, tháng 4, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem gặt.


Mưa thóc.


Tháng 5, nhà sư Cao Đình dâng chim sẻ trắng.


Mùa thu, tháng 7, ngày Đinh Tỵ, khánh thành chùa Trung Hưng Diên Thọ.


Mùa đông, tháng 11, Khâm Châu nước Tống đưa trả nghịch đảng ở châu Quảng Nguyên là bọn Mạc Thất Nhân.


Tháng 12, sao Thiên Cẩu sa xuống, có tiếng kêu như sấm.


Gả công chúa Diên Bình cho thủ Lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh.


[25b]Vua không khỏe, gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận di chiếu rằng: "Trẫm nghe phàm các loài sinh vật không loài nào không chết. Chết là số lớn của trời đất, lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế mà người đời không ai là không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào! Trẫm xót phận tuổi thơ phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi. Đã năm mươi sáu năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là may rồi, còn phải thương khóc làm gì? Trẫm từ khi đi xem gặt lúa đến giờ, bỗng bị ốm, bệnh kéo dài, [26a] sợ không kịp nói đến việc nối ngôi. Mà thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn một kỷ589, có nhiều đại đội, thông minh thành thật, trung nghiêm kính cẩn, có thể theo phép cũ của trẫm mà lên ngôi hoàng đế. Nay kẻ ấu thơ chịu mệnh trời, nối thân ta truyền nhgiệp của ta, làm cho rộng lớn thêm công nghiệp đời trước. Nhưng cũng phải nhờ quan dân các ngươi một lòng giúp rập mới được.


589 Tức mười hai tuổi.


Này Bá Ngọc, ngươi thật có khí lượng của người già cả, nên sửa sang giáo mác, để phòng việc không ngờ, chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc tang thì chỉ ba ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế. Than ôi! Mặt trời đã xế, tấc bóng khó dừng; từ giã cõi đời, nghìn thu vĩnh quyết. Các ngươi nên thật lòng kính nghe lời trẫm, báo rõ cho các vương công, bày tỏ trong ngoài".


Ngày Đinh Mão, vua băng ở điện Vĩnh Quang.


[26b]Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Về thời đại thuận ngày xưa, người làm vua biết giữ tín đạt thuận, tới được mức trung hòa, cho nên bấy giờ trời không tiếc đạo, đất không tiếc của báu, móc ngọt tuân sa, rượu thơm suối chảy, cỏ chỉ nảy mọc, mà các vật điềm lành như rồng, phượng, rùa, lân, không giống gì không đến. Thời Nhân Tông, sao các vật điềm lành nhiều đến thế? Là vì nhà vua thích, cho nên bề tôi dâng xằng mà thôi.


Hoàng thái tử lên ngôi trước linh cữu. Hạ lệnh cho Vũ vệ Lệ Bá Ngọc truyền bảo quân hầu và các quan văn võ lui ra ngoài cửa Đại Hưng, sai các người giữ thành đóng cửa canh phòng cẩn mật, không cho ai ra vào. Lại sai cấm quân cầm binh khí đứng ở dưới điện Thiên An, rồi cho lệnh mở cửa nách bên hữu, gọi các quan vào long trì sai Bá Ngọc truyền bảo các vương hầu và các quan văn võ rằng: "Không may tiên đế lìa bỏ bầy tôi, ngôi trời không thể bỏ không lâu ngày. Ta còn ít tuổi, cố gượng nối ngôi, các khanh nên bền mãi một lòng590, giúp đỡ nhà vua, không những để không phụ lòng tiên đế chú ý trông mong mà còn để con cháu các khanh đời đời hưởng lộc vị".


590 Nguyên văn: "Vĩnh kiên nãi tâm"; chữ kiên là vững bền cho đồng âm mà khắc lầm ra chữ kiên là vai.


Các quan đều lạy mừng và thương khóc. Sai nội nhân là Đỗ Thiện, xá nhân là Bồ Sùng đem việc ấy báo với Sùng Hiền hầu. xuống chiếu cho các hương ấp trong nước đều yên nghiệp như cũ, không được chứa giấu giặc cướp trốn tránh và những kẻ đánh nhau giết người.


Ngày Nhâm Ngọ, các quan dâng biểu xin quàn linh cữu ở điện Hồ Thiên. Ngày Quý Mùi, các quan mặc áo trở ở ngoài gác Vĩnh Bình. Ngày Giáp Thân, các quan dâng biểu xin vua ngự chính diện.


Ngày Ất Dậu, vua bắt đầu ngự điên Thiên An coi chầu. xuống chiếu cho các quan bỏ áo trở. Ngày hôm ấy vua ngự giá đi Na Ngạn591 xem các cung nữ lên [27b] dàn thêu để chết theo Đại Hành Hoàng Đế.


591 Na Ngạn: nay là đất huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc.


Lê Văn Hưu nói: Trẻ nhỏ lên ba tuổi thôi bế ẵm mới rời khỏi cha mẹ, cho nên từ thiên tử cho đến dân thường, tuy sang hèn khác nhau, mà tình thương nhớ ba năm thì là một. Thế là để báo đền công khó nhọc của cha mẹ vậy. Huống chi Thần Tông được Nhân Tông nuôi nấng trong cung, không ơn gì hậu bằng, đáng lẽ phải tang hết mức buồn, tế hết mức kính, để báo đáp mới phải. Nay chưa được một tháng mà đã bảo các quan bỏ áo trở, chưa đến lễ tốt khốc mà đã đón hai phi hậu vào cung, không hiểu bấy giờ lấy gì để làm khuôn mẫu cho thiên hạ và biểu đạt với các quan? Thần Tông còn nhỏ tuổi, bầy tôi trong triều cũng lấy việc để tang ngắn làm may, không ai có một lời nói đến. Có thể bảo là trong triều không có người vậy [28a].


Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Tông thánh học cao minh, hiểu sâu cớ sống chết, như lẽ tất nhiên có ngày thì có đêm. Lời di chiếu nói rất thấu lẽ, đủ biết cái ý "không gõ chậu hát ca, đến lúc tuổi già than tiếc"592. Dạy người như thế thật sâu xa vậy, tuy nhiên, ở Nhân Tông thì đó là lời nói sáng đạo, mà ở Thần Tông thì lại là việc làm thất hiếu. Văn Hưu bàn thế là phải.


592 Dẫn lời quẻ Ly trong Kinh Dịch.


THẦN TÔNG HOÀNG ĐẾ


Húy Dương Hoán, cháu gọi Thánh Tông bằng ông, cháu gọi Nhân Tông bằng bác, con của Sùng Hiền hầu, do phu nhân họ Đỗ sinh ra.


Khi mới lên hai tuổi, được nuôi trong cung, lập làm hoàng thái tử. Nhân Tông băng, bèn lên ngôi báu.


Ở ngôi mười một năm (1128 - 1138), thọ hai mươi ba tuổi (1116 - 1138) băng ở điện Vĩnh Quang.


Vua khi mới lên ngôi hãy còn trẻ dại, đến khi lớn lên, tư chất thông minh, độ lượng nên việc sửa sang chính sự, dùng người hiền tài, thủy chung đều chính, nhiệm nặt khúc nôi, không gì sai lệch. Tuy thân mang ác tật nhưng rồi chữa lành, cũng là nhờ có ý trời cả. Song quá thích điềm lành, tôn sùng đạo Phật, chẳng đáng [28b] quý gì.


Mậu thân, Thiên Thuận593 năm thứ 1 (1128), (Tống Kiến Viêm năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, Bính Tuất, đổi niên hiệu, đại xá. Tôn mẹ nuôi là Trần Anh phu nhân làm Hoàng Thái hậu.


593 Đại Việt Sử Lược chép niên hiệu này là Đại Thuận (Q.3, 1a).


Xuống chiếu rằng: Phàm dân có ruộng đất bị sung công cùng là bị tội phải làm điền nhi thì đều được tha cả. Các tăng đạo và dân phải làm lộ ông594 cũng được miễn.


594 Điền nhi và lộ ông: Cương Mục dẫn lời Ngô Thì Sĩ chua rằng: Điền Nhi và Lộ Ông đều là những người bị tội đồ dịch. Còn phép phối dịch ra sao bây giờ không thể khảo được (CMCB4, 19a).


Cho sáu quân thay phiên nhau về làm ruộng, theo chế độ xưa.


Ngày Mậu Tý, tôn thụy hiệu cho Đại Hành Hoàng Đế là Hiếu Từ Thánh Thần Văn vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Nhân Tông.


Ngày Kỷ Sửu, biếm Đại liêu ban Lý sùng Phúc vì khi đi qua cửa thành Tây Dương, người tuần lại hỏi mà không trả lời.


Ngày Tân Mão, xuống chiếu rằng nước đang có tang, dân chúng không được cưỡi ngựa và đi võng màu lam, xe che màn.


Ngày Canh Tý, vua bắt đầu ngự kinh diên (nghe giảng học).


Ngày Tân Sửu, lấy Nội [29a] vũ vệ Lê Bá Ngọc làm Thái úy, thăng tước hầu; Nội nhân hỏa đầu Lưu Ba, Dương Anh Nhĩ làm Thái Phó, tước Đại liêu ban; Trung thừa Mâu Du Đô làm Gián nghị đại phu, thăng trật chư vệ; Nội nhân hỏa đầu Lý Khánh, Nguyễn Phúc, Cao y làm Thái Bảo, tước Nội thượng chế; Nội chi hậu quản giáp Lý Sơn làm Điện tiền chỉ huy sứ, tước Đại liêu ban; Linh nhân595 Ngô Toái làm Thượng chế; Ngự khố thư gia Từ Diên làm Viên ngoại lang. Lại ban tiền lụa cho Bá Ngọc, (Lưu) Ba và (Mâu) Du Đô đến tận nhà đem lễ vật của Nhân Tông ban cho Sùng Hiền hầu.


595 Linh Nhân: tương truyền thời Hoàng Đế có người tên là Linh Luân chế tạo ra âm nhạc, vì vậy đời sau gọi là nhạc quan và các diễn viên ca kịch là "linh nhân".


Ngày Quý Mão, sai người ở Hòa Trại cáo phó với nhà Tống và báo việc lên ngôi. (Khi ấy Tống Cao Tông lánh người Kim qua sông (Trường Giang) đóng đô ở phủ Lâm An596. Ngày Giáp Thìn, xuống chiếu cho Đô phi kỵ mang di [29b] chiếu của Nhân Tông và việc vua lên ngôi sang báo cho Chiêm Thành. Phát vàng và lụa trong kho ban cho các quan theo thứ bậc khác nhau.


596 Nay là Hàm Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.


Ngày Mậu Thân, trường Quang lang dâng chín chiếc thuyền của người buôn nước Tống trôi giạt.


Đỗ Vũ Thắng là Quách Ti dâng cây đào cao bốn tấc có hoa.


Ngày Kỷ Dậu, cho Đào Thuấn làm Trung thư sảnh viên ngoại lang hành tây thượng cáp môn sứ, Thượng thư sảnh viện ngoại lang Lý Bảo thần hành đông thượng cáp môn sứ, Phạm Thưởng, Đỗ Lục,


Khổng Nguyên, Phạm Bảo, Kim Cát, Lý Khái, Đào Lão, Nguyễn Hoàn làm Viên ngoại lang thượng thư sảnh; Lương Cửu, Đào Sâm, Quách Thục, Nguyễn Nhân, Nguyễn Khánh, Đào Tương, Quách Cự Tầm, Nguyễn Thối làm Trung thư hoả; Lý Ngũ, Kiểu Nghĩa, Lý Cá, Nguyễn Biếm, Nguyễn Bộc, Nguyễn Khoan, Đào Lục, Đỗ Ký, Kiểu Thiệu làm Chi hậu thư gia.


Ngày Quý Sửu, xuống chiếu cho Gián nghị đại phu Mâu Du Đô chọn quân Long Dực cũ làm các quân tả hữu Ngọc Giai, Hưng Thánh, Quảng Thành, Vũ [30a] Đô.


Ngày Giáp Dần, hơn hai vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Xuống chiếu cho Nhập nội thái phó Lý Công Bình đem các quan chức đô cùng người châu Nghệ An đi đánh.


Tháng 2, ngày Ất Mão, xuống chiếu tha cho cá tội nhân ở phủ Đô hộ. Ngày Nhâm Tuất, xuống chiếu tha cho 130 người bị biếm truất.


Ngày Quý Hợi, Lý Công Bình đánh bại người Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được chủ tướng và quân lính.


Ngày Ất Sửu, các quan dâng tôn hiệu là Thuận Thiên Quảng Vận Khâm Minh Nhân Hiếu Hoàng Đế. Vua bảo các quan rằng: "Trẫm còn trẻ thơ, nối nghiệp lớn của tiên thánh, mà thiên hạ yên tĩnh, trong cõi sợ uy, đều là nhờ sức của các khanh. Các khanh nên cẩn thận giữ chức, chớ có lười biếng qua quít để giúp cho trẫm những chỗ còn thiếu sót".


Lập Lý thị làm Hoàng hậu. Trước đó vua sai Viên ngoại lang Lý Khánh Thần và [30b] vợ đi đón con gái của Điện tiền chỉ huy sứ Lý Sơn, Viên ngoại lang Trần Ngọc Độ và vợ đi đón con gái của Lê Xương là cháu chú bác của Thái úy Lê Bá Ngọc, sách lập con gái của Sơn làm Lệ Thiên Hoàng hậu, con gái của Xương làm Minh Bảo phu nhân. Thăng trật ký hầu cho Lý Sơn coi việc quân sự ở lạng Châu, ban cho (Lê) Xương tước Đại liêu ban.


Mưa dầm.


Ngày Đinh Mão, các quan dân biểu mừng vua lên ngôi.


Lá phướn của hai chùa Thiên Long và Thiên Sùng không gió mà tự lay động như múa. Vua ngự xa giá đến hai chùa ấy để lễ tạ.


Thư báo thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư.


Ngày Mậu Thìn, vua ngự đến hai cung Thái thanh, Cảnh Linh và các chùa quán trong thành để lễ tạ ơn Phật và Đạo đã giúp ngầm cho Công bình đánh được người Chân Lạp.


Lê Văn Hưu nói: Phàm việc trù tính ở trong màn trướng, quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm, đều là [31a] công của người tướng giỏi cầm quan làm nên thắng lợi. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận. Thần Tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở Thái Miếu, xét công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc. Nay lại quy công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công, cổ lệ chí khí của quân sĩ.


Ngày Canh Ngọ, vua ngự điện thiên an xem quốc nhân hội thề ở Long Trì597. Nhân đó xuống chiếu phát quần áo, tiền lụa trong Nội phủ để ban cho.


597 Nguyên văn: "quan quốc nhân minh vu Long Trì" (xem người trong nước thề ở Long Trì). Hai chữ "quốc nhân" trong câu này không được xác định rõ, thường hiểu là số đông người thuộc nhiều tầng lớp xã hội.


Ngày Giáp Tuất, xuống chiếu cấmgia nô và tạo lệ của các quan không được lấy con gái lương dân.


Hoàng hậu Lệ Thiên và phu nhân Minh Bảo về thăm nhà.


Sai Gián nghị đại phu Mâu Du Đô đến phủ Thiên Đức chọn đất tốt để xây sơn lăng của Nhân Tông.


Tháng 3 [31b] Lý Công Bình đem quân về kinh sư, dâng tù 169 người.


Cho nội lệnh thư gia Phí Công Tín làm Phụng nghị lang, Nội thư gia Ngụy Quốc Bảo làm Tả ty. Vua xem đại hội Linh quang, cho Công Tín và Quốc Bảo làm Nội thường thị.


Mùa hạ, tháng 4, hạn. Vua trai giới ăn chay cầu đảo, được mưa.


Tháng 5, độ cho lão binh đô tào là bọn Vũ Đại bốn người làm tăng.


Xuống chiếu miễn thuế dịch cho 100 người họ của Thần Anh thái hậu có biên tên ở sổ.


Xuống chiếu rằng những việc kiện tụng đã phán xử dưới các triều Tổ, Tông598 rồi thì không được đem bàn tâu lên nữa, làm trái thì bị tội.


598 Chỉ các đời vua Thái Tổ, Thánh Tông và Nhân Tông đời Lý.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom