• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full HAI THẾ KỶ- -phần tiếp theo Những ngày cuối tháng 4 (1 Viewer)

HAI THẾ KỶ, HÀNH TRÌNH VƯỢT BIÊN CỦA KÝ ỨC.
(Bài của V.Kh. cách đây 2 tháng)

Khi cầm trên tay toàn bộ bản thảo Hai thế kỷ mới chắc chắn những gì Vô Danh muốn thực hiện cho một tiểu thuyết mà anh gọi là "để giải trí và giết thời gian". Tiểu thuyết này, bên ngoài là nội dung nhưng, bên trong là phi nội dung; bên trên là mạch truyện đầy lý tính nhưng, bên dưới là vô thức cắt rời mạch truyện ra từng mảnh vụn mơ hồ; bên kia là thực tại, bên này là không gian huyễn ảo; bên cái tôi là thực, cái nó là siêu thực. Một quyển tiểu thuyết phi tiểu thuyết.

Như lời nói đầu của tác giả, sẽ đi từ từ, thay đổi chầm chậm để độc giả thích nghi, nhưng mạch thay đổi kia là gì?

Là mạch tư tưởng của thời đại. Khởi đi từ thời đại Ánh Sáng, từ Descartes đến Kant, ở giữa là cái đỉnh Voltaire, đề cao lý trí, xem lý trí là nguồn gốc của mọi hành động ý chí; sau, dưới ảnh hưởng của Rousseau, người ta bắt đầu đề cao sự rung động của cảm xúc, giai đoạn lãng mạng bắt đầu và người ta ngờ nghệch lý trí; tiếp, thời cận đại, dưới ảnh hưởng của phân tâm học, Freud và Jung, người ta đề cao vô thức; tiếp đến, xa hơn vô thức ở mỗi cá nhân, ngành xã hội học mở ra ý niệm về vô thức tập thể hay vô thức đám đông; và lúc này, bỏ qua vô thức, người ta nhìn về ký ức, khái niệm ký ức bắt đầu lan ra thành ký ức tập thể, ký ức đám đông, dưới cái nhìn của giới nghiên cứu, không chừng chính ký ức mới làm nên bản sắc và văn hoá cho mỗi dân tộc, nói cách khác nó là cái "hồn" của dân tộc.

Hai thế kỷ là tác phẩm đi theo mạch phát triển như vậy, khởi đầu là tiểu thuyết trinh thám với lý trí được đề cao bằng óc phán đoán của nhân vật Vô Danh; khi bắt đầu trở về tổ chức của mình, những rung động cảm xúc mãnh liệt khiến lý trí dần bị tách rời ra, cảm xúc dâng trào lên thành thứ ngôn ngữ văn chương giàu âm điệu, một thứ nhạc tính kỳ lạ mà người đọc nghe có vẻ dường như rất quen thuộc mà xa lạ; ở đó, không gian vô thức trỗi lên bên trong nhân vật Vô Danh, anh chiến đấu với thế giới vô thức, tiềm thức của chính mình để vạch ra một thế giới khác: Ký ức.

Chưa một tác phẩm nào được kể bằng thủ pháp ký ức chồng lấp ký ức như Hai thế kỷ. Chính ký ức chứ không phải lời kể đẩy độc giả về không gian cách đây hai thế kỷ, chính ký ức làm nên sự hồi hộp mà không phải vụ án, càng về sau chính ký ức quyết định sự phán đoán chứ không phải tình tiết vụ án, và cũng chính ký ức, nó đưa người đọc vào thế giới siêu tưởng, thế giới mà bất kỳ ai cũng chấp nhận những nghịch lý kỳ lạ của nội dung, lúc kể bằng ngôi thứ nhất, lúc ngôi thứ hai và cả ngôi thứ ba. Bằng ngòi bút của mình, Vô Danh vẽ ra ký ức và mời độc giả tham gia vào không gian đó, nó là những mảnh ký ức rời rạc, có lúc là của Vô Danh có lúc là của người khác, không một mảnh ký ức nào liền lạc, nó xuất hiện chỉ bằng gợi ý và gợi ý. Từ đó mỗi độc giả tự ghép mảnh ký ức lại để tìm cho mình một câu chuyện khác về Trương Vĩnh Ký, Yersin, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh v.v. Và cả, Vô Danh, Vô Ưu, Vô Khuyết, Vô Thường, Phi v.v. Ký ức biến Hai thế kỷ thành quyển tiểu thuyết đa tiểu thuyết, bởi nó mang nhiều câu chuyện kể cùng một lúc, đan xen lẫn nhau một cách phi tuyến tính.

Giá trị Hai thế kỷ không nằm ở kỹ thuật cách tân ngòi bút mà còn nằm ở cảm xúc mà nó mang lại, như yêu cầu của chính Vô Danh đặt ra: Tính giải trí. Vô Danh xem tính giải trí ở tác phẩm này cao hơn tính nghệ thuật mà anh đòi hỏi, nên tác phẩm này đạt được nhiều cảm tình của độc giả hơn những quyển sách thuần về tư tưởng và nghệ thuật của anh. Nhưng chắc chắn đôc giả của anh phải thừa nhận, tính giải trí mà anh đưa ra là tính giải trí giàu nghệ thuật nhất.

Đơn cử là đoạn văn miêu tả cái chết của vú Afrodille bằng ngòi bút vô cảm nhưng mang lại cảm xúc mạnh cho người đọc, dưới phương diện ngôn ngữ, nó thật đẹp và thi tính.

"Mùa trăng lúc này đủ tròn và sáng soi rọi cả phủ Lạng Sơn, tiếng súng nổ ra, đùng. Chỉ một tiếng đủ nhanh cho vận tốc âm thanh truyền đến tai người, 343,2 m/s, nhưng đủ chậm để làm ngưng đọng mọi cảm xúc. Tôi nhìn thấy rõ từng mạch máu vỡ toác trên ngực trễ của vú Afrodille, những tiếng la to thảm thiết của Vô Khuyết, Vô Thường, Vô Ưu và Phi như ngưng đọng lại thành âm tiết nặng nề. Tôi nhìn thấy áp suất mạch máu tăng cao, các mao mạch vỡ li ti bên dưới da vì không chịu nổi áp suất dòng chảy, nó làm cho đôi mắt vú thẫn thờ rồi bà mỉm cười nhẹ trên môi trước khi ngã xuống đất nhìn thấy ánh trăng vằng vặc trên bầu trời đêm. Hàng loạt ký ức trỗi lên trong đầu Vô Thường, nó nhanh hơn nước mắt và tiếng thét của anh, anh không chạy nhanh hơn ký ức lúc này, anh không chạy nhanh hơn cái chiều đông ủ rũ Paris mà vú già thay nước ấm lau vầng tráng đang hừng hực cơn cảm mạo, không nhanh hơn cảnh vú già vuốt mái tóc dầy của anh và anh đang cúi đầu lên đùi vú, và không nhanh hơn câu nói quen thuộc của vú mỗi lần gặp anh "Lạy Chúa lòng lành ngài đã mang đứa trẻ quý báu này cho tôi." Thật chậm và chậm, mỗi người một cảm xúc, mỗi người vạn ký ức về vú già Afrodille. Nhưng đủ nhanh để vòng tay Vô Thường hơn mọi người khác, đỡ lấy chiếc cổ như muốn lìa khỏi thân xác, và lúc này, tiếng thét của anh lớn hơn bất kỳ ai khác. Tim vú già đã ngừng đập trước khi nhìn thấy tôi mắt u sầu của Vô Thường. Đầu anh gục xuống ngực vú, nơi viên đạn gim vào và máu túa ra. Mái tóc và vần tráng anh đầy máu của vú, mọi thứ lẫn vào nước mắt. Mùa trăng lúc này đủ tròn và sáng, soi rọi cả phủ Lạng Sơn."

Khi đọc lại nó lúc này thú thật tôi không khỏi rùng mình và biết rằng nước mắt mình đã chảy tự lúc nào. Vô Danh là thiên tài trong việc mô tả mọi thứ bằng ngòi bút lạnh lùng của lý trí nhưng khiến những phần cảm xúc nhất trong mỗi con người trỗi lên. Chúng ta xúc động với đoạn văn đó không phải vì nó từng gắn liền với chúng ta, nó là một phần ký ức của chúng ta, mà vì lời kể của Vô Danh. [...]

[hết trích]
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom