Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 1 - Chương 10
Chương Mười
Chị lớn của tôi, lấy chồng vào tuổi 20
Kể từ khi người anh cả của tôi là Phạm Duy Khiêm - người Việt Nam đầu tiên đậu thạc sĩ - trở về nước để trở thành một giáo sư dạy tiếng Pháp cho học trò Pháp ở Lycée Albert Sarraut thì mẹ tôi, chị Chinh, anh Nhượng và tôi đã có một mức sống cao hơn trước. Chị lớn của tôi đã lấy chồng và ra ở riêng. Ngày cưới chị, tôi hãnh diện vì đám cưới của chị mình tối tân hơn những đám cưới khác. Đón dâu trong đám cưới thời đó thường là bằng những chiếc xe kéo. Sang trọng hơn nữa thì rước dâu bằng năm bẩy chiếc xe song mã. Tham tá Đinh Mạnh Triết tới đón chị tôi về làm vợ bằng mười hai chiếc xe ô tô, có cả xe Hoa Kỳ mui trần! Oai không?
Tục lệ trong đám cưới vẫn còn được giữ, cô dâu phải cầm quạt che mặt bước qua cái hỏa lò than nóng rực để lửa đốt hết tà ma đã đi theo cô từ dọc đường và chú rể phải lễ mẹ vợ đàng hoàng. Không giống như đám cưới của nhà báo Như Phong, vì không chịu lạy bố mẹ vợ nên phải hủy bỏ đám cưới, nhà trai bẽ bàng kéo nhau ra về. Lại là một cuộc cải cách phong hóa có đụng chạm. Kể ra việc quỳ lạy bố mẹ vợ có thể làm cho con người văn minh bị mất nhân vị quá. Nhưng nếu bỏ tục lệ cũ thì phải có nghi thức mới chứ? Đã từ lâu, tôi thấy đám cưới của người Việt không còn chú trọng nhiều tới lễ nghi nữa, đám cưới mà cứ như là buổi đại nhạc hội hay là đêm dạ vũ vậy.
Căn nhà lụp sụp ở phố Hàng Dầu bán cho một người trong họ, sau này, tiếc quá, sẽ bị phá đi để ở đó xây lên một ngôi nhà mới. Mẹ con chúng tôi theo anh Khiêm tới ở căn nhà hai tầng lầu ở phố Lò Đúc rồi ít lâu sau lại dọn lên phố Blocklauss Nord, cách khu Ngũ Xã khoảng 200 thước. Người làm trong nhà, ngoài vú già và một chị sen đã có thêm một anh bếp biết nấu cơm Tây cho anh Khiêm ăn. Lại còn có thêm một anh phu xe lực lưỡng để hàng ngày kéo xe đưa anh Khiêm đi dạy học.
Chiếc xe kéo ở Hà Nội cũng đang trên đà tiến bộ. Hai bánh xe bằng gỗ của chiếc xe kéo mà mẹ con tôi thuê để đi lễ ngày nào bây giờ đã được thay bằng bánh cao su. Do đó chiếc xe tay được đổi tên là xe cao su. Xe do hãng OMIC làm ra nên xe có thêm một cái tên nữa là xe “ô mích”. Anh Nhượng đã có xe đạp để đi học. Tôi không có xe nên thường lấy trộm xe để đi chơi và thường được ăn những cái đá đít của người anh yêu quý.
Khi ở phố Lò Đúc, bạn hàng xóm của tôi là Đĩnh và Kiện, những người con của nhà khảo cổ Trần Văn Giáp và Đoàn Bính cháu họ của Đoàn Thêm. Đĩnh và Kiện có cô em gái rất tinh nghịch. Chúng tôi hay chơi đi trốn và tôi đã khởi sự bê bối với cái trò ôm hôn rất bừa bãi của tôi rồi. Đoàn Bính, Đĩnh, Kiện và cô em là những khán giả có “may mắn” được coi tài đóng đinh lỗ mũi và tài làm trò quỷ thuật tôi học được từ ông Hai Tây và anh làm xiếc rong hồi trước.
Phố Lò Đúc sạch sẽ khang trang hơn phố Hàng Dầu. Vắng vẻ hơn vì không phải là khu buôn bán. Kỉ niệm đáng nhớ là một hôm mưa bão dữ dội, tôi và anh Nhượng ngồi trong xe kéo, đi từ phố Lò Đúc xuống tận rạp Philharmonique ở Bờ Hồ để coi phim hoạt họa Blanche Neige Et Les Sept Nains. Thế mới thấy cinéma có khả năng quyến rũ ghê gớm. Coi phim cũng thích nhưng không quyến rũ bằng nghe bài nhạc với câu hát hứa hẹn: Un jour mon prince viendra... (Một ngày kia hoàng tử sẽ tới với em). Thì ra cái nọc nhạc sĩ đã nằm trong tôi từ đó.
Dọn lên phố Blocklauss Nord (Châu Long), tôi được sống trong căn nhà hai tầng, có cổng sắt, có vườn hoa nhưng buồn ơi là buồn! Con đường thì vắng bóng người qua lại. Căn nhà thì kín cổng cao tường. Tôi không có bạn bè hàng xóm nào giống như những ngày ở phố Hàng Dầu, phố Lò Đúc. Phải đi bắt bạn ở Ngũ Xã.
Tôi vẫn được ngủ chung với mẹ ở dưới nhà trong khi các anh chị chiếm ba phòng trên gác. Tôi thấy được nỗi buồn của mẹ khi suốt ngày ngồi phá trận một mình vì không phải lo ngược xuôi buôn bán, không có bạn bè tới đánh bài, không có những buổi đi lễ thường xuyên như trước nữa. Có người con cả làm chủ gia đình rồi, mẹ tôi không còn đóng vai chủ động và đang chuẩn bị trở thành một chiếc bóng không mầu rồi. Có lẽ vì vậy mà mẹ tôi lúc đó vẫn ôm ấp tôi như một đứa bé con dù tôi đã 14, 15 tuổi. Tôi hay được ngồi dưới đất để nhổ tóc sâu cho mẹ. Chao ôi, mùi tóc mẹ bốc lên sao mà ngọt ngào đến thế. Hoặc ngồi đọc tiểu thuyết cho mẹ nghe và nhìn mẹ lim dim ngủ.
Đây cũng là lúc người anh khó tính hay đánh đập tôi. Bà mẹ nào mà chẳng yêu con út hơn. Tôi bắt gặp những ánh mắt buồn của mẹ những khi mẹ chứng kiến cảnh tôi bị ăn đòn. Các con tôi - làm sao tránh đươc - khi chúng nó đánh nhau, không bao giờ chúng nó hiểu được vì sao tôi lại buồn hơn những người cha khác trong cùng hoàn cảnh. Bạn nhạc yêu mến của tôi bây giờ hiểu được tại sao đoạn SÔNG MẸ trong Trường Ca MẸ VIỆT NAM lại cảm động hơn những đoạn khác...
Căn nhà ở phố Châu Long này có một garage bỏ trống. Tại đây, tôi đã lắp được cái máy radio chạy bằng galène. Không dám khoe khoang, khi còn bé, tôi thích đọc sách báo Pháp, đặc biệt những sách báo về kĩ thuật và khoa học như SCIENCES et VIE hay là SYSTÈME D (D = débrouillard). Tôi cũng là thằng bé rất khéo tay. Lúc đó, anh Khiêm mang về nhiều hộp Meccano của Pháp trong đó có những thanh sắt rời dùng để lắp (bằng con ốc) thành những phi cơ, xe tăng, cây cầu v.v... Khó đến đâu, tôi cũng đều lắp đúng như tranh kiểu mẫu. Rồi sau này tôi còn được học hơn một năm ở Trường Kĩ Nghệ Thực Hành nữa. Bây giờ, dù đã luống tuổi, tôi vẫn còn mê say học hỏi về ngành computer là vì ngay từ khi hãy còn thơ, tôi đã thích khoa học và kĩ thuật rồi.
Đường nhà tôi ở cũng chỉ cách khu Ngũ Xã khoảng 200 thước. Đây là nơi chuyên môn đúc đồ đồng nằm trên một eo đất rộng nhô ra hồ Trúc Bạch. Hà Nội là thành phố có khá nhiều hồ. Bên kia hồ Trúc Bạch là hồ Tây. Ngăn đôi hai hồ này là đường Cổ Ngư, con đường của những tình nhân ở Hà Nội. Hồ Tây rất rộng, gặp ngày gió lớn thì có sóng to. Anh Khiêm chơi thuyền buồm ở đây có lần bị lật thuyền suýt chết. Hồ Trúc Bạch và hồ Tây không làm tôi quên được hồ Gươm. Kể cả hai hồ Thiền Cuông và hồ Bẩy Mẫu ở phía Nam thành phố mà tôi cũng không xa lạ gì.
Vốn đã thích những điều nhà trường chưa dạy, sau khi học lóm về máy radio, nay vào chơi khu Ngũ Xã, tôi hấp thụ thêm bài học về nghề đúc kim khí. Dùng đất trộn với tro để làm khuôn ra sao? Đun đồng nóng tới độ nào? Đổ xong đồng vào khuôn thì bao giờ đập khuôn ra? Nhìn thấy ánh mắt rạng rỡ của anh thợ đúc khi đập khuôn để thấy tác phẩm của mình. Làm quen với anh thiếu niên cùng tuổi, tên là Thụ, mặt mũi đen sì giống như những bức tượng mà anh phụ giúp gia đình để đúc nên.
Ra Ngũ Xã cũng là để đứng trước căn nhà mầu đỏ, bâng khuâng nhớ tới Emilienne Ducret. Nhưng bây giờ không có em bé lai Pháp để yêu mến thì tôi làm quen với người khác vậy. Tôi bắt bạn với hai chị em mồ côi cha mẹ, rất nghèo, sống trong một túp lều ở bên bờ hồ Trúc Bạch, hằng ngày cong lưng mò tôm bắt cá trong cái hồ đầy bùn này để đem ra chợ bán. Tôi thường đem cơm nguội ở nhà tới cái lều nhỏ cho hai chị em ăn. Tôi không hiểu rõ lúc đó tôi yêu cô gái mò tôm này hay tôi chỉ thương xót hai chị em nghèo khổ mà thôi! Đó là một thứ tình cảm lẫn lộn mà về sau tôi luôn luôn vướng phải trước nhiều cuộc tình. Tình yêu hay chỉ là tình thương?
Tôi cứ mải mê với trò chơi kĩ thuật khoa học và với chuyện tình lãng mạn như vậy cho nên rất xao lãng việc học. Dù có ông anh là giáo sư nhưng tôi không được ông trực tiếp dạy dỗ một lần nào cả! Vả lại từ khi lên 6 tuổi cho tới bấy giờ, tôi là một đứa bé không thích bị lùa vào kỉ luật. Nếu ông ấy có dạy tôi học và khép tôi vào kỉ luật, tôi cũng vùng ra khỏi kỉ luật mà thôi!
Sau khi đậu xong bằng Tiểu Học ở Trường Nguyễn Du, tôi chuẩn bị bước vào Trung Học. Nhưng tôi thi trượt vào trường Bưởi, hỏng thi cũng vì không làm đúng bài luận văn bằng tiếng Pháp. Trong kì thi này, thí sinh phải viết bài về đề tài con đường sắt xuyên Việt vừa mới được hoàn thành, Tàu hỏa đã bắt đầu đi được từ Bắc vào Nam và phải nói tới sự ích lợi của những chuyến Tàu trans-indochinois đó. Đề tài này không có gì là khó, nhưng lúc đó tôi rất lười học. Thành thử viết một bài dự thi rất lạc đề. Ngay sau đó, tôi cố gắng - một cách khổ sở - học tiếng Pháp hơn trước và phải mất mấy chục năm sau tôi mới trả được mối hận xuyên Đông Dưong bằng bản trường ca Con Đường Cái Quan.
Thời đó, những ai thi trượt vào trường Bưởi thì được gia đình cho đi học tại trường Trung Học Thăng Long. Hằng ngày tôi đi học bằng xe điện và có cái thú nhẩy xe điện của lớp trẻ Hà Nội thời đó. Luôn luôn nhẩy xuống đường trước khi xe điện ngừng.
Luôn luôn chờ xe điện chuyển bánh rồi mới nhẩy lên xe. Mỗi ngày, chiếc xe điện già nua lọc cọc đưa tôi từ Quan Thánh xuống Hàng Cót (Rue Takou) - con phố có nhà hộ sinh nơi tôi sinh ra - rồi tôi đi bộ qua đường Hàng Da, Hàng Giầy để tới nhà trường nằm tại Ngõ Trạm (Henri D”Orléans). Trước mặt trường là cầu xe lửa với những chuyến Tàu đông đặc hành khách. Dưới gầm cầu là nơi trú ngụ của những kẻ không nhà.
Vào thời điểm 1935-36 này, trường Thăng Long là cái ổ của những nhà giáo muốn làm Cách Mạng. Thầy dạy của tôi là Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Tuyên, Phan Anh, Khuất Duy Tiến... Thầy Giáp dạy Sử Địa và gieo tinh thần yêu nước vào đầu học sinh. Thầy Tuyên dạy Pháp Văn và tôi đã được thầy phê: Petit élève intelligent et travailleur, pourrait réussir en francais (Học sinh nhỏ tuổi thông minh và cần mẫn, có thể thành công trong Pháp Văn). Đó cũng nhờ anh Khiêm, khi ở Pháp về thì trong nhà có một thư viện khá lớn. Tôi tha hồ đọc sách Pháp Văn, mỗi lần làm bài lại “thuổng” văn của các tác giả mà mình đã đọc. Đây cũng là lúc tôi ham đọc sách, đã khởi sự mê thích những kịch bản rất lẳng lơ của Marivaux như Les Jeux De l”Amour Et Du Hasard...
Bạn học cùng lớp và thân nhất của tôi ở trường Thăng Long là Nguyễn Hiến, hiền lành, chững chạc, cuối tuần tôi thường tới nhà nó ở đường Chanìeaulme, gần Chợ Hôm để nói chuyện trai gái rồi hai thằng đi bộ ra ngoại ô gần hồ Thiền Cuông để hưởng cái thú... (xin lỗi) ỉa đồng. Có khi cao hứng còn dắt nhau đi đồng gần hồ Bẩy Mẫu nữa cơ! Về sau Hiến nối nghề cha, khi di cư vào Nam làm họa viên cho Sở Lục Lộ. Mỗi lần sửa nhà, tôi lại nhờ Hiến vẽ kiểu.
Thằng bạn ngỗ nghịch nhất, trải đời nhất và to con nhất lớp là Nguyễn Văn Biểu, người gốc Quảng Yên. Chúng tôi phục thằng này sát đất mỗi khi nó đặt một miếng kẹo vừng trên mặt bàn học rồi lấy tay cầm cái bảo vật cứng cáp của nó để đập vỡ tan miếng kẹo! Do đó nó có thêm danh xưng là thằng “Cả Bật”. Chính thằng này đem tôi và thằng Hiến đi phá tân trong ngõ Hàng Mành. Khi có cuộc kháng chiến Nam Bộ, Biểu là người tiên phong đi vào Nam và chết trận ở trong đó.
Lớp học Trường Thăng Long, Quang Dũng ngối sau tôi.
Ngồi sau tôi hai hàng ghế là sinh viên Bùi Đình Diệm (tức Bùi Đình Dậu), thi sĩ Quang Dũng trong tương lai. Dậu cũng to con nhưng ngoan và hiền hơn Biểu. Vào đầu giờ học, khi sinh viên vào lớp mà thầy chưa tới thì cả lớp “làm loạn” với những mảnh giấy vo tròn dùng làm đạn để ném nhau thì Dậu tức Quang Dũng không bao giờ tham dự cuộc chơi.
Bước vào Trung học là coi như mình đã khởi sự ra khỏi thời thơ ấu rồi. Chúng tôi không nhìn đời bằng đôi mắt thần tiên nữa. Bây giờ trước mắt tôi là cuộc đời thực tế và phũ phàng. Thực tế là tôi đang sống trong một nước bị trị. Tình yêu nước vẫn bàng bạc trong tâm hồn. Trái tim vẫn rung động trước cảnh khốn khó của người dân. Nhưng phải có hoàn cảnh thời thế tới với tôi, nếu không tâm hồn và trái tim tôi sẽ chỉ thấp thỏm mà vẫn cứ ngủ yên.
Lúc này, tại Pháp có sự thay đổi trong bộ mặt chính trị. Một chính phủ mới mẻ được thành lập với thành phần đa số là người trong Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire). Nước Pháp đã có một chính sách dễ dãi nào đó đối với các thuộc địa. Tại Việt Nam các phong trào đấu tranh bị kìm hãm sau vụ khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng, vụ khởi loạn tại Nghệ An... bây giờ được cơ hội tốt để hoạt động trở lại. Và hoạt động công khai, qua báo chí, qua hình thức hội đoàn.
Nhóm Việt Nam Phục Quốc do Cường Để (cư ngụ tại Nhật) làm chủ tịch, có đảng viên là Vũ Đình Dy chủ trương tờ Effort Indochinois. Báo Le Cygne (Bạch Nga) của Nguyễn Vỹ có bài đả kích chính sách thuộc địa Pháp. Báo Le Travail tuyên truyền chủ nghĩa Cộng Sản có bài của Võ Nguyên Giáp, người đóng vai chính trong báo En Avant cùng với Đặng Xuân Khu. Ông này (về sau mang tên là Trường Chinh) vào làm tổng thư kí trong Hội Truyền Bá Quốc Ngữ. Hội này chống nạn mù chữ nhưng đồng thời là cơ quan bí mật của Đảng Cộng Sản Đông Dương.
Những hoạt động báo chí và hội đoàn này là yếu tố chuẩn bị cho toàn dân Việt Nam ra thoát ách thực dân, sau khi Pháp bị Nhật lật và Nhật bị thua trận trong Thế Chiến II, tất cả đẩy đưa tới ngày Cách Mạng Tháng Tám năm 1945.
Đây là thời Tự Lực Văn Đoàn đã phát triển và cung cấp cho độc giả những sách báo phổ biến rất nhiều tư tưởng mới đóng khung trong hai quan điểm là duy tân và cấp tiến. Người quản lí của tờ Phong Hóa là Phạm Hữu Ninh, người sáng lập ra trường Thăng Long và là anh họ của tôi. Thế là mỗi tuần vào ngày báo ra, tan học xong, trước khi về nhà, tôi tới gặp anh Ninh để xin báo và có cái thú là đọc báo trước tất cả mọi người. Những nhân vật điển hình mà tờ Phong Hóa tạo ra như Bang Bạnh, lị Toét, Xã Xệ... đã cho tôi thấy báo này muốn đả phá một thứ xã hội cũ được coi như hủ lậu, lạc hậu. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn còn ra ý niệm về tự do cá nhân, chống lại luân lí gia đình chuyên chế.
Và rõ ràng càng đọc tờ Phong Hóa mà hậu thân của nó là tờ Ngày Nay, cũng như đọc tiểu thuyết của nhà xuất bản ĐỜI NAY (cũng của nhóm TỰ LỰC) tôi càng nhìn ra quan niệm mới về xã hội nhân sinh và những mục tiêu chính trị của Nguyễn Tường Tam và các đồng chí. Kéo người dân nghèo ở thành phố ra khỏi chốn bùn lầy nước đọng, xóm hẹp phố buồn qua việc vận động xây những nhà được gọi là Nhà Ánh Sáng là một ưu điểm của báo Phong Hóa.
Rồi có luôn việc cải tiến lối ăn mặc của các bà các cô qua loại áo LEMUR do họa sĩ Cát Tường vẽ kiểu. So sánh với áo dài cổ điển của thời đó thì kiểu áo bồng vai, thắt eo được coi là tiến bộ. Chẳng cần phải đợi tới thời bà Ngô Đình Nhu, lúc này đã có kiểu áo dài hở cổ rồi. Bây giờ không có ai phản đối sự cải cách nữa, tất cả các bà, các cô đều chạy theo phong trào này. Ngay cả đôi bàn chân phụ nữ hồi đó cũng được chú ý với loại guốc có gót cao gọi là guốc phi mã. Thiếu nữ Hà Thành khởi sự uốn tóc quăn sau khi đã cạo răng.
Nhưng bắt đầu từ lúc tôi đi vào Trung Học cho tới khi trở thành một thanh niên mười bảy tuổi đời, không phải chỉ có Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Trọng Lang trong Tự Lực Văn Đoàn ảnh hưởng đến tâm hồn tôi. Những tác phẩm của các nhà văn độc lập như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tam Lang Vũ Đình Chí, Vũ Trọng Phụng cũng được tôi ngấu nghiến đọc. Là con một nhà văn xã hội, tôi nghiêng về những sách nói tới sự khốn khổ của con người như Tôi Kéo Xe, Kép Tư Bền, Hà Nội Lầm Than...
Tôi còn quá nhiều tưởng tượng đến đỗi hình dung những nhà cách mạng đương thời như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Ái Quốc mà tôi không hề biết mặt, qua nhân vật Hải Vân trong cuốn Giông Tố của Vũ Trọng Phụng. Chỉ có một điều làm tôi bất bình là tại sao trong làng văn lại có những câu thơ than vãn của Nguyễn Vỹ:
Nhà văn An Nam khổ như chó
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gậm trơ xương
Và nhìn chúng mình hì hục viết...
Và tại sao giấc mộng của nhà văn Vũ Trọng Phụng lại chỉ là được ăn một miếng bít tết?
Bất bình trước cảnh bất công xã hội, cũng như mọi người, tôi đổ tội cho thực dân Pháp đã gây nên cảnh đó. Nhưng khi bước vào đời nghệ sĩ và dù thực dân đã “cút” (sic) đi rồi, tôi thấy văn nghệ sĩ Việt Nam vẫn chưa ra thoát cảnh nghèo. Theo truyền thống Việt Nam, thường thường kẻ sĩ đều nghèo nhưng bao giờ cũng trong sạch. Do đó có nhiều người còn cho rằng nghệ sĩ phải nghèo mới sáng tác được! Tôi chỉ đồng ý về sự trong sạch rất cần thiết cho bất cứ ai sống trong xã hội, không cứ gì kẻ sĩ. Nhưng tôi nhất định không bao giờ chịu sống một đời hàn sĩ như bố mình hay sống với những lời than vãn của các vị đàn anh Nguyễn Vỹ và Vũ Trọng Phụng. Người nghệ sĩ phải có địa vị cao trong xã hội. Nếu không được sướng như tiên thì cũng không thể khổ như chó.
Ai đưa ta tới chốn này
Bên kia Tòa Án, bên này Sainte Marie...
Ca Dao của học sinh
Trường Kĩ Nghệ Thực Hành Hà Nội
Chị lớn của tôi, lấy chồng vào tuổi 20
Kể từ khi người anh cả của tôi là Phạm Duy Khiêm - người Việt Nam đầu tiên đậu thạc sĩ - trở về nước để trở thành một giáo sư dạy tiếng Pháp cho học trò Pháp ở Lycée Albert Sarraut thì mẹ tôi, chị Chinh, anh Nhượng và tôi đã có một mức sống cao hơn trước. Chị lớn của tôi đã lấy chồng và ra ở riêng. Ngày cưới chị, tôi hãnh diện vì đám cưới của chị mình tối tân hơn những đám cưới khác. Đón dâu trong đám cưới thời đó thường là bằng những chiếc xe kéo. Sang trọng hơn nữa thì rước dâu bằng năm bẩy chiếc xe song mã. Tham tá Đinh Mạnh Triết tới đón chị tôi về làm vợ bằng mười hai chiếc xe ô tô, có cả xe Hoa Kỳ mui trần! Oai không?
Tục lệ trong đám cưới vẫn còn được giữ, cô dâu phải cầm quạt che mặt bước qua cái hỏa lò than nóng rực để lửa đốt hết tà ma đã đi theo cô từ dọc đường và chú rể phải lễ mẹ vợ đàng hoàng. Không giống như đám cưới của nhà báo Như Phong, vì không chịu lạy bố mẹ vợ nên phải hủy bỏ đám cưới, nhà trai bẽ bàng kéo nhau ra về. Lại là một cuộc cải cách phong hóa có đụng chạm. Kể ra việc quỳ lạy bố mẹ vợ có thể làm cho con người văn minh bị mất nhân vị quá. Nhưng nếu bỏ tục lệ cũ thì phải có nghi thức mới chứ? Đã từ lâu, tôi thấy đám cưới của người Việt không còn chú trọng nhiều tới lễ nghi nữa, đám cưới mà cứ như là buổi đại nhạc hội hay là đêm dạ vũ vậy.
Căn nhà lụp sụp ở phố Hàng Dầu bán cho một người trong họ, sau này, tiếc quá, sẽ bị phá đi để ở đó xây lên một ngôi nhà mới. Mẹ con chúng tôi theo anh Khiêm tới ở căn nhà hai tầng lầu ở phố Lò Đúc rồi ít lâu sau lại dọn lên phố Blocklauss Nord, cách khu Ngũ Xã khoảng 200 thước. Người làm trong nhà, ngoài vú già và một chị sen đã có thêm một anh bếp biết nấu cơm Tây cho anh Khiêm ăn. Lại còn có thêm một anh phu xe lực lưỡng để hàng ngày kéo xe đưa anh Khiêm đi dạy học.
Chiếc xe kéo ở Hà Nội cũng đang trên đà tiến bộ. Hai bánh xe bằng gỗ của chiếc xe kéo mà mẹ con tôi thuê để đi lễ ngày nào bây giờ đã được thay bằng bánh cao su. Do đó chiếc xe tay được đổi tên là xe cao su. Xe do hãng OMIC làm ra nên xe có thêm một cái tên nữa là xe “ô mích”. Anh Nhượng đã có xe đạp để đi học. Tôi không có xe nên thường lấy trộm xe để đi chơi và thường được ăn những cái đá đít của người anh yêu quý.
Khi ở phố Lò Đúc, bạn hàng xóm của tôi là Đĩnh và Kiện, những người con của nhà khảo cổ Trần Văn Giáp và Đoàn Bính cháu họ của Đoàn Thêm. Đĩnh và Kiện có cô em gái rất tinh nghịch. Chúng tôi hay chơi đi trốn và tôi đã khởi sự bê bối với cái trò ôm hôn rất bừa bãi của tôi rồi. Đoàn Bính, Đĩnh, Kiện và cô em là những khán giả có “may mắn” được coi tài đóng đinh lỗ mũi và tài làm trò quỷ thuật tôi học được từ ông Hai Tây và anh làm xiếc rong hồi trước.
Phố Lò Đúc sạch sẽ khang trang hơn phố Hàng Dầu. Vắng vẻ hơn vì không phải là khu buôn bán. Kỉ niệm đáng nhớ là một hôm mưa bão dữ dội, tôi và anh Nhượng ngồi trong xe kéo, đi từ phố Lò Đúc xuống tận rạp Philharmonique ở Bờ Hồ để coi phim hoạt họa Blanche Neige Et Les Sept Nains. Thế mới thấy cinéma có khả năng quyến rũ ghê gớm. Coi phim cũng thích nhưng không quyến rũ bằng nghe bài nhạc với câu hát hứa hẹn: Un jour mon prince viendra... (Một ngày kia hoàng tử sẽ tới với em). Thì ra cái nọc nhạc sĩ đã nằm trong tôi từ đó.
Dọn lên phố Blocklauss Nord (Châu Long), tôi được sống trong căn nhà hai tầng, có cổng sắt, có vườn hoa nhưng buồn ơi là buồn! Con đường thì vắng bóng người qua lại. Căn nhà thì kín cổng cao tường. Tôi không có bạn bè hàng xóm nào giống như những ngày ở phố Hàng Dầu, phố Lò Đúc. Phải đi bắt bạn ở Ngũ Xã.
Tôi vẫn được ngủ chung với mẹ ở dưới nhà trong khi các anh chị chiếm ba phòng trên gác. Tôi thấy được nỗi buồn của mẹ khi suốt ngày ngồi phá trận một mình vì không phải lo ngược xuôi buôn bán, không có bạn bè tới đánh bài, không có những buổi đi lễ thường xuyên như trước nữa. Có người con cả làm chủ gia đình rồi, mẹ tôi không còn đóng vai chủ động và đang chuẩn bị trở thành một chiếc bóng không mầu rồi. Có lẽ vì vậy mà mẹ tôi lúc đó vẫn ôm ấp tôi như một đứa bé con dù tôi đã 14, 15 tuổi. Tôi hay được ngồi dưới đất để nhổ tóc sâu cho mẹ. Chao ôi, mùi tóc mẹ bốc lên sao mà ngọt ngào đến thế. Hoặc ngồi đọc tiểu thuyết cho mẹ nghe và nhìn mẹ lim dim ngủ.
Đây cũng là lúc người anh khó tính hay đánh đập tôi. Bà mẹ nào mà chẳng yêu con út hơn. Tôi bắt gặp những ánh mắt buồn của mẹ những khi mẹ chứng kiến cảnh tôi bị ăn đòn. Các con tôi - làm sao tránh đươc - khi chúng nó đánh nhau, không bao giờ chúng nó hiểu được vì sao tôi lại buồn hơn những người cha khác trong cùng hoàn cảnh. Bạn nhạc yêu mến của tôi bây giờ hiểu được tại sao đoạn SÔNG MẸ trong Trường Ca MẸ VIỆT NAM lại cảm động hơn những đoạn khác...
Căn nhà ở phố Châu Long này có một garage bỏ trống. Tại đây, tôi đã lắp được cái máy radio chạy bằng galène. Không dám khoe khoang, khi còn bé, tôi thích đọc sách báo Pháp, đặc biệt những sách báo về kĩ thuật và khoa học như SCIENCES et VIE hay là SYSTÈME D (D = débrouillard). Tôi cũng là thằng bé rất khéo tay. Lúc đó, anh Khiêm mang về nhiều hộp Meccano của Pháp trong đó có những thanh sắt rời dùng để lắp (bằng con ốc) thành những phi cơ, xe tăng, cây cầu v.v... Khó đến đâu, tôi cũng đều lắp đúng như tranh kiểu mẫu. Rồi sau này tôi còn được học hơn một năm ở Trường Kĩ Nghệ Thực Hành nữa. Bây giờ, dù đã luống tuổi, tôi vẫn còn mê say học hỏi về ngành computer là vì ngay từ khi hãy còn thơ, tôi đã thích khoa học và kĩ thuật rồi.
Đường nhà tôi ở cũng chỉ cách khu Ngũ Xã khoảng 200 thước. Đây là nơi chuyên môn đúc đồ đồng nằm trên một eo đất rộng nhô ra hồ Trúc Bạch. Hà Nội là thành phố có khá nhiều hồ. Bên kia hồ Trúc Bạch là hồ Tây. Ngăn đôi hai hồ này là đường Cổ Ngư, con đường của những tình nhân ở Hà Nội. Hồ Tây rất rộng, gặp ngày gió lớn thì có sóng to. Anh Khiêm chơi thuyền buồm ở đây có lần bị lật thuyền suýt chết. Hồ Trúc Bạch và hồ Tây không làm tôi quên được hồ Gươm. Kể cả hai hồ Thiền Cuông và hồ Bẩy Mẫu ở phía Nam thành phố mà tôi cũng không xa lạ gì.
Vốn đã thích những điều nhà trường chưa dạy, sau khi học lóm về máy radio, nay vào chơi khu Ngũ Xã, tôi hấp thụ thêm bài học về nghề đúc kim khí. Dùng đất trộn với tro để làm khuôn ra sao? Đun đồng nóng tới độ nào? Đổ xong đồng vào khuôn thì bao giờ đập khuôn ra? Nhìn thấy ánh mắt rạng rỡ của anh thợ đúc khi đập khuôn để thấy tác phẩm của mình. Làm quen với anh thiếu niên cùng tuổi, tên là Thụ, mặt mũi đen sì giống như những bức tượng mà anh phụ giúp gia đình để đúc nên.
Ra Ngũ Xã cũng là để đứng trước căn nhà mầu đỏ, bâng khuâng nhớ tới Emilienne Ducret. Nhưng bây giờ không có em bé lai Pháp để yêu mến thì tôi làm quen với người khác vậy. Tôi bắt bạn với hai chị em mồ côi cha mẹ, rất nghèo, sống trong một túp lều ở bên bờ hồ Trúc Bạch, hằng ngày cong lưng mò tôm bắt cá trong cái hồ đầy bùn này để đem ra chợ bán. Tôi thường đem cơm nguội ở nhà tới cái lều nhỏ cho hai chị em ăn. Tôi không hiểu rõ lúc đó tôi yêu cô gái mò tôm này hay tôi chỉ thương xót hai chị em nghèo khổ mà thôi! Đó là một thứ tình cảm lẫn lộn mà về sau tôi luôn luôn vướng phải trước nhiều cuộc tình. Tình yêu hay chỉ là tình thương?
Tôi cứ mải mê với trò chơi kĩ thuật khoa học và với chuyện tình lãng mạn như vậy cho nên rất xao lãng việc học. Dù có ông anh là giáo sư nhưng tôi không được ông trực tiếp dạy dỗ một lần nào cả! Vả lại từ khi lên 6 tuổi cho tới bấy giờ, tôi là một đứa bé không thích bị lùa vào kỉ luật. Nếu ông ấy có dạy tôi học và khép tôi vào kỉ luật, tôi cũng vùng ra khỏi kỉ luật mà thôi!
Sau khi đậu xong bằng Tiểu Học ở Trường Nguyễn Du, tôi chuẩn bị bước vào Trung Học. Nhưng tôi thi trượt vào trường Bưởi, hỏng thi cũng vì không làm đúng bài luận văn bằng tiếng Pháp. Trong kì thi này, thí sinh phải viết bài về đề tài con đường sắt xuyên Việt vừa mới được hoàn thành, Tàu hỏa đã bắt đầu đi được từ Bắc vào Nam và phải nói tới sự ích lợi của những chuyến Tàu trans-indochinois đó. Đề tài này không có gì là khó, nhưng lúc đó tôi rất lười học. Thành thử viết một bài dự thi rất lạc đề. Ngay sau đó, tôi cố gắng - một cách khổ sở - học tiếng Pháp hơn trước và phải mất mấy chục năm sau tôi mới trả được mối hận xuyên Đông Dưong bằng bản trường ca Con Đường Cái Quan.
Thời đó, những ai thi trượt vào trường Bưởi thì được gia đình cho đi học tại trường Trung Học Thăng Long. Hằng ngày tôi đi học bằng xe điện và có cái thú nhẩy xe điện của lớp trẻ Hà Nội thời đó. Luôn luôn nhẩy xuống đường trước khi xe điện ngừng.
Luôn luôn chờ xe điện chuyển bánh rồi mới nhẩy lên xe. Mỗi ngày, chiếc xe điện già nua lọc cọc đưa tôi từ Quan Thánh xuống Hàng Cót (Rue Takou) - con phố có nhà hộ sinh nơi tôi sinh ra - rồi tôi đi bộ qua đường Hàng Da, Hàng Giầy để tới nhà trường nằm tại Ngõ Trạm (Henri D”Orléans). Trước mặt trường là cầu xe lửa với những chuyến Tàu đông đặc hành khách. Dưới gầm cầu là nơi trú ngụ của những kẻ không nhà.
Vào thời điểm 1935-36 này, trường Thăng Long là cái ổ của những nhà giáo muốn làm Cách Mạng. Thầy dạy của tôi là Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Tuyên, Phan Anh, Khuất Duy Tiến... Thầy Giáp dạy Sử Địa và gieo tinh thần yêu nước vào đầu học sinh. Thầy Tuyên dạy Pháp Văn và tôi đã được thầy phê: Petit élève intelligent et travailleur, pourrait réussir en francais (Học sinh nhỏ tuổi thông minh và cần mẫn, có thể thành công trong Pháp Văn). Đó cũng nhờ anh Khiêm, khi ở Pháp về thì trong nhà có một thư viện khá lớn. Tôi tha hồ đọc sách Pháp Văn, mỗi lần làm bài lại “thuổng” văn của các tác giả mà mình đã đọc. Đây cũng là lúc tôi ham đọc sách, đã khởi sự mê thích những kịch bản rất lẳng lơ của Marivaux như Les Jeux De l”Amour Et Du Hasard...
Bạn học cùng lớp và thân nhất của tôi ở trường Thăng Long là Nguyễn Hiến, hiền lành, chững chạc, cuối tuần tôi thường tới nhà nó ở đường Chanìeaulme, gần Chợ Hôm để nói chuyện trai gái rồi hai thằng đi bộ ra ngoại ô gần hồ Thiền Cuông để hưởng cái thú... (xin lỗi) ỉa đồng. Có khi cao hứng còn dắt nhau đi đồng gần hồ Bẩy Mẫu nữa cơ! Về sau Hiến nối nghề cha, khi di cư vào Nam làm họa viên cho Sở Lục Lộ. Mỗi lần sửa nhà, tôi lại nhờ Hiến vẽ kiểu.
Thằng bạn ngỗ nghịch nhất, trải đời nhất và to con nhất lớp là Nguyễn Văn Biểu, người gốc Quảng Yên. Chúng tôi phục thằng này sát đất mỗi khi nó đặt một miếng kẹo vừng trên mặt bàn học rồi lấy tay cầm cái bảo vật cứng cáp của nó để đập vỡ tan miếng kẹo! Do đó nó có thêm danh xưng là thằng “Cả Bật”. Chính thằng này đem tôi và thằng Hiến đi phá tân trong ngõ Hàng Mành. Khi có cuộc kháng chiến Nam Bộ, Biểu là người tiên phong đi vào Nam và chết trận ở trong đó.
Lớp học Trường Thăng Long, Quang Dũng ngối sau tôi.
Ngồi sau tôi hai hàng ghế là sinh viên Bùi Đình Diệm (tức Bùi Đình Dậu), thi sĩ Quang Dũng trong tương lai. Dậu cũng to con nhưng ngoan và hiền hơn Biểu. Vào đầu giờ học, khi sinh viên vào lớp mà thầy chưa tới thì cả lớp “làm loạn” với những mảnh giấy vo tròn dùng làm đạn để ném nhau thì Dậu tức Quang Dũng không bao giờ tham dự cuộc chơi.
Bước vào Trung học là coi như mình đã khởi sự ra khỏi thời thơ ấu rồi. Chúng tôi không nhìn đời bằng đôi mắt thần tiên nữa. Bây giờ trước mắt tôi là cuộc đời thực tế và phũ phàng. Thực tế là tôi đang sống trong một nước bị trị. Tình yêu nước vẫn bàng bạc trong tâm hồn. Trái tim vẫn rung động trước cảnh khốn khó của người dân. Nhưng phải có hoàn cảnh thời thế tới với tôi, nếu không tâm hồn và trái tim tôi sẽ chỉ thấp thỏm mà vẫn cứ ngủ yên.
Lúc này, tại Pháp có sự thay đổi trong bộ mặt chính trị. Một chính phủ mới mẻ được thành lập với thành phần đa số là người trong Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire). Nước Pháp đã có một chính sách dễ dãi nào đó đối với các thuộc địa. Tại Việt Nam các phong trào đấu tranh bị kìm hãm sau vụ khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng, vụ khởi loạn tại Nghệ An... bây giờ được cơ hội tốt để hoạt động trở lại. Và hoạt động công khai, qua báo chí, qua hình thức hội đoàn.
Nhóm Việt Nam Phục Quốc do Cường Để (cư ngụ tại Nhật) làm chủ tịch, có đảng viên là Vũ Đình Dy chủ trương tờ Effort Indochinois. Báo Le Cygne (Bạch Nga) của Nguyễn Vỹ có bài đả kích chính sách thuộc địa Pháp. Báo Le Travail tuyên truyền chủ nghĩa Cộng Sản có bài của Võ Nguyên Giáp, người đóng vai chính trong báo En Avant cùng với Đặng Xuân Khu. Ông này (về sau mang tên là Trường Chinh) vào làm tổng thư kí trong Hội Truyền Bá Quốc Ngữ. Hội này chống nạn mù chữ nhưng đồng thời là cơ quan bí mật của Đảng Cộng Sản Đông Dương.
Những hoạt động báo chí và hội đoàn này là yếu tố chuẩn bị cho toàn dân Việt Nam ra thoát ách thực dân, sau khi Pháp bị Nhật lật và Nhật bị thua trận trong Thế Chiến II, tất cả đẩy đưa tới ngày Cách Mạng Tháng Tám năm 1945.
Đây là thời Tự Lực Văn Đoàn đã phát triển và cung cấp cho độc giả những sách báo phổ biến rất nhiều tư tưởng mới đóng khung trong hai quan điểm là duy tân và cấp tiến. Người quản lí của tờ Phong Hóa là Phạm Hữu Ninh, người sáng lập ra trường Thăng Long và là anh họ của tôi. Thế là mỗi tuần vào ngày báo ra, tan học xong, trước khi về nhà, tôi tới gặp anh Ninh để xin báo và có cái thú là đọc báo trước tất cả mọi người. Những nhân vật điển hình mà tờ Phong Hóa tạo ra như Bang Bạnh, lị Toét, Xã Xệ... đã cho tôi thấy báo này muốn đả phá một thứ xã hội cũ được coi như hủ lậu, lạc hậu. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn còn ra ý niệm về tự do cá nhân, chống lại luân lí gia đình chuyên chế.
Và rõ ràng càng đọc tờ Phong Hóa mà hậu thân của nó là tờ Ngày Nay, cũng như đọc tiểu thuyết của nhà xuất bản ĐỜI NAY (cũng của nhóm TỰ LỰC) tôi càng nhìn ra quan niệm mới về xã hội nhân sinh và những mục tiêu chính trị của Nguyễn Tường Tam và các đồng chí. Kéo người dân nghèo ở thành phố ra khỏi chốn bùn lầy nước đọng, xóm hẹp phố buồn qua việc vận động xây những nhà được gọi là Nhà Ánh Sáng là một ưu điểm của báo Phong Hóa.
Rồi có luôn việc cải tiến lối ăn mặc của các bà các cô qua loại áo LEMUR do họa sĩ Cát Tường vẽ kiểu. So sánh với áo dài cổ điển của thời đó thì kiểu áo bồng vai, thắt eo được coi là tiến bộ. Chẳng cần phải đợi tới thời bà Ngô Đình Nhu, lúc này đã có kiểu áo dài hở cổ rồi. Bây giờ không có ai phản đối sự cải cách nữa, tất cả các bà, các cô đều chạy theo phong trào này. Ngay cả đôi bàn chân phụ nữ hồi đó cũng được chú ý với loại guốc có gót cao gọi là guốc phi mã. Thiếu nữ Hà Thành khởi sự uốn tóc quăn sau khi đã cạo răng.
Nhưng bắt đầu từ lúc tôi đi vào Trung Học cho tới khi trở thành một thanh niên mười bảy tuổi đời, không phải chỉ có Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Trọng Lang trong Tự Lực Văn Đoàn ảnh hưởng đến tâm hồn tôi. Những tác phẩm của các nhà văn độc lập như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tam Lang Vũ Đình Chí, Vũ Trọng Phụng cũng được tôi ngấu nghiến đọc. Là con một nhà văn xã hội, tôi nghiêng về những sách nói tới sự khốn khổ của con người như Tôi Kéo Xe, Kép Tư Bền, Hà Nội Lầm Than...
Tôi còn quá nhiều tưởng tượng đến đỗi hình dung những nhà cách mạng đương thời như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Ái Quốc mà tôi không hề biết mặt, qua nhân vật Hải Vân trong cuốn Giông Tố của Vũ Trọng Phụng. Chỉ có một điều làm tôi bất bình là tại sao trong làng văn lại có những câu thơ than vãn của Nguyễn Vỹ:
Nhà văn An Nam khổ như chó
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gậm trơ xương
Và nhìn chúng mình hì hục viết...
Và tại sao giấc mộng của nhà văn Vũ Trọng Phụng lại chỉ là được ăn một miếng bít tết?
Bất bình trước cảnh bất công xã hội, cũng như mọi người, tôi đổ tội cho thực dân Pháp đã gây nên cảnh đó. Nhưng khi bước vào đời nghệ sĩ và dù thực dân đã “cút” (sic) đi rồi, tôi thấy văn nghệ sĩ Việt Nam vẫn chưa ra thoát cảnh nghèo. Theo truyền thống Việt Nam, thường thường kẻ sĩ đều nghèo nhưng bao giờ cũng trong sạch. Do đó có nhiều người còn cho rằng nghệ sĩ phải nghèo mới sáng tác được! Tôi chỉ đồng ý về sự trong sạch rất cần thiết cho bất cứ ai sống trong xã hội, không cứ gì kẻ sĩ. Nhưng tôi nhất định không bao giờ chịu sống một đời hàn sĩ như bố mình hay sống với những lời than vãn của các vị đàn anh Nguyễn Vỹ và Vũ Trọng Phụng. Người nghệ sĩ phải có địa vị cao trong xã hội. Nếu không được sướng như tiên thì cũng không thể khổ như chó.
Ai đưa ta tới chốn này
Bên kia Tòa Án, bên này Sainte Marie...
Ca Dao của học sinh
Trường Kĩ Nghệ Thực Hành Hà Nội