• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full HAI THẾ KỶ- -phần tiếp theo Những ngày cuối tháng 4 (1 Viewer)

Chương 16. PARIS (P8)

Về đến căn hộ quen thuộc của Vô Thường, chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng, lòng Vô Thường nặng trĩu. Anh rất ít khi nghe tiếng đồng hồ điểm nửa đêm, ít nhất từ ngày không còn Vô Danh bên cạnh, anh sinh hoạt như một cỗ máy được lập trình hoàn hảo, anh ngủ lúc mười giờ tối và thức dậy lúc năm giờ sáng, đọc sách và thể dục. Mỗi sáng, khi bình minh chưa ló dạng, nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh người thanh niên gốc Á chạy bộ trên con đường, rẽ vào hồ bơi công cộng, bơi và tập thể hình. Anh dành nhiều thời gian cho sức khoẻ mình vì quan điểm, sức khoẻ thể xác cũng là sức khoẻ tinh thần, để đảm bảo một trí nhớ siêu việt của mình, anh cần một cuộc sống lành mạnh. Quan điểm này, anh biết mình trái với Vô Danh, một người theo quan điểm duy tinh thần, anh xem sự khoẻ mạnh thân thể không nhiều liên quan đến trí tuệ, và thường phê phán Vô Thường rằng, "Nếu thể lực đi đôi với trí tuệ thì tập gym sẽ đi cùng với IQ, và như vậy những nhà tư tưởng sẽ là một vận động viên về nghĩa đen hơn là nghĩa bóng."

Vô Thường biết điều đó hơi gàn dở, thực tế khoa học cho thấy, một thể lực tốt giúp ích rất nhiều cho tinh thần. Nhưng anh cũng không thể chối bỏ được thực tế, những đầu óc vĩ đại lại không có sức khoẻ tốt. Và anh cũng không thể nào sống như Vô Danh, mang thân xác mình ra làm cuộc thí nghiệm về tinh thần, những lần hành xác của Vô Danh khiến anh ám ảnh. Vô Danh vùi đầu trong thư viện suốt nhiều ngày, chỉ dành đúng bốn tiếng mỗi ngày để ngủ, vừa ăn vừa đọc sách, vừa đọc vừa uống nước, với một yêu cầu rất nhỏ: Phải hiểu triết học Kant. Trong vài ngày đó, Vô Danh đọc hơi bốn mươi đầu sách liên quan về Kant và của Kant, rồi anh kết luận, "Thì ra chỉ có như vậy." Sau đó anh lăn ra ngủ cả một ngày, rồi trở về nhịp sống thường ngày.

Vô Thường biết mình thông minh, nhiều lần anh tự nhận thấy mình thông minh hơn Vô Danh, nhưng anh lại luôn có một mặc cảm là không chạy theo nổi tư tưởng Vô Danh. Phương pháp học của anh ưu việt hơn Vô Danh, anh biết, anh có thể học cùng lúc ba ngôn ngữ, thứ mà Vô Danh không học được, nhưng anh không thể nào đào sâu những khía cạnh tưởng chừng tầm thường như Vô Danh. Mỗi lần nói chuyện cùng Vô Danh, anh có cảm giác mình kém thông minh hơn hẳn anh, không phải vì không hiểu điều Vô Danh nói, mà chủ yếu vì Vô Danh nhìn thấy những điều rất giản dị phía sau mỗi vấn đề mà anh không nhìn được.

Phải mất một thời gian rất lâu anh mới chấp nhận thực tế rằng, năng lực của anh và Vô Danh là khác nhau, Vô Danh đã đầu tư cho năng lực của mình khác với anh. Vô Danh đã đầu tư vào sự sáng tạo, thứ mà anh không thể có.

Mở dòng nước ấm, lan toả trên thân thể, anh nhủ rằng mình cần đi ngủ cho cái hẹn vào sớm mai.

Phòng bên cạnh, Phi mãi ưu tư về Vô Thường, đây là lần đầu tiên anh gần gũi Vô Thường nhất và có cảm giác xa lạ nhất. Dẫu biết đó là tính cách, nhưng anh không hiểu sao tính cách đó vừa quyến rũ vừa khó ưa. Một tính cách kỳ lạ.

Mở dòng nước ấm, lan toả trên thân thể, anh nhủ rằng mình cần đi ngủ cho cái hẹn vào sớm mai.

Mặc áo ngủ, thắt dây lại, anh nhớ ngay đến lời nói Vô Danh, "Hãy chú ý bức tường phòng khách nhà Vô Thường." Có vẻ như anh đã bỏ sót điều gì đó, Phi vội bước ra phòng khách, anh ngạc nhiên khi thấy Vô Thường ngồi trên chiếc ghế sofa nhìn thẳng vào bức từơng trước mặt.

"Chào anh, Phi. Tôi có cảm giác mình bỏ sót điều gì mà Vô Danh nhắn gửi, ngày mà anh ấy về Việt Nam, anh ấy yêu cầu bức tường phòng khách của tôi phải trình bày như thế này. Ngày nào tôi cũng nhìn nó, vẫn không hiểu lắm."

Phi ngồi xuống chiếc ghế, Vô Thường rót một ít nước trà vào tách, "Tôi ít khi uống trà vào giờ này, nó không tốt cho giấc ngủ, nhưng tôi cần làm người khác cũng xấu xa như mình, mời anh."

Cả hai người nhìn lên những bức tranh, Vô Thường hỏi, "Anh thấy trọng tâm bức tường nằm ở đâu?"

"Bức tranh của Vô Danh vẽ."

"Anh biết năm người trong đó là ai không?"

"Tôi nghĩ đó là năm người các anh, vì trong đó có một người là nữ. Nhưng tại sao Vô Danh không vẽ mặt của họ?"

"Để không ai biết người nào đang đứng ở đâu, trừ người nữ, chắc chắn là Hải Yến."

"Tôi nghĩ mình có thể biết, người ngồi bên cây đàn piano là Vô Danh."

"Anh chắc?" Vô Thường ngạc nhiên.

"Tôi biết cả năm người các anh đều chơi dương cầm tốt, nhưng chắc không một người nào ngồi mà gác chéo một chân như anh ấy."

"Tôi đã bỏ qua thói quen nghệ sĩ của Vô Danh."

"Tôi chỉ nhận diện được Vô Danh, còn lại thì chịu thua."

Cả hai người ngồi trước bức tường, hết thời gian một tách trà, một không gian nặng nề leo lên tâm tưởng. Vô Thường phá đi không gian nặng nề đó bằng một câu hỏi, "Anh nghĩ gì về vua Duy Tân?"

***


"Trẫm cần gặp bác sĩ Yersin. Khanh cần rời Thành Nội ngay lúc này." Thành Thái đi đi lại lại trong điện Càn Thành. Nhưng tay thái giám trong đại nội run rẩy nhìn đám lính Pháp đang bồng súng bên ngoài kia. Thành Thái bực dọc, "Ngươi có còn là con dân Đại Việt không? Ngươi có thấy những gì mà dân ta đang chịu đựng ở Bắc kỳ không? Ngươi phụng sự ta hay phụng sự chúng?"

Tay thái giám quỳ xuống, sụp lạy Thành Thái, hắn biết lòng trung thành của hắn chỉ dành cho vua tôi mình, nhưng những người thân cận quanh Thành Thái đều bị chính quyền bảo hộ mua chuộc. Hắn sẽ bị thủ tiêu ngay khi rời khỏi Thành Nội, đừng nói là ra khỏi địa phận Gia Hội.

Thành Thái phẩy tay áo quay vào trong điện, biết rằng mình không thể tin tưởng vào lũ quan bất tài này, mất nước là chuyện sớm muộn.

Thành Thái ngồi phịch xuống ghế, chân gác lên thành chữ ngũ, mồm lẩm bẩm văng tục, "Mù mạ nó." Không hề có tác phong của một vị hoàng đế, nhưng đó chính là điểm mà Nguyễn Phúc Bửu Lân được người dân vô cùng yêu mến. Bửu Lân được chính quyền Pháp đưa lên để thay thế Đồng Khánh, một ông vua nhu nhược và thân Pháp. Nhưng Pháp hoàn toàn không hiểu tính khí hoàng thất của Bửu Lân, sinh ra và lớn lên trong sự xáo trộn gia tộc, trong vòng sáu năm, từ 1883-1889, mà Đế quốc Đại Nam của ngài trải qua năm đời vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Gần như năm nào người dân Gia Hội cũng nghe phong thanh có chính biến trong triều, Pháp đưa người này lên và hạ bệ người kia xuống, cho đến khi xuất hiện một ông vua nhu nhược mà Pháp ưng ý nhất, đặc biệt không để một người như vua Hàm Nghi xuất hiện nữa. Để hoàn tất âm mưu đó, Pháp đưa những đứa trẻ lên ngôi nhằm uốn nắn chúng theo ý mình.

Thái tử Bửu Lân là người lý tưởng, vừa thông minh lại đương nhỏ tuổi, ngày mà ngài lên ngôi chỉ mới mười tuổi, như vậy Pháp sẽ dễ dàng thao túng. Như cách mà Ngao Bái từng muốn thao túng Khang Hi bên Tàu, nhưng tiếc cho Pháp, Bửu Lân dù là một đứa trẻ ham chơi nhưng mẹ ngài là bà Phan Thị Điều là người tinh ý về chính trị, lòng mẹ dành cho con, bà Điều biết con mình sẽ gặp nguy hiểm nhiều hơn, như đức vua Dục Đức chẳng hạn. Bà khóc rất nhiều ngày con mình lên ngôi vua, một điều nực cười dưới triều đại phong kiến là người ta sợ hãi làm vua.

Để tránh đi cái nguy cơ như Dục Đức, bà Điều đã rèn luyện Bửu Lân bằng sực nghiêm khắc, bằng tinh thần thép và lòng yêu nước. Bà dành nhiều thời gian dạy sử học cho Bửu Lân, với mong muốn nó hiểu được đất nước mình đang trong thảm cảnh nào, hơn nữa, chính Bửu Lân cũng nhìn thấy điều đó ngay trong chính gia tộc mình.

Bửu Lân mang tinh thần chống Pháp mạnh mẽ nhất, điều mà Pháp không thể nào ngờ đến, và chúng càng không ngờ khi tinh thần đó còn di truyền vào huyết quản đứa con của ngài, Nguyễn Phúc Vĩnh San, tức vua Duy Tân sau này.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom