• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (2 Viewers)

  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 15 - Phần 1

Quyển X


[1a]


Kỷ Nhà Lê


Thái Tổ Cao Hoàng Đế


Vua họ Lê, tên húy là Lợi, người hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hóa1382. Ở ngôi sáu năm, thọ năm mươi mốt tuổi1383, táng ở Vĩnh Lăng.


1382 Lam Sơn nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.


1383 Theo Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn thì Lê Lợi thọ bốn mươi chín tuổi. Lê Lợi sinh năm Ất Sửu (1385), mất năm Quý Sửu (1483) thì thọ bốn mươi chín tuổi, như Đại Việt Thông Sử ghi là đúng.


Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh. Sau mười năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp. Song đa nghi, hiếu sát, đó là chỗ kém.


Trước kia, tổ ba đời của vua tên húy là Hối, một hôm, đi chơi Lam Sơn, thấy đàn chim bay lượn quanh chân núi, như hình ảnh nhiều người tụ họp, bèn nói: "Đây chắc hẳn là chỗ đất tốt", rồi dời nhà đến ở đấy. Sau ba năm thì thành sản nghiệp. Từ đó, đời đời làm quân trưởng một phương.


Hối sinh ra Đinh, nối được nghiệp nhà, có tới hơn một nghìn tôi tớ, lấy vợ là Nguyễn Thị [1b] (tên húy là Quách), sinh được hai người con trai, con cả là Tòng, con thứ là Khoáng. Khoáng lấy vợ người Chủ Sơn (Chủ Sơn nay là Thủy Chú)1384 là Trịnh Thị (tên húy là Thương), đến năm Ất Sửu, tháng 8, ngày mồng 61385 sanh ra vua tại hương Chủ Sơn, huyện Lôi Dương1386. Vua sinh ra, thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, nhịp bước như hồ, kẻ thức giả đều biết vua là bậc phi thường.


1384 Chủ Sơn: tên hương, sau đổi là thôn Thủy Chú, huyện Lôi Dương, nay thuộc xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.


1385 Tức là ngày 19 tháng 9 năm 1385.


1386 Xem chú thích 3.


Bấy giờ, họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, rồi quân Minh xâm lược nước Nam, chia cắt nước ta thành quận huyện, bắt nhân dân ta làm tôi tớ, luật pháp phiền hà khắc nghiệt, thuế má lao dịch nặng nề. Đối với những người hào kiệt trong nước, chúng phần nhiều vờ trao cho quan tước rồi đem về an trí ở phương Bắc. Vua hiểu biết hơn hẳn mọi người, sáng suốt và cương quyết, không bị quan tước dụ dỗ, không bị uy thế khuất phục. Người Minh đã dùng trăm phương ngàn kế xảo trá, vẫn không dụ được vua.


Trước đó, bọn Đặng Tất, Nguyễn Súy ở Châu Hóa [2a] cùng lập con cháu nhà Trần là Trần Ngỗi, Trần Khoáng làm vua. Nhưng vua thấy họ yếu hèn, lại say đắm tửu sắc, biết là chẳng làm nên chuyện, mới ẩn náu chốn núi rừng, dụng tâm nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân chúng lưu ly, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn.


Vua từng bảo mọi người:


"Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược".


Phép dùng binh của vua là biết lấy mềm đánh cứng, lấy yếu thắng mạnh, cho nên phần nhiều đều dẫn tới thắng lợi. Các thành Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Đô, Đông Đô đều sai văn thần Nguyễn Trãi viết thư, dụ bảo bọn giặc điều họa phúc, nên không cần đánh mà chúng phải đầu hàng, chưa từng giết lạm một người nào. Bắt được hơn mười vạn viện binh của quân Minh, cũng đều tha cả. Vua kinh dinh thiên [2b] hạ tronh khoảnh mười năm, dẹp yên loạn lớn và dựng nên nghiệp đế.


Mậu Tuất, (1418), (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 16). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Thân, vua khởi binh ở Lam Sơn.


Trước đó, ngưòi Minh đã có lần trao quan chức để dụ dỗ, nhưng vua không chịu khuất phục, khảng khái, có chí lớn dẹp loạn. Vua từng nói:


"Bậc trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, lưu lại tiếng thơm ngàn năm sau, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?".


Thế rồi, dẫn đầu hào kiệt, dựng cờ nghĩa, thề diệt giặc Minh.


Ngày mồng 9 tháng ấy, bọn nội quan nhaà Minh là Mã Kỳ đem đại binh tới uy hiếp vua ở Lam Sơn. Vua bèn lui quân đến đóng ở Lạc Thủy1387, đặt quân mai phục để chờ giặc.


1387 Lạc Thủy: theo CMCB 13 thì Lạc Thủy thuộc huyện Cẩm Thủy sau này. Huyện Cẩm Thủy bấy giờ là huyện Lỗi Giang, ở phía hữu ngạn sông Mã, thuộc lưu vực sông Âm của huyện Lang Chánh ngày nay. Nhưng căn cứ vào địa bàn hoạt động của nghĩa quân năm này (1418), thì có lẽ Lạc Thủy ở đây là một địa điểm vùng thượng lưu sông Chu, phía trên Lam Sơn.


Ngày 13, bọn Kỳ quả nhiên đến. Vua tung hết quân mai phục xông ra đánh giặc. Cháu vua (có sách chép là con vua, Minh sử chép là em vua) là Lê Thạch cùng các tướng Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý… dẫn đầu xông vào trận giặc, chém được hơn [3a] 3.000 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới, rồi dời quân đến núi Chí Linh1388.


1388 Núi Chí Linh: tức là núi Pù Rinh, thuộc xã Giao An, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.


Ngày 16, tên phản bội Ái (không rõ họ) đẫn đường cho giặc đi lối tắt, đánh úp đằng sau vua, bắt mất gia thuộc của vua và rất nhiều vợ con của quân dân. Quân sĩ dần dần chán nản bỏ đi. Vua cùng bọn Lê Lễ, Lê Náo, Lê Bí, Lê Xí, Lê Đạp bí mật nương náu ở trên núi1389.


1389 Tức núi Chí Linh.


Tháng 2, vua hết lương, không còn gì nổi lửa. Gặp khi giặc lui quân, bèn về đắp thành đất ở Lam Sơn.


Tháng 3, đánh ra Mường Yên1390, thu được hơn trăm người.


1390 Mường Yên: tức là xã Yên Nhân, phía tây núi Pù Rinh (Chí Linh).


Mùa hạ, tháng 4, trước nhà Minh ra lệnh cho các phủ, huyện, châu nước ta trồng hồ tiêu, nay đã lên tốt, sai nội quan Lý Lượng sang thu về dùng. Từ đấy, quan lại đốc thúc bắt trồng, mỗi cây giống giá tới năm quan tiền. Mùa thu, tháng 7, nhà Minh sai hành nhân Hạ Thanh, tiến sĩ Hạ [3b] thì sang thu lấy lại các loại sách ghi chép về sự tích xưa nay của nước ta.


Nhà Minh mở công trường mò ngọc trai, kiếm hương liệu, săn bắt chồn trắng, hươu trắng, voi trắng, tìm lùng rùa chín đuôi, chim đậu ngược, vượn bạc má, trăn, rắn… để dâng nộp.


Tháng 9, viên Tổng binh nhà Minh là Lý Bân đem quân tới sùng lục. Và đặt quân mai phục ở Mường Một1391, dùng tên thuốc độc bắn giặc chết và bị thương quá nửa. Bân thua rút quân về.


1391 Mường Một: hay Mường Mọt, sau là xã Bất Một, thuộc huyện Thường Xuân ngày nay.


Nội quan nhà Minh là Thái giám Sơn Thọ đốc suất quân dân, vây núi Tam Trĩ, châu Tĩnh Yên1392, săn được một con voi trắng, trên lưnmg có vằn đốm, dùng yên bạc thắng lên rồi sai Đô đốc Giang Hạo đưa về Yên Kinh, cho là điềm lành. Các ty trong ngoài dâng biểu chúc mừng.


1392 Châu Tĩnh Yên: thời thuộc Minh là đất tỉnh Quảnh Ninh ngày nay. Núi Tam Tri: tức núi Ba Chẽ.


Kỷ Hợi, (1419), (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 17). Mùa xuân, tháng 2, nhà Minh sai giám sinh Đường Nghĩa sang ban các sách Ngũ kinh, Tứ thư, Tính lý đại toàn, Vi thiện âm chất, Hiếu thuận sự thực, cho [4a] nho học các phủ, châu, huyện. Sai tăng học truyền giảng kinh Phật tại Tăng đạo ty.


Lý Bân nhà Minh tâu xin Hộ bộ ban cấp hộ thiếp1393 cho Giao Chỉ, bắt châu huyện làm sổ thuế khóa phu dịch1394 và lên danh sách lý trưởng và giáp thủ1395 từng năm1396. Đại để, cứ 110 hộ là một lý, mỗi năm cử một lý trưởng, mười giáp thủ, để nhận các việc lao dịch, hết lược lại cử từ đầu. Người làm lý trưởng, giáp thủ bị roi vọt đánh đập khổ sở khôn xiết.


1393 Hộ thiếp: như sổ hộ tịch, mỗi tấm hộ thiếp có ghi rõ họ tên, quê quán và số đinh trong mỗi hộ, có đánh số chữ ký hiệu và đóng một nửa phần dấu kiềm đề phòng khi khám nghiệm. Sổ hộ khẩu thì để ở Hộ bộ, còn hộ thiếp thì phát cho các hộ (theo Đại Minh hội điển).


1394 Nguyên văn: Phú dịch hoành sách, tức là quyển sách bìa vàng kê khai thuế khóa phu dịch. Theo Thông giám tập lãm, thì năm Hồng Vũ thứ 14 (1381) nhà Minh hạ chiếu bắt cả nước làm sổ "hoàng sách".


1395 Giáp thủ: là người đứng đầu một giáp (gồm 10 hộ), lý trưởng: người đứng đầu một lý (gồm 110 hộ).


1396 Nguyên văn: Lý trưởng, giáp thủ chu niên đồ dạng.


Mùa hạ, tháng 4, vua đánh đồn Nga Lạc1397, bắt được viên thổ quan chỉ huy Nguyễn Sao, chém được 300 thủ cấp.


1397 Đồn Nga Lạc: ở gần Lam Sơn, thuộc vùng Bái Thượng ngày nay.


Tháng 5, vua đóng ở sách Đà Sơn1398, quân Minh tiến đánh. Vua phục kích ở Mường Chánh1399, cả phá quân giặc, rồi dời đến đóng quân ở sách Lư Sơn1400, ít lâu sau, dời sang Mường Thôi1401, rồi lại về đóng bản doanh ở Vu Sơn1402.


1398 Đà Sơn: tên sách, có lẽ cũng gần Lam Sơn.


1399 Mường Chánh (nguyên văn không có chữ "Mường"): huyện Lang Chánh sau này.


1400 Lư Sơn hay Lô Sơn: theo Thanh Hóa tỉnh chí thì Lư Sơn ở vùng giáp giới hai xã Trịnh Điện và Hựu Thủy thuộc châu Quan Hóa. Theo Đồng Khánh dư địa chí thì hai xã Trịnh Điện và Hựu Thủy thuộc tổng Hựu Thủy và động Lư Sơn là một danh thắng của châu Quan Hóa.


1401 Mường Thôi (nguyên văn không có chữ "Mường "): có lẽ là Man Xôi, ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, giáp Lào.


1402 Vu Sơn: có lẽ là Lư Sơn.


Mùa thu, tháng 7, viên thổ quan Tri phủ Nghệ An là Phan Liêu vì bị bọn nội quan nhà Minh [4b] bức bách lấy vàng bạc, bèn dẫn quân bắt giết các quan do nhà Minh phái đến, rồi đem quân vây thành Nghệ An, sắp hạ được thành thì Lý Bân chợt đem quân đến. Liêu trốn sang Ai Lao. Bân đuổi tới châu Ngọc Ma1403 không kịp, lại quay về Nghệ An1404, sửa sang thành trì, vỗ yên dân chúng.


1403 Châu Ngọc Ma: thời thuộc Minh là phủ Ngọc Ma, thời Lê thuộc Nghệ An, thời Nguyễn đổi làm phủ Trấn Định, gồm các huyện Cam Môn, Cam Cát, Cam Linh.


1404 Thành Nghệ An: tại núi Thành, xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ngày nay.


Khi Bân đi đánh Liêu, có sai viên chỉ huy Lộ Văn Luật làm tiên phong1405. Văn Luật đã đi, lại bị giữ lại bàn tính mưu kế, trong lòng hoài nghi, lo sợ, nên bỏ trốn đi. Bân bắt mẹ già, gia thuộc và anh em của Luật như Đồng tri châu châu Tam Đái là Văn Phỉ. Đồng tri châu phủ Trấn Man Phan Kiệt là anh họ của Liêu, nghe tin Liêu trốn đi, cũng đem cả nhà đi theo, nhưng chưa ra khõi cõi đã bị thắt cổ chết cùng với vợ.


1405 Lộ văn Luật: người huyện Thạch Thất, Hà Tây. Luật đầu hàng giặc, được giặc cho làm chỉ huy quân ở Nghệ An.


Mùa đông, tháng 11, Trịnh Công Chứng và Lê Hanh ở Hạ Hồng1406 Phạm Thiện ở Tân Minh1407, Nguyễn Đặc ở Khoái Châu, Nguyễn Đa Cấu và Trần Nhuế ở Hoàng Giang thấy thành Đông Quan chỉ còn những quân lính ốm yếu, liền dấy [5a] quân tiến đánh. Quân đến Lô Giang, đánh phá được cầu phao, nhưng ít lâu sau, bị Lý Bân đánh bại, tan tác chạy dài.


Bấy giờ, chỗ nào cũng rối loạn, chỉ còn các xứ Tam Giang, Tuyên Quang, Hưng Hóa là yên tĩnh như cũ1408.


1406 Vùng phía nam tỉnh Hải Hưng ngày nay.


1407 Huyện Tân Minh sau đổi là Tiên Minh, nay là huyện Tiên Lăng, Hải Phòng.


1408 Thực ra các xứ đó vẫn còn những cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ.


Canh Tý, (1420), (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 18). Mùa xuân, tháng 2, Lý Bân từ Nghệ An trở về Đông Quan.


Mùa, hạ, tháng 4, Lộ Văn Luật dấy binh ở Thạch Thất, Lý Bân đánh phá được.


Lộ Văn Luật chạy sang Ai Lao, dân chúng thì trốn vào hang núi Phật Tích và An Sầm1409. Quân Minh dỡ nhà hun động, người trong động bị khói lửa hun đều chết, người nào ra hàng cũng bị giết cả, vợ con bị bắt làm nô tỳ.


1409 Phật Tích và An Sầm: là hai hang núi thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Núi Phật Tích: còn gọi là núi Sài Sơn hay núi Thầy.


Mùa hạ, tháng 6, nhà Minh sai Vinh Xương bá Trần Trí sang trấn giữ phủ Phụng Hóa.


Trần Thái Xung ở Đạo Hồi, Phạm Ngọc ở Đồ Sơn đều tụ quân nổi dậy, Bân đánh bại cả.


Nhà Minh lấy Hùng Tông Lỗ làm Giao Chỉ hữu tham nghị.


Tông Lỗ (người Tứ Xuyên) [5b] trước làm Tri phủ Tam Giang, bị Hoàng Phúc nhận xét là: "Hỏi đến vốn học thì chẳng biết gì, xét đến việc làm thì không có gì đáng kể, cả phủ chỉ một mình là nhất, nhưng suốt ba năm công việc chỉ nhờ người", sai đưa về Yên Kinh. Lại bộ dẫn lời nhận xét ấy, tâu xin giáng làm thương quan1410.


1410 Thương quan: là chức quan trông coi kho tàng.


Vua Minh hỏi lý do, Lại bộ trả lời là trước đã từng Giang Tây tham nghị, Vua Minh nói: "Trưởng quan khó làm thì hãy cho trở về chức phó nhị". Vì thế mới đổi làm tham nghị.


Khi tới nơi nhận chức, Tông Lỗ nói: "Trước đây đạn nhân xét tôi vào bậc dưới, nay tôi cũng được cùng ngồi một công đường với ngài". Đến năm Ất Tỵ, đời Hồng Hy (niên hiệu của Minh Nhân Tông), Tông Lỗ lại bị xét là hèn kém, mất chức, làm dân.


Người làng Tràng Kênh, huyện Thủy Đường1411 là Lê Ngã đổi họ tên thành Dương Cung, tự xưng là Thiên Thượng Hoàng Đế, đăt niên hiệu là Vĩnh Thiên.


1411 Huyện Thủy Đường: nay là huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.


Ngã vốn là gia nô của Trần Thiên Lại, tướng mạo rất đẹp, đã từng đi khắp bốn phương, đến đâu cũng được mọi người cung dưỡng. Ngã lại trá [6a] xưng là lính hầu của Mã Kỳ, đi dọa nạt các châu huyện làm kế nuôi thân. Thấy Công Chứng, Phạm Ngọc, Phạm Thiện đua nhau nổi dậy, Ngã bảo những người quan biết:


"Các anh có muốn giàu sang không? Ai muốn thì hãy theo ta!".


Đến huyện Đan Ba1412, Lạng Sơn, Ngã trá xưng là cháu bốn đời của Trần Duệ Tông, từ nước Lão Qua trở về. Phụ đạo Đan Bá là Bế Thuấn đem con gái gả cho và lập làm vua. Trong khoảng mấy tuần một tháng, đã có vài vạn quân, hắn ra An Bang1413 chiếm trại Hồng Doanh. Sau khi Công Chứng, Phạm Ngọc bị thất bại, thì dư đảng của họ theo về với Ngã, số quân được đến mấy vạn người. Ngã tiếm xưng tôn hiệu, dựng niên hiệu, đặt quan chức, đúc tiền, đốt thành Xương Giang1414, cướp trại Bình Than. Có người biết hắn là Ngã cũng không dám nói. Thiên Lại đi gặp hắn, trở ra nói rằng:


"Nó là gia nô của ta, việc gì phải lạy nó".


1412 Huyện Đan Ba: nay là huyện Đinh Lập, tỉnh Lạng Sơn.


1413 An Bang: là đất tỉnh Quảng Ninh ngày nay.


1414 Thành Xương Giang: ở đất xã Thọ Vương, nay thuộc thị xã Bắc Giang, tỉnh Hà Bắc.


Rồi dời thuyền trốn đi. Ngã đuổi theo nhưng không kịp. Thiên Lại gởi hịch cho các huyện gần đó, tự xưng là Hưng Vận quốc [6b] thượng hầu, đem quân đánh nhau với Ngã, bị Ngã giết chết, Lý Bân đem đại quân thủy bộ dến đánh. Ngã và Thuấn đang đêm bỏ trốn cả, không biết là đi đâu.


Tả tham chính Hầu Bảo giữ đồn Hoàng Giang1415, bị Nguyễn Thuật, người Kiến Xương1416 đánh giết.


1415 Đồn này ở ngã ba Tuần Vường tỉnh Nam Hà ngày nay.


1416 Kiến Xương: là vùng đất các huyện Vũ Thư, Kiến Xương tỉnh Thái Bình ngày nay.


Mùa đông, tháng 10, vua nghe tin quân Minh sắp đến, đặt mai phục ở bến Bổng1417 chờ giặc, chém giết quân giặc nhiều vô kể, bắt được hơn trăm con ngựa. Vua cho nghỉ quân ở Mường Nanh1418, rồi lại dời đến đóng quân ở Mường Thôi.


1417 Bến Bổng: có lẽ nằm trên thượng lưu sông Chu.


1418 Mường Nanh: nay còn địa danh Mường Nang, tức là xã Thịnh Nang, huyện Lang Chánh. Mường Nanh có lẽ là đất ấy.


Tên Đồng tri châu Quỳ Châu là Cầm Lạn dẫn bọn Lý Bân, Phương Chính đem hơn 10 vạn quân, theo đường Quỳ Châu đến thẳng Mường Thôi. Vua phục kích chúng ở Thi Lang1419. Bân và Chính chỉ chạy thoát được thân mình.


1419 Thi Lang: hay Bồ Thi Lang, là một địa điểm gần căn cứ của nghĩa quân lúc ấy.


Tháng 12, vua tiến quân đóng ở sách Ba Lẫm1420 thuộc huyện Lỗi Giang, khiêu khích cho giặc ra đánh. Tướng giặc là bọn Đô ty Tạ Phương, Hoành Thành bỏ đồn Nga Lạc, về giữ trại Quan Du1421 để phòng [7a] bị cho thành Tây Đô, cố giữ không ra đánh. Vua ngày đêm dùng nhiều cách tiến công uy hiếp để giặc mỏi mệt, rối loạn. Lại sai Lê Sát, Lê Hào chia nhau tiến đánh, cả phá bọn giặc, chém được hơn nghìn thủ cấp, thu được rất nhiều chiến cụ, từ đó thế giặc ngày một suy. Vua bèn chiêu tập nhân dân các xứ. Các huyện bên cạnh đều sôi nổi hưởng ứng, cùnh nhau tiến đánh và uy hiếp các đồn giặc.


1420 Ba Lẫm: tên sách, có lẽ là vùng Chiềng Lâm ở xã Điền Lư, thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.


1421 Quan Du: sau đổi là châu Quan Hóa, nay là huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.


Tam ty nhà Minhkhiến nghị rằng: Bọn quan lại, quân dân Giao Chỉ mắc tội từ tử hình trở xuống, xin đều cho chúng nộp thóc tùy theo mức độ để chuộc tội, lấy số thóc đó làm lương thực dự trữ nơi biên giới. Vua Minh nghe theo.


Năm ấy, Hoàng Phúc xin miễn việc bắt quan lại về chầu hầu, vì địa phương này chưa yên.


Tân Sửu, (1421), (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, nhà Minh xây dựng xong điện Phụng Thiên ở Yên Kinh. Vua Minh ngự chính điện để các quan vào chầu, xuống chiếu cho các quan phủ, huyện, châu vào mừng.


Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 8, [7b] điện bị cháy, mới thôi.


Bắt đầu lấy những người thiến hoạn sung vào nội phủ.


Tháng 6, lộ Tam Giang lụt to. Có người bảo là (thủy thần) lấy gỗ chò đề dùng nên có tai họa đó.


Mùa thu, tháng 9, nước sông Đáy1422, dâng tràn.


1422 Sông Đáy: tức sông Tiểu Đáy ở tỉnh Tuyên Quang, nay thuộc tỉnh Hà Tuyên.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom