Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 1 - Chương 12
Chương Mười Hai
Ngã Năm vào các Phố Hàng Gai, Hàng Đào thời xưa...
Học chưa hết một niên khóa, tôi bị đuổi ra khỏi trường Kĩ Nghệ Thực Hành vì tôi phạm kỉ luật hơi nhiều: đánh nhau, bị cấm túc mà trốn ra khỏi trường. Tội nặng nhất là có một hôm, phạm một lỗi lầm nào đó nhưng không chịu được cái bợp tai của Besancon, tôi chửi nhau với xếp xưởng! Lại còn giơ búa định đánh nó nữa. Tôi bị đuổi ra khỏi trường ngay lập tức. Sợ ông anh quá, tôi không dám về nhà, đáp xe hàng về Trạm Chôi ở với gia đình vú...
... Sau vài ba tuần trốn mặt ông anh, tôi lò mò về nhà và bị đuổi ngay xuống garage ở. Thế là sau khi đã bị coi như đứa bé rắn đầu ương ngạnh, với sự bị đuổi ra khỏi trường Kĩ Nghệ, tôi trở thành mục tiêu của sự dè bỉu nơi hai người anh ruột và anh rể. Một buổi tối nào đó, trong bữa cơm, không nhớ một trong hai người anh nói một điều gì quá đáng, tôi đập cửa ra đi. Đúng như lời mỉa mai của người anh rể, thường cho tôi là một kẻ sansfoutiste, tôi “đếch” cần tới sự vồn vã thương yêu hay sự che chở nâng đỡ của người lớn nữa rồi.
Tới ở chung với một gia đình quen rồi sau vài tuần lễ, tôi xin được việc làm ở hiệu sửa radio Nguyễn Đình Thụ tại phố Hàng Gai. Trước đây, dù mới ngoài mười sáu tuổi, tôi cũng có đôi chút kiến thức về radio và đã tự tay lắp được một máy radio nhỏ nghe bằng galène rồi, do đó tôi rất thích thú trong công việc mới mẻ này. Các máy radio của thời điện tử sơ khai còn dùng các bóng đèn và những mạch dẫn điện theo kiểu hétérodyne. Nếu so sánh với những chips điện tử bây giờ thì có thể nói rằng tôi đã đi vào điện tử ngay từ thời kì hồng hoang của nó. Làm thợ phụ, lương lậu không nhiều nhưng tôi rất vui vì kiếm ra những đồng lương đầu tiên trong đời mình.
Hiệu sửa radio Nguyễn Đình Thụ ở ngay đầu Hàng Gai, tôi có dịp chứng kiến lối sống của lớp trẻ Hà Nội vào cuối thập niên 30 này. Hà Nội có nhiều nơi rất vui nhưng khu vực ngã tư của các phố Hàng Gai, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Bờ Hồ mới là đích thực là nơi để nam thanh nữ tú đi lượn phố. Các cô thì đi xé vải (mua đồ) hay đi rửa mắt (window shopping). Các cậu thì phần nhiều chỉ đi nhìn gái đẹp.
Ngay từ khi còn bé, tôi đã quen thuộc với hai phố Hàng Gai và phố Hàng Đường. Tôi thường tới nhà cậu Trưởng, em ruột của mẹ tôi ở phố Hàng Gai để nằm trong lòng cậu, tẩn mẩn nghịch những cái tượng nhỏ - tượng thú vật - đặt trên khay bàn đèn thuốc phiện của cậu.
Gia Đình Bác Hai ở phố Hàng Đường thì có tới ba hay bốn cửa hàng nằm chen chúc với các cửa hàng khác trên con đường thương mại sầm uất nhất Hà Nội. Đi từ phố Hàng Đào qua Hàng Ngang, Hàng Đường lên tới Chợ Đồng Xuân, tôi cứ bị thu hút bởi những bảng hiệu mang hình thù con hươu, con voi, con bò, con ngựa. Có cả hình con tê giác và con lạc đà nữa. Đa số là cửa hàng bán vải. Người Ấn Độ chiếm một số lớn cửa hàng bán vải ngoại quốc như vải của Pháp và Anh Cát Lợi. Một trong các cửa hàng của gia đình bác tôi cũng bán vải, ngoài những đồ nội hóa tốt như lụa Hà Đông, the La Cả, đũi Vân Xa, lãnh Bưởi, còn bán cả gấm Thượng Hải nữa.
Tại phố Hàng Gai vào năm 1938 đó, cậu thanh niên sửa radio mười bảy tuổi này, trong giờ nghỉ hay trong ngày nghỉ, rất thích đi lượn trong các phố chung quanh, phố nào cũng nối vào Ngã Tư Bờ Hồ, không phải để bị mê hoặc bởi những con vật gần với tuổi thơ mà bởi các thiếu nữ ngồi trong các quầy hàng. Lúc đó tôi chỉ âm thầm đi chơi một mình vì chưa có đủ tiền để sắm đồ ăn diện đúng mốt đi lượn phố.
Lượn phố Hàng Đào là để đi qua cửa hàng bán tơ lụa Đàm Nguyên Sinh, nhìn cô con gái của chủ tiệm, có đôi mắt trầm mặc như hồ thu. Lượn phố Hàng Bông là để ngắm con gái nhà Mỹ Ký, cha mẹ bán đồ vàng giả, nhưng trên thân hình của cô không có cái gì là giả tạo cả! Cũng ở Hàng Bông này, chúng tôi chiêm ngưỡng bốn mĩ nữ nổi danh của Hà Nội lúc bấy giờ là Kiều Dinh, Kiều Vinh, Kiều Hinh và Kiều Hương. Bốn tiểu thư này là những con gái của một ông dân biểu thành phố, đồng thời cũng là trưởng ty của một R.O. (Régie Opium), người nào cũng đẹp một cách rất lộng lẫy. Trong bốn cô, hai cô sau này trở thành những nghệ sĩ ngâm thơ rất hay và mang những cái tên cũng rất đẹp là Giáng Kiều, Giáng Hương.
Đi lượn phố, thanh niên Hà Nội phải đội mũ lệch mới là oai. Mũ phải là mũ Fléchet, Mossant mua tại hiệu Trần Văn Sửu. Đa số đã vận âu phục và kiểu áo vai long đình làm cho chúng tôi có vẻ vai to ngực nở trong khi thân hình có khi chỉ là bụng ỏng đít teo mà thôi! Đi giầy hiệu Bata ngoại quốc hay giầy nội hóa hiệu Vạn Toàn nhưng phải là giầy đơ cu lơ (deux couleurs = hai mầu) mũi vuông, mũi mỏ vịt hay mũi nhọn. Có anh còn văn minh đến độ mặc cả kiểu quần golf, tay cầm ba-toong đi trên hè phố nữa.
Người ta đã hết gán danh từ vui vẻ trẻ trung cho đám thanh niên này rồi. Bây giờ họ được gọi là công tử bột, có lẽ trong họ có anh cũng đánh phấn như đàn bà. Đám này còn muốn được gọi thêm là Công Tử Càn Long vì bị ảnh hưởng truyện Càn Long Du Giang Nam của Tàu, nghĩa là thứ công tử càn quấy, anh hùng. Và khi các công tử Càn Long này tán gái hay viết thư tình thì đều gọi các cô là “ái nương”. Rồi cũng giống như cha mẹ mình, nếu có bắt nhân tình được với ai thì đố công tử nào dám nắm tay cô gái đi ngoài phố.
Các cô gái Hà Nội lúc bấy giờ đã thích mặc áo LEMUR hở cổ. Tóc có đường ngôi rẽ nghiêng hay đã được uốn quăn. Tuy nhiên, thiếu nữ Hà Nội “chậm tiến” hơn thanh niên trong phạm vi cải cách y phục. Đa số các cô vẫn còn ăn vận theo lối xưa, nghĩa là vẫn giữ được cái đẹp nề nếp, không lố lăng như con trai. Vào mùa lạnh, các cô mặc áo nhung trên đầu phủ cái khăn rua đen, trông mặn mà như các madonna của tranh cổ điển Ý Đại Lợi.
Lúc này có một thiếu nữ tên là Hồ Thị Mịch mới khoảng mười sáu tuổi, đạp xe đạp từ Saigon ra Hà Nội. Ai cũng phục cô con gái nhỏ tuổi mà có can đảm dùng xe đạp để vượt hai ngàn cây số trên con đường cái quan có những cái đèo cao vút như Đèo Ngang, Đèo Cả… Ít người biết được rằng có một hãng Việt-Hoa làm nghề nhập cảng xe đạp ở Saigon đã thuê cô Mịch làm chuyện “phiêu lưu” này, coi như để quảng cáo cho một vụ buôn bán nhiều hơn là để cổ võ tinh thần thể thao trong nữ giới. Trên con đường thuộc địa số một, cô Mịch ngồi trên xe ô tô nhiều hơn là đạp xe đạp. Chỉ khi gần tới một tỉnh lị cô mới xuống xe hơi để làm “nữ anh hùng xe máy”, phóng xe như bay qua đám người được tập trung hai bên đường đón tiếp cô.
Thanh niên thời nào có tiếng lóng của thời đó. Ngôn ngữ của thanh niên hồi cuối thập niên 30 cũng khá ngộ nghĩnh.
* Chê bai thằng bạn làm những chuyện thối thì chúng tôi bảo: Mày lọ lắm! Danh từ “lọ” xuất xứ từ giai thoại này: Ông vua đùa nghịch của Việt Nam là Trạng Quỳnh phê bình ai đó bằng hai chữ “đại phong”. Giải thích ra thì biết: “đại phong” là gió lớn, “gió lớn” thì đổ chùa, “đổ chùa” thì tượng lo, “tượng lo” nói lái là... “lọ tương”. Nghĩa là thằng đó thối như cái lọ đựng tương để lâu ngày! Danh từ “lọ” dần dần trở thành “lựa” và cũng mang ý nghĩa “không thơm và không đẹp”.
* Chim gái thì có chữ “điểu” lấy ra từ chữ nho.
* Khen người đẹp trai sang trọng, có danh từ “bô” = beau, và “kẻng” = american, áp dụng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Mỹ.
* Đi mua ái tình thì có khẩu hiệu “đỉnh đi em”. Giấy bạc 5 đồng Đông Dương có hình con công thì giấy 100 đồng có hình cái đỉnh. “Đỉnh đi em” nghĩa là: Em mà “đi” với anh thì anh tặng 100$ (chỉ con nhà giầu mới trả nổi...)
* Không hiểu vì sao cái “của quý” của phụ nữ lại được gọi là “đĩa”?
Thời đó, tên nghệ sĩ cũng bị chọc ghẹo: Thi sĩ Xuân Diệu vốn là công chức Nhà Đoan nên được gọi là Xuân Rượu Lậu. Kịch tác gia Đoàn Phú Tứ không thành công trên sân khấu được gọi là Đoàn Foutue, nghĩa là hỏng béng.
Đoàn Phú Tứ, lúc trẻ...
... Đào hát Phùng Há nổi danh được gọi là Phùng Mồm Há Miệng, so với Hít Le là hít cái le (tục quá nhỉ?)
Dưới thời Pháp thuộc, việc hội họp đông đảo giữa người Việt là điều bị cấm đoán vì thực dân cho rằng gặp nhau như vậy là để làm “hội kín” hay để biểu tình chống Pháp. Muốn gặp nhau, người ta tìm đến những hội hè. Cuối thập niên 30, tại Hà Nội và Hải Phòng có phong trào đi trẩy hội. Có ba nơi để thu hút chúng tôi: hội Chùa Hương, hội Đền Hùng và hội Đền Vạn Kiếp. Nếu chỉ có mục đích đi ngắm cảnh thì kéo nhau đi trẩy hội chùa Hương. Một bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp do Trần Văn Khê phổ nhạc nói lên được tất cả cái đẹp của việc đi chơi chùa Hương:
Hôm nay đi Chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương
Khăn nhỏ đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay cầm nón quai thao...
Tỏ lòng yêu nước thì đi trẩy hội Đền Hùng. Hội Hướng Đạo đứng ra để tổ chức việc đi thăm viếng nơi thờ phụng các bậc tiên tổ của dòng giống Việt Nam. Các nhạc sĩ mầm non như Thẩm Oánh, Hoàng Quý và Lê Thương đã có những ca khúc về việc đi thăm đền tổ:
Bốn nghìn năm văn hiến
Nước Nam oai hùng
Là nhờ công đức Hùng Vương...
(Thẩm Oánh)
Và nếu muốn thỏa lòng mê tín thì rủ nhau đi trẩy hội Đền Vạn Kiếp để coi cảnh các ông đồng, bà cốt, trên những con thuyền xanh xanh đỏ đỏ, làm phép bắt ma, bắt tà. Sự mê tín không chỉ có ở vùng quê. Ở ngay thành đô, người ta cũng rất mê bói toán. Nghề xem bói và coi chỉ tay đã văn minh hơn xưa vì bây giờ có “Giáo Sư Chiêm Tinh Học” là Khánh Sơn ra đời, quảng cáo rất mạnh trên báo chí. Giáo sư bói toán này có người cháu ruột là ca sĩ Đức Quỳnh, chủ nhân sau này của một phòng trà ở Saigon và là người đào tạo ra nhiều ca sĩ như Thanh Thúy, Lệ Thanh vân vân...
Năm 1938, đối với tôi, là một năm rất quan trọng vì là năm khai sinh ra loại “nhạc cải cách”. Sau một thời gian tung hoành của những bài ta theo điệu Tây do Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi khởi xướng và các ca sĩ Kim Thoa, Ái Liên cổ võ, bây giờ là lúc các thanh niên yêu nhạc muốn có những bài hát hoàn toàn Việt Nam, không còn phải vay mượn nhạc điệu Tàu hay nhạc điệu Tây nữa.
Một thanh niên gốc Huế có giọng hát hay tên là Nguyễn Văn Tuyên, tòng sự tại một công sở Pháp ở Saigon và đang ngụ ở Thị Nghè, đã thử soạn ra mấy bài hát mới được bạn bè rất hoan nghênh. Anh Tuyên này được một công chức kiêm thi sĩ làm việc cho Đài Phát thanh RADIO INDOCHINE là Nguyễn Văn Cổn hết lòng giúp đỡ. Ông này đưa thơ của mình cho Nguyễn Văn Tuyên phổ nhạc và soạn luôn lời ca cho những bản nhạc không lời của Nguyễn Văn Tuyên. Hơn thế nữa, Nguyễn Văn Cổn còn giới thiệu Nguyễn Văn Tuyên với Thống Đốc Nam Kì hồi đó là Rivoalen và xin được trợ cấp để - theo tin báo chí lúc đó - Nguyễn Văn Tuyên đi diễn thuyết về âm nhạc cải cách tại các thành phố lớn như Huế, Hải Phòng, Hà Nội. Chính Nguyễn Văn Cổn là người đặt tên cho loại nhạc mới là âm nhạc cải cách (musique renovée)(1).
(1) Vào mùa Thu 1982, tôi ngồi uống cà phê với Thạc Sĩ Nguyễn Văn Cổn tại một quán nhỏ trong khu Latin Paris, ôn lại những ngày cũ và được nghe ông đọc vài bài thơ về thời thế... Tôi ngỏ ý rất tiếc cho một nước Việt Nam chưa bao giờ được an vi để có cơ hội cho tất cả những người trong Làng Âm Nhạc họp nhau lại, viết cho thật kĩ càng một Bộ Nhạc Sử trong đó Nguyễn Văn Cổn phải có một chỗ ngồi xứng đáng.
Tháng 3 năm 1938, Nguyễn Văn Tuyên tới Hội TRÍ TRI ở Hà Nội và Hội TRÍ TRI ở Hải Phòng sau khi đã dừng chân tại Huế để làm công việc ông gọi là vận động cho âm nhạc cải cách. Hai bài được hát lên trong buổi vận động này là: Bông Cúc Vàng và Một Kiếp Hoa.
Theo lời nhạc sĩ Lê Thương thuật lại trong một bài viết: “... buổi hát ở Hà Nội không thành công vì... cử tọa đông đảo, quá ồn ào, làm mất trật tự. Giọng Huế của ông hơi khó nghe... Còn có cả sự phản ứng của nhiều thanh niên Bắc Hà cho rằng việc hô hào của ông là thừa, vì loại nhạc mà ông gọi là cải cách đó, ở ngoài Bắc đã có rồi...” Lê Thương viết tiếp: “Buổi trình diễn ở Hải Phòng thành công hơn, nhưng chỉ có 20 người tới nghe. Ông Tuyên còn trình bày một lần nữa tại rạp chiếu bóng Palace nhân kì hội của Trường nữ học HOÀI ĐỨC...”
Nguyễn Văn Tuyên về già...
Nguyễn Văn Tuyên có thể không thành công trong những buổi vận động cho âm nhạc cải cách ở Bắc Việt vì giọng nói khó nghe hay vì hai bài hát không được hấp dẫn cho lắm, nhưng hành động của ông thì, theo tôi, không thể gọi là thừa được. Bởi vì trước khi ông công khai ra mắt công chúng tại các thành phố lớn ở ba miền Trung Nam Bắc, chưa có một cá nhân nào, một nhóm nhạc sĩ nào gây được sự chú ý của mọi người về sáng kiến của họ trong phạm vi âm nhạc mới, khả dĩ có thể thay thế được cái phong trào gọi là bài ta theo điệu Tây. Bấy giờ việc làm của Nguyễn Văn Tuyên được báo chí tường thuật kĩ càng rồi được mọi người bàn ra tán vào, người khen kẻ chê ầm ĩ cả lên. Tuần báo có thế lực nhất lúc đó là tờ NGÀY NAY thì hết lòng ủng hộ, cho đăng tải bài hát của Nguyễn Văn Tuyên trong số 122 ra ngày 7-8-1938.
Đây là lúc tôi đã mê hát và thích nghe nhạc lắm rồi! Anh Khiêm đem ở Tây về rất nhiều đĩa hát và tôi thường lấy trộm để nghe. Tôi đã thuộc lòng những bản nhạc cổ điển như Sérénade của Schubert, Élégie của Massenet và những aria trong các opéra như Le Barbier De Séville của Mozart hay La Norma của Bellini. Tôi cũng hay nghịch ngợm với các điệu hát cổ điển này bằng cách thay đổi âm thể (mode) của bài hát. Ví dụ bài Sérénade của Schubert là trong âm thể “minơ”, tôi thử hát với âm thể “majơ” để thấy sự khác biệt của tình cảm khi bị chuyển thể. Và sau khi đã hơi quen thuộc với âm nhạc, lẽ dĩ nhiên tôi hoan nghênh công việc vận động cho âm nhạc cải cách của Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Cổn.
Trước khi có cái gọi là biến cố tháng ba 1938 gây ra bởi Nguyễn Văn Tuyên, tôi hay tới một tiệm bán đàn ngay cạnh nơi tôi sửa radio ở phố Hàng Gai để ngắm nghía các thứ đàn và để nhìn nhạc sĩ chủ nhân đang dạy học trò đánh đàn guitare hawaienne ngay sau quầy hàng. Đó là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Anh nhạc sĩ trẻ trung và đẹp trai này chưa bằng lòng với bộ mặt tròn trĩnh, trắng trẻo của mình nên thỉnh thoảng còn đánh phấn và bôi son nữa. Các cô gái Hà Nội rất mê chàng nhạc sĩ công tử bột và dòng dõi của Dương Khuê này.
Lúc đó Dương Thiệu Tước đã nổi danh ở Hà Nội là người đánh đàn ghi ta hạ uy di rất giỏi. Cùng với Thẩm Oánh, Vũ Khánh, anh thành lập một ban nhạc lấy tên là MYOSOTIS (Hoa Lưu Ly). Trong sinh hoạt hằng tuần với các bạn nhạc sĩ tài tử của mình, ngoài những bài nhạc cải cách ra, Dương Thiệu Tước còn sáng tác những bài mang những đầu đề bằng tiếng Pháp, như Joie d”Aimer (Thú Yêu Đương) Souvenance (Hồi Niệm) Ton Doux Sourire (Nụ Cười Êm Ái Của Em). Lời ca của những bài này là do Thẩm Bích (anh ruột của Thẩm Oánh) soạn ra, lẽ dĩ nhiên bằng tiếng Pháp.
Thấy Nguyễn Văn Tuyên tung hoành như vậy, cùng với Dương Thiệu Tước, các nhạc sĩ trẻ của Hà Nội lúc đó là Thẩm Oánh, Văn Chung, Lê Yên... bèn tung ra những nhạc phẩm hoàn toàn Việt Nam mà họ đã soạn trước khi Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc nhưng họ hãy còn e dè chưa dám đem ra trước công chúng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tôi đã được hát những bài như Hồ Xuân của Thẩm Oánh, Tâm Hồn Anh Tìm Em của Dương Thiệu Tước, Bóng Ai Qua Thềm của Văn Chung... Nhưng phải thú nhận rằng tôi chỉ bị rung động mạnh mẽ bởi một bài hát tới ngày nay đã trở thành cổ điển của nhạc cải cách là bài Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, con người tài hoa mệnh yểu, quê quán ở thành phố Nam Định bé nhỏ và lặng lẽ.
Cũng như con thuyền của Đặng Thế Phong, rồi đây tôi cũng không tìm ra một cái bến nào để cắm neo cả. Cuối cùng có lẽ sẽ đành chết già ở một nơi thị trấn giữa đàng nào đó mà thôi!
___________________________________
Nguyễn Văn Cổn và Phạm Duy, Paris 1982...
Biệt Li! Nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay...
Dzoãn Mẫn
Ngã Năm vào các Phố Hàng Gai, Hàng Đào thời xưa...
Học chưa hết một niên khóa, tôi bị đuổi ra khỏi trường Kĩ Nghệ Thực Hành vì tôi phạm kỉ luật hơi nhiều: đánh nhau, bị cấm túc mà trốn ra khỏi trường. Tội nặng nhất là có một hôm, phạm một lỗi lầm nào đó nhưng không chịu được cái bợp tai của Besancon, tôi chửi nhau với xếp xưởng! Lại còn giơ búa định đánh nó nữa. Tôi bị đuổi ra khỏi trường ngay lập tức. Sợ ông anh quá, tôi không dám về nhà, đáp xe hàng về Trạm Chôi ở với gia đình vú...
... Sau vài ba tuần trốn mặt ông anh, tôi lò mò về nhà và bị đuổi ngay xuống garage ở. Thế là sau khi đã bị coi như đứa bé rắn đầu ương ngạnh, với sự bị đuổi ra khỏi trường Kĩ Nghệ, tôi trở thành mục tiêu của sự dè bỉu nơi hai người anh ruột và anh rể. Một buổi tối nào đó, trong bữa cơm, không nhớ một trong hai người anh nói một điều gì quá đáng, tôi đập cửa ra đi. Đúng như lời mỉa mai của người anh rể, thường cho tôi là một kẻ sansfoutiste, tôi “đếch” cần tới sự vồn vã thương yêu hay sự che chở nâng đỡ của người lớn nữa rồi.
Tới ở chung với một gia đình quen rồi sau vài tuần lễ, tôi xin được việc làm ở hiệu sửa radio Nguyễn Đình Thụ tại phố Hàng Gai. Trước đây, dù mới ngoài mười sáu tuổi, tôi cũng có đôi chút kiến thức về radio và đã tự tay lắp được một máy radio nhỏ nghe bằng galène rồi, do đó tôi rất thích thú trong công việc mới mẻ này. Các máy radio của thời điện tử sơ khai còn dùng các bóng đèn và những mạch dẫn điện theo kiểu hétérodyne. Nếu so sánh với những chips điện tử bây giờ thì có thể nói rằng tôi đã đi vào điện tử ngay từ thời kì hồng hoang của nó. Làm thợ phụ, lương lậu không nhiều nhưng tôi rất vui vì kiếm ra những đồng lương đầu tiên trong đời mình.
Hiệu sửa radio Nguyễn Đình Thụ ở ngay đầu Hàng Gai, tôi có dịp chứng kiến lối sống của lớp trẻ Hà Nội vào cuối thập niên 30 này. Hà Nội có nhiều nơi rất vui nhưng khu vực ngã tư của các phố Hàng Gai, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Bờ Hồ mới là đích thực là nơi để nam thanh nữ tú đi lượn phố. Các cô thì đi xé vải (mua đồ) hay đi rửa mắt (window shopping). Các cậu thì phần nhiều chỉ đi nhìn gái đẹp.
Ngay từ khi còn bé, tôi đã quen thuộc với hai phố Hàng Gai và phố Hàng Đường. Tôi thường tới nhà cậu Trưởng, em ruột của mẹ tôi ở phố Hàng Gai để nằm trong lòng cậu, tẩn mẩn nghịch những cái tượng nhỏ - tượng thú vật - đặt trên khay bàn đèn thuốc phiện của cậu.
Gia Đình Bác Hai ở phố Hàng Đường thì có tới ba hay bốn cửa hàng nằm chen chúc với các cửa hàng khác trên con đường thương mại sầm uất nhất Hà Nội. Đi từ phố Hàng Đào qua Hàng Ngang, Hàng Đường lên tới Chợ Đồng Xuân, tôi cứ bị thu hút bởi những bảng hiệu mang hình thù con hươu, con voi, con bò, con ngựa. Có cả hình con tê giác và con lạc đà nữa. Đa số là cửa hàng bán vải. Người Ấn Độ chiếm một số lớn cửa hàng bán vải ngoại quốc như vải của Pháp và Anh Cát Lợi. Một trong các cửa hàng của gia đình bác tôi cũng bán vải, ngoài những đồ nội hóa tốt như lụa Hà Đông, the La Cả, đũi Vân Xa, lãnh Bưởi, còn bán cả gấm Thượng Hải nữa.
Tại phố Hàng Gai vào năm 1938 đó, cậu thanh niên sửa radio mười bảy tuổi này, trong giờ nghỉ hay trong ngày nghỉ, rất thích đi lượn trong các phố chung quanh, phố nào cũng nối vào Ngã Tư Bờ Hồ, không phải để bị mê hoặc bởi những con vật gần với tuổi thơ mà bởi các thiếu nữ ngồi trong các quầy hàng. Lúc đó tôi chỉ âm thầm đi chơi một mình vì chưa có đủ tiền để sắm đồ ăn diện đúng mốt đi lượn phố.
Lượn phố Hàng Đào là để đi qua cửa hàng bán tơ lụa Đàm Nguyên Sinh, nhìn cô con gái của chủ tiệm, có đôi mắt trầm mặc như hồ thu. Lượn phố Hàng Bông là để ngắm con gái nhà Mỹ Ký, cha mẹ bán đồ vàng giả, nhưng trên thân hình của cô không có cái gì là giả tạo cả! Cũng ở Hàng Bông này, chúng tôi chiêm ngưỡng bốn mĩ nữ nổi danh của Hà Nội lúc bấy giờ là Kiều Dinh, Kiều Vinh, Kiều Hinh và Kiều Hương. Bốn tiểu thư này là những con gái của một ông dân biểu thành phố, đồng thời cũng là trưởng ty của một R.O. (Régie Opium), người nào cũng đẹp một cách rất lộng lẫy. Trong bốn cô, hai cô sau này trở thành những nghệ sĩ ngâm thơ rất hay và mang những cái tên cũng rất đẹp là Giáng Kiều, Giáng Hương.
Đi lượn phố, thanh niên Hà Nội phải đội mũ lệch mới là oai. Mũ phải là mũ Fléchet, Mossant mua tại hiệu Trần Văn Sửu. Đa số đã vận âu phục và kiểu áo vai long đình làm cho chúng tôi có vẻ vai to ngực nở trong khi thân hình có khi chỉ là bụng ỏng đít teo mà thôi! Đi giầy hiệu Bata ngoại quốc hay giầy nội hóa hiệu Vạn Toàn nhưng phải là giầy đơ cu lơ (deux couleurs = hai mầu) mũi vuông, mũi mỏ vịt hay mũi nhọn. Có anh còn văn minh đến độ mặc cả kiểu quần golf, tay cầm ba-toong đi trên hè phố nữa.
Người ta đã hết gán danh từ vui vẻ trẻ trung cho đám thanh niên này rồi. Bây giờ họ được gọi là công tử bột, có lẽ trong họ có anh cũng đánh phấn như đàn bà. Đám này còn muốn được gọi thêm là Công Tử Càn Long vì bị ảnh hưởng truyện Càn Long Du Giang Nam của Tàu, nghĩa là thứ công tử càn quấy, anh hùng. Và khi các công tử Càn Long này tán gái hay viết thư tình thì đều gọi các cô là “ái nương”. Rồi cũng giống như cha mẹ mình, nếu có bắt nhân tình được với ai thì đố công tử nào dám nắm tay cô gái đi ngoài phố.
Các cô gái Hà Nội lúc bấy giờ đã thích mặc áo LEMUR hở cổ. Tóc có đường ngôi rẽ nghiêng hay đã được uốn quăn. Tuy nhiên, thiếu nữ Hà Nội “chậm tiến” hơn thanh niên trong phạm vi cải cách y phục. Đa số các cô vẫn còn ăn vận theo lối xưa, nghĩa là vẫn giữ được cái đẹp nề nếp, không lố lăng như con trai. Vào mùa lạnh, các cô mặc áo nhung trên đầu phủ cái khăn rua đen, trông mặn mà như các madonna của tranh cổ điển Ý Đại Lợi.
Lúc này có một thiếu nữ tên là Hồ Thị Mịch mới khoảng mười sáu tuổi, đạp xe đạp từ Saigon ra Hà Nội. Ai cũng phục cô con gái nhỏ tuổi mà có can đảm dùng xe đạp để vượt hai ngàn cây số trên con đường cái quan có những cái đèo cao vút như Đèo Ngang, Đèo Cả… Ít người biết được rằng có một hãng Việt-Hoa làm nghề nhập cảng xe đạp ở Saigon đã thuê cô Mịch làm chuyện “phiêu lưu” này, coi như để quảng cáo cho một vụ buôn bán nhiều hơn là để cổ võ tinh thần thể thao trong nữ giới. Trên con đường thuộc địa số một, cô Mịch ngồi trên xe ô tô nhiều hơn là đạp xe đạp. Chỉ khi gần tới một tỉnh lị cô mới xuống xe hơi để làm “nữ anh hùng xe máy”, phóng xe như bay qua đám người được tập trung hai bên đường đón tiếp cô.
Thanh niên thời nào có tiếng lóng của thời đó. Ngôn ngữ của thanh niên hồi cuối thập niên 30 cũng khá ngộ nghĩnh.
* Chê bai thằng bạn làm những chuyện thối thì chúng tôi bảo: Mày lọ lắm! Danh từ “lọ” xuất xứ từ giai thoại này: Ông vua đùa nghịch của Việt Nam là Trạng Quỳnh phê bình ai đó bằng hai chữ “đại phong”. Giải thích ra thì biết: “đại phong” là gió lớn, “gió lớn” thì đổ chùa, “đổ chùa” thì tượng lo, “tượng lo” nói lái là... “lọ tương”. Nghĩa là thằng đó thối như cái lọ đựng tương để lâu ngày! Danh từ “lọ” dần dần trở thành “lựa” và cũng mang ý nghĩa “không thơm và không đẹp”.
* Chim gái thì có chữ “điểu” lấy ra từ chữ nho.
* Khen người đẹp trai sang trọng, có danh từ “bô” = beau, và “kẻng” = american, áp dụng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Mỹ.
* Đi mua ái tình thì có khẩu hiệu “đỉnh đi em”. Giấy bạc 5 đồng Đông Dương có hình con công thì giấy 100 đồng có hình cái đỉnh. “Đỉnh đi em” nghĩa là: Em mà “đi” với anh thì anh tặng 100$ (chỉ con nhà giầu mới trả nổi...)
* Không hiểu vì sao cái “của quý” của phụ nữ lại được gọi là “đĩa”?
Thời đó, tên nghệ sĩ cũng bị chọc ghẹo: Thi sĩ Xuân Diệu vốn là công chức Nhà Đoan nên được gọi là Xuân Rượu Lậu. Kịch tác gia Đoàn Phú Tứ không thành công trên sân khấu được gọi là Đoàn Foutue, nghĩa là hỏng béng.
Đoàn Phú Tứ, lúc trẻ...
... Đào hát Phùng Há nổi danh được gọi là Phùng Mồm Há Miệng, so với Hít Le là hít cái le (tục quá nhỉ?)
Dưới thời Pháp thuộc, việc hội họp đông đảo giữa người Việt là điều bị cấm đoán vì thực dân cho rằng gặp nhau như vậy là để làm “hội kín” hay để biểu tình chống Pháp. Muốn gặp nhau, người ta tìm đến những hội hè. Cuối thập niên 30, tại Hà Nội và Hải Phòng có phong trào đi trẩy hội. Có ba nơi để thu hút chúng tôi: hội Chùa Hương, hội Đền Hùng và hội Đền Vạn Kiếp. Nếu chỉ có mục đích đi ngắm cảnh thì kéo nhau đi trẩy hội chùa Hương. Một bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp do Trần Văn Khê phổ nhạc nói lên được tất cả cái đẹp của việc đi chơi chùa Hương:
Hôm nay đi Chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương
Khăn nhỏ đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay cầm nón quai thao...
Tỏ lòng yêu nước thì đi trẩy hội Đền Hùng. Hội Hướng Đạo đứng ra để tổ chức việc đi thăm viếng nơi thờ phụng các bậc tiên tổ của dòng giống Việt Nam. Các nhạc sĩ mầm non như Thẩm Oánh, Hoàng Quý và Lê Thương đã có những ca khúc về việc đi thăm đền tổ:
Bốn nghìn năm văn hiến
Nước Nam oai hùng
Là nhờ công đức Hùng Vương...
(Thẩm Oánh)
Và nếu muốn thỏa lòng mê tín thì rủ nhau đi trẩy hội Đền Vạn Kiếp để coi cảnh các ông đồng, bà cốt, trên những con thuyền xanh xanh đỏ đỏ, làm phép bắt ma, bắt tà. Sự mê tín không chỉ có ở vùng quê. Ở ngay thành đô, người ta cũng rất mê bói toán. Nghề xem bói và coi chỉ tay đã văn minh hơn xưa vì bây giờ có “Giáo Sư Chiêm Tinh Học” là Khánh Sơn ra đời, quảng cáo rất mạnh trên báo chí. Giáo sư bói toán này có người cháu ruột là ca sĩ Đức Quỳnh, chủ nhân sau này của một phòng trà ở Saigon và là người đào tạo ra nhiều ca sĩ như Thanh Thúy, Lệ Thanh vân vân...
Năm 1938, đối với tôi, là một năm rất quan trọng vì là năm khai sinh ra loại “nhạc cải cách”. Sau một thời gian tung hoành của những bài ta theo điệu Tây do Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi khởi xướng và các ca sĩ Kim Thoa, Ái Liên cổ võ, bây giờ là lúc các thanh niên yêu nhạc muốn có những bài hát hoàn toàn Việt Nam, không còn phải vay mượn nhạc điệu Tàu hay nhạc điệu Tây nữa.
Một thanh niên gốc Huế có giọng hát hay tên là Nguyễn Văn Tuyên, tòng sự tại một công sở Pháp ở Saigon và đang ngụ ở Thị Nghè, đã thử soạn ra mấy bài hát mới được bạn bè rất hoan nghênh. Anh Tuyên này được một công chức kiêm thi sĩ làm việc cho Đài Phát thanh RADIO INDOCHINE là Nguyễn Văn Cổn hết lòng giúp đỡ. Ông này đưa thơ của mình cho Nguyễn Văn Tuyên phổ nhạc và soạn luôn lời ca cho những bản nhạc không lời của Nguyễn Văn Tuyên. Hơn thế nữa, Nguyễn Văn Cổn còn giới thiệu Nguyễn Văn Tuyên với Thống Đốc Nam Kì hồi đó là Rivoalen và xin được trợ cấp để - theo tin báo chí lúc đó - Nguyễn Văn Tuyên đi diễn thuyết về âm nhạc cải cách tại các thành phố lớn như Huế, Hải Phòng, Hà Nội. Chính Nguyễn Văn Cổn là người đặt tên cho loại nhạc mới là âm nhạc cải cách (musique renovée)(1).
(1) Vào mùa Thu 1982, tôi ngồi uống cà phê với Thạc Sĩ Nguyễn Văn Cổn tại một quán nhỏ trong khu Latin Paris, ôn lại những ngày cũ và được nghe ông đọc vài bài thơ về thời thế... Tôi ngỏ ý rất tiếc cho một nước Việt Nam chưa bao giờ được an vi để có cơ hội cho tất cả những người trong Làng Âm Nhạc họp nhau lại, viết cho thật kĩ càng một Bộ Nhạc Sử trong đó Nguyễn Văn Cổn phải có một chỗ ngồi xứng đáng.
Tháng 3 năm 1938, Nguyễn Văn Tuyên tới Hội TRÍ TRI ở Hà Nội và Hội TRÍ TRI ở Hải Phòng sau khi đã dừng chân tại Huế để làm công việc ông gọi là vận động cho âm nhạc cải cách. Hai bài được hát lên trong buổi vận động này là: Bông Cúc Vàng và Một Kiếp Hoa.
Theo lời nhạc sĩ Lê Thương thuật lại trong một bài viết: “... buổi hát ở Hà Nội không thành công vì... cử tọa đông đảo, quá ồn ào, làm mất trật tự. Giọng Huế của ông hơi khó nghe... Còn có cả sự phản ứng của nhiều thanh niên Bắc Hà cho rằng việc hô hào của ông là thừa, vì loại nhạc mà ông gọi là cải cách đó, ở ngoài Bắc đã có rồi...” Lê Thương viết tiếp: “Buổi trình diễn ở Hải Phòng thành công hơn, nhưng chỉ có 20 người tới nghe. Ông Tuyên còn trình bày một lần nữa tại rạp chiếu bóng Palace nhân kì hội của Trường nữ học HOÀI ĐỨC...”
Nguyễn Văn Tuyên về già...
Nguyễn Văn Tuyên có thể không thành công trong những buổi vận động cho âm nhạc cải cách ở Bắc Việt vì giọng nói khó nghe hay vì hai bài hát không được hấp dẫn cho lắm, nhưng hành động của ông thì, theo tôi, không thể gọi là thừa được. Bởi vì trước khi ông công khai ra mắt công chúng tại các thành phố lớn ở ba miền Trung Nam Bắc, chưa có một cá nhân nào, một nhóm nhạc sĩ nào gây được sự chú ý của mọi người về sáng kiến của họ trong phạm vi âm nhạc mới, khả dĩ có thể thay thế được cái phong trào gọi là bài ta theo điệu Tây. Bấy giờ việc làm của Nguyễn Văn Tuyên được báo chí tường thuật kĩ càng rồi được mọi người bàn ra tán vào, người khen kẻ chê ầm ĩ cả lên. Tuần báo có thế lực nhất lúc đó là tờ NGÀY NAY thì hết lòng ủng hộ, cho đăng tải bài hát của Nguyễn Văn Tuyên trong số 122 ra ngày 7-8-1938.
Đây là lúc tôi đã mê hát và thích nghe nhạc lắm rồi! Anh Khiêm đem ở Tây về rất nhiều đĩa hát và tôi thường lấy trộm để nghe. Tôi đã thuộc lòng những bản nhạc cổ điển như Sérénade của Schubert, Élégie của Massenet và những aria trong các opéra như Le Barbier De Séville của Mozart hay La Norma của Bellini. Tôi cũng hay nghịch ngợm với các điệu hát cổ điển này bằng cách thay đổi âm thể (mode) của bài hát. Ví dụ bài Sérénade của Schubert là trong âm thể “minơ”, tôi thử hát với âm thể “majơ” để thấy sự khác biệt của tình cảm khi bị chuyển thể. Và sau khi đã hơi quen thuộc với âm nhạc, lẽ dĩ nhiên tôi hoan nghênh công việc vận động cho âm nhạc cải cách của Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Cổn.
Trước khi có cái gọi là biến cố tháng ba 1938 gây ra bởi Nguyễn Văn Tuyên, tôi hay tới một tiệm bán đàn ngay cạnh nơi tôi sửa radio ở phố Hàng Gai để ngắm nghía các thứ đàn và để nhìn nhạc sĩ chủ nhân đang dạy học trò đánh đàn guitare hawaienne ngay sau quầy hàng. Đó là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Anh nhạc sĩ trẻ trung và đẹp trai này chưa bằng lòng với bộ mặt tròn trĩnh, trắng trẻo của mình nên thỉnh thoảng còn đánh phấn và bôi son nữa. Các cô gái Hà Nội rất mê chàng nhạc sĩ công tử bột và dòng dõi của Dương Khuê này.
Lúc đó Dương Thiệu Tước đã nổi danh ở Hà Nội là người đánh đàn ghi ta hạ uy di rất giỏi. Cùng với Thẩm Oánh, Vũ Khánh, anh thành lập một ban nhạc lấy tên là MYOSOTIS (Hoa Lưu Ly). Trong sinh hoạt hằng tuần với các bạn nhạc sĩ tài tử của mình, ngoài những bài nhạc cải cách ra, Dương Thiệu Tước còn sáng tác những bài mang những đầu đề bằng tiếng Pháp, như Joie d”Aimer (Thú Yêu Đương) Souvenance (Hồi Niệm) Ton Doux Sourire (Nụ Cười Êm Ái Của Em). Lời ca của những bài này là do Thẩm Bích (anh ruột của Thẩm Oánh) soạn ra, lẽ dĩ nhiên bằng tiếng Pháp.
Thấy Nguyễn Văn Tuyên tung hoành như vậy, cùng với Dương Thiệu Tước, các nhạc sĩ trẻ của Hà Nội lúc đó là Thẩm Oánh, Văn Chung, Lê Yên... bèn tung ra những nhạc phẩm hoàn toàn Việt Nam mà họ đã soạn trước khi Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc nhưng họ hãy còn e dè chưa dám đem ra trước công chúng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tôi đã được hát những bài như Hồ Xuân của Thẩm Oánh, Tâm Hồn Anh Tìm Em của Dương Thiệu Tước, Bóng Ai Qua Thềm của Văn Chung... Nhưng phải thú nhận rằng tôi chỉ bị rung động mạnh mẽ bởi một bài hát tới ngày nay đã trở thành cổ điển của nhạc cải cách là bài Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, con người tài hoa mệnh yểu, quê quán ở thành phố Nam Định bé nhỏ và lặng lẽ.
Cũng như con thuyền của Đặng Thế Phong, rồi đây tôi cũng không tìm ra một cái bến nào để cắm neo cả. Cuối cùng có lẽ sẽ đành chết già ở một nơi thị trấn giữa đàng nào đó mà thôi!
___________________________________
Nguyễn Văn Cổn và Phạm Duy, Paris 1982...
Biệt Li! Nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay...
Dzoãn Mẫn
Bình luận facebook