• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full HAI THẾ KỶ- -phần tiếp theo Những ngày cuối tháng 4 (3 Viewers)

Chương 16. PARIS (P7)

Nghĩ về giáo sư Nguyễn Phùng, Vô Thường nghĩ đến học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người tài ba bậc nhất của thời đại trước, nối gót Trương Vĩnh Ký. Tài năng Vĩnh lớn đến mức được anh em trên dưới hội Tam Điểm Pháp cực kỳ kính trọng, dù cuối đời sống trong nghèo khổ phải đi đào vàng tại Lào để trả nợ, những đứa con của Vĩnh nhiều người thành danh, có nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhà thơ hoạ sĩ Nguyễn Giang, Nguyễn Hiến tổng trưởng quan thuế Việt Nam Cộng Hoà và Nguyễn Phùng.

Năm Nguyễn Phùng mười bốn tuổi thì Nguyễn Văn Vĩnh qua đời ở Lào, thi hài ông được anh em hội Tam Điểm đưa về Hà Nội, nhân sĩ ba kỳ Bắc Trung Nam đến tiễn đưa. Kể từ khi Yersin chết, chưa một đám tang nào nhiều người đến viếng đông như vậy. Khi đó, con đường học vấn của Nguyễn Phùng tạm ngưng, ông tham gia đi lính cho Pháp và mang quốc tịch Pháp, mãi đến tuổi trung niên mới bắt đầu đi học ngành luật. Kế thừa trí thông minh của cha, Nguyễn Phùng học trong thời gian rất ngắn và trở thành giáo sư tại đại học Montpellier 1. Nhưng tình cảm mà người dân thành phố Montpellier dành cho vị giáo sư này không phải là học vị tiến sĩ hay chức danh giáo sư đại học, mà chủ yếu vì ông là một luật sư luôn đứng cạnh những con người cùng khổ. Ông dùng kiến thức luật pháp của mình để giúp đỡ họ, tư vấn cho họ; nhiều vụ ông cãi mà không lấy tiền, nếu có chỉ là tượng trưng. Người ta luôn quen thuộc trước hình ảnh một giáo sư và luật gia Maximilien trong chiếc áo măng tô cùng chiếc cặp đen, hằng ngày đi bộ trên con đường dài về nhà, gặp ai, ngài Maximilien cũng đưa nón lên chào.

Thị trưởng thành phố là bạn học cùng ngài, khi ngài mất, người ta thấy sự cần thiết phải vinh danh ngài, hơn nữa, những học trò của ngài giờ là những nhân vật nổi tiếng trong giới luật đã gây ảnh hưởng vào chính quyền thành phố. Họ đã đặt tên ngài cho một con phố vào năm 2002, gần trường đại học mà ngài gắn bó.

Đó là bề nổi lịch sử, những gì người ta có thể biết ơ hờ, nhưng bên dưới, ngài là người có ảnh hưởng lớn trong hội, từ uy tín của cha ngài Nguyễn Văn Vĩnh, từng giữ vai trò cao nhất trong hội. Khi ở Pháp, ngài không ngừng giúp đỡ những thành viên trong nước, sau 1975, ngài cũng không ngừng lên tiếng nhằm giúp đỡ thuyền nhân Việt Nam đến định cư tại Pháp.

Nhưng chính xác ngài đã làm gì cho hội, Vô Thường ngao ngán, anh không biết. Không biết một tí gì. Đó là thứ thông tin xa vời mà anh không rõ.

Tàu hú lên những tiếng chát chúa, anh biết đã cập bến cảng thành phố Montpellier.

Hai người bước lên tàu, màn đêm đã bao phủ, dù chỉ mới tám giờ tối. Hơi lạnh từ biển ùa vào khiến màn sương dày hơn, đặc trưng vùng Địa Trung Hải. Phi vẫn chưa quen với khí hậu này, anh siết áo khoác mình lại.

Vô Thường ngao ngán nói, "Ở thành phố này tôi chưa kịp chuẩn bị, chúng ta không có phương tiện di chuyển, mình sẽ đón taxi."

Anh đưa tay vẫy chiếc taxi trước mặt, ngắn gọn, anh ra lệnh cho tài xế chạy về đường Maximilien Phung Nguyen. Anh biết đây là thành phố lớn, mà con đường cần đến nằm ở phía Bắc thành phố, phải cần một thời gian để di chuyển đến đó. Anh ngả người ra ghế nhắm mắt lại tranh thủ nghỉ ngơi. Còn Phi, anh suy nghĩ mãi về Vô Thường, một con người vừa kì lạ vừa quyến rũ. Dáng vẻ lạnh lùng nhưng đầy tình cảm trước vú Afrodille, một người khó gần nhưng thân thiện trong lời nói. Một người kỳ lạ, dù đã quen nhau từ rất lâu, bảy năm là thời gian dài mà tình bạn có được.

Anh biết nhiều về Vô Thường, chủ yếu qua lời kể Vô Danh và quyển Hồi ký Vô Danh, nhưng anh vẫn không khỏi bỡ ngỡ khi tiếp xúc Vô Thường bên ngoài. Anh biết Vô Thường sinh ra trong môi trường gia đình quý tộc, nhất là gia đình bên mẹ của anh, rất giàu có. Vô Thường gần như bị tách riêng khỏi đám nhân quần xung quanh, nuôi dưỡng bởi một người cha nghiêm khắc và lạnh lùng, anh đã thừa hưởng những phẩm chất lãnh đạm hiếm có và nét cao quý của người thuộc tầng lớp mình. Anh ít bạn vì coi thường phần đông nhân loại, và cũng vì anh không muốn hiểu họ. Nhưng, cả đời anh gần như gắn liền với Vô Danh, một thứ định mệnh mà muốn hiểu người này chỉ có thể thông qua người kia.

Bánh xe dừng, cả hai người biết rằng đã đến nơi. Đường Nguyễn Phùng là con đường nhỏ và ngắn, trên đó có một khu cư xá mới xây. Vô Thường biết anh đang đứng trước một ẩn mã của Vô Danh. Thói quen của Vô Danh cũng như thầy anh, phần lớn họ chọn lựa là đưa ra gợi ý thay vì một thứ gì đó như mật mã, mật mã nếu giải được sẽ ra ngay đáp án chính xác, nhưng ẩn mã chỉ là gợi ý. Chỉ có những người gắn liền với nhau bằng ký ức mới hiểu được những gợi ý đó.

Nhưng gợi ý là gì? Không một biểu tượng nào. Hay là anh đã nhầm?

Vô Thường đi dọc ngang con phố, nhẩm tính chiều dài của nó, không phải là con số đặc biệt. Căn hộ nhỏ nằm trên con đường này cũng không có gì đặc biệt và cũng không phải là nhà của người anh quen. Có cái gì trên con đường này mà anh đã bỏ sót?

Không, không sót gì cả. Anh nhăn mặt. Phi biết mình không nên làm phiền anh và hơn hết, anh sợ mình không giúp được gì.

"Phi, tôi cần sự giúp đỡ của anh."

"Tôi... tôi e là không giúp được gì, khi làm việc với Vô Danh và các anh, tôi biết mình không thể làm gì nhiều là đứng nhìn."

"Anh đánh giá sai khả năng của mình. Theo anh, con đường này có gì đặc biệt, đặc biệt theo cảm nhận của anh, bất cứ cái gì cũng được."

"Một con đường ngắn dài hơn trăm mét, nhà cửa và cây cối, không có gì đặc biệt, trừ khi nhìn nó từ trên cao."

"Ôi, giờ tôi đã hiểu vì sao Vô Danh lại chỉ định anh sang đây mà không phải là ai khác."

Vô Thường lấy ngay điện thoại của mình, vào thẳng google map. Phi đứng bên cạnh nhìn con đường trước mặt.

"Anh thấy gì không Phi? Con đường này rẽ thành hai nhánh, nếu nhìn từ trên cao nó giống cái gì?"

"Tôi không chắc lắm, nhưng nhìn như chòm sao Bắc Đẩu."

"Đó là gợi ý của Vô Danh, nhưng nó bị ngược về phía bên trái, như thể nó được nhìn qua một tấm gương. Xem nào, nếu ta lật nó đối xứng sang bên đây, thì chòm sao Bắc Đẩu sẽ nằm trên bãi đất trống gần trường đại học Montpellier, chúng ta đi bộ sang đó."

Một gò đất nhô lên, cỏ mọc um tùm, vài chỗ có những hàng cây chi chít. Dường như nó thuộc khuôn viên trường đại học.

"Nhưng nơi này quá rộng lớn." Phi nói.

"Tôi biết, nó sẽ làm nản lòng những kẻ theo dấu vết của Vô Danh, nhưng trừ chúng ta."

Mặc cho Vô Thường suy nghĩ và tính toán, tìm kiếm gợi ý của Vô Danh, riêng Phi, anh biết mình không giúp gì nhiều nên dành thời gian nhìn ngắm bầu trời đêm. Anh thấy chòm sao Bắc Đẩu vẫn sáng lung linh, nhất là ngôi Bắc Đẩu. "Chòm sao Bắc Đẩu đẹp thật."

Vô Thường khựng lại, quay sang nhìn Phi. "Anh vừa nói gì?"

"Chòm sao Bắc Đẩu đẹp thật."

"Ôi trời, tôi đã quên mất yếu tố này, chòm Bắc Đẩu là đại diện cho hội chúng ta ngày xưa đúng không?"

"Vâng, điều này ai cũng biết."

"Không, nó còn ám chỉ đến huân chương cao quý nhất nước Pháp, huân hước Bắc Đẩu Bội Tinh. Nhưng chòm sao mà Vô Danh gợi ý là chom sao ngược, muốn nhìn thấy nó phải nhìn từ trên xuống, ngược lại là nhìn từ dưới lên bầu trời. Ôi, tôi thật rồ dại, tấm gương mà Vô Danh ám chỉ là lòng người. Có một người cao quý đã bị bỏ sót, một người lý ra phải được nhận huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh."

"Tôi biết là ai rồi, người có học thức cao, là thành viên hội Tam Điểm, bị thực dân Pháp lưu đày suốt 30 năm. Một người bị chính quyền Pháp từ chối vì sức ảnh hưởng đến người dân Việt Nam."

Cả hai cùng thốt lên, "Vua Duy Tân!"

Vua Duy Tân là người tài năng lớn về chính trị, có khả năng cách tân như Nhật hoàng Minh Trị, là người có khả năng ảnh hưởng đến quần chúng lẫn tầng lớp trí thức thời đó. Duy Tân là cái gai trong mắt của chính quyền Pháp, nếu không loại trừ Duy Tân khỏi kinh thành Huế thì Pháp sẽ không thể tiếp tục cai trị Việt Nam. Và Duy Tân bị lưu đày đến đảo La Réunion cho đến chết, mãi đến năm 1987 mới được đưa về Việt Nam an táng bên cạnh mộ vua cha Thành Thái.

"Tôi biết Vô Danh chỉ dẫn ta đến đâu rồi. Đại lộ Hoàng tử Vĩnh San ở đảo La Réunion."

"Xa vậy à?"

"Tôi thật rồ dại, năm xưa Vô Danh từng đến Nam Phi và anh ấy đã đến đảo La Réunion. Xa đến đâu cũng phải đi."

Phi nhún vai. Còn Vô Thường nhắm mắt lại nhẩm tính, anh kết luận, "Về lại Paris nghỉ ngơi, sớm ngày mai chúng ta lên đường đến đảo La Réunion."
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom