• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Bí Mật Bị Thời Gian Vùi Lấp (2 Viewers)

  • Chương 15: Nhớ nhung

Tưởng rằng tiêu tan là coi như hết, nào ngờ tất cả vẫn đọng trong lòng, ở đó lưu giữ tình yêu, cùng mọi bóng dáng tình yêu.

Cuối tuần tôi về nhà, hưởng thụ cuộc sống ăn hại cơm bưng nước rót, đang định bàn với bố mẹ về việc đón Tết, không ngờ bố mẹ lại ném cho tôi một bất ngờ to tướng.

– Mạn Mạn, con tự chăm sóc bản thân được chứ? – Mẹ dùng câu thăm dò, nhưng ngụ ý đã quá rõ ràng.

Tôi trân trối nhìn vé máy bay, gật đầu:

– Được ạ.


Mẹ giơ áo tắm hỏi tôi:

– Con thấy mẹ mặc cái này được không?

Vẫn như cũ, tôi chỉ có thể gật đầu:

– Đẹp ạ.

Mẹ xếp áo tắm vào va li, lại lấy một chiếc quần tắm giống hệt về màu sắc họa tiết cho tôi xem:

– Đây là đồ bơi mẹ mua cho bố, đẹp nhỉ?

– Đẹp lắm! Như đồ đôi tình nhân ấy!

Mẹ cười đắc ý:

– Đây là đồ đôi phu thê.

Tôi cầm vé máy bay, lật đi lật lại săm soi hồi lâu, cuối cùng xác định tất cả đều là sự thật:

– Mẹ ơi, bố mẹ sắp đi du lịch Đông Nam Á, tại sao không nói một tiếng để con biết trước?

Mẹ lườm tôi:

– Trên vô tuyến người ta toàn khuyên nên theo đuổi những bất ngờ của cuộc sống. Đây chính là điều bất ngờ tôi dành sẵn cho bố chị, cớ gì phải nói cho chị biết?

Tôi buồn bực:

– Vậy tết nhất con biết làm sao đây?

Mẹ vừa gấp quần áo vừa úp mở:

– Tôi làm sao biết được chị làm sao. Con gái bà Lý cùng lứa chị, Tết này đi châu Âu với chồng. Người ta chỉ sợ không đủ ngày phép để dùng, ai lại như chị cằn nhằn vì phải nghỉ làm. Dạo trước thấy chị có chút khởi sắc, gần đây lại xịt ngóm rồi…

Gặp đề tài này thì tôi luôn đuối lý trước mẹ, đành đánh trống lảng cho nhanh:

– Được thôi! Mẫu thân đại nhân kính yêu! Con xin giơ hai tay hai chân ủng hộ bố mẹ đi Đông Nam Á hưởng tuần trăng mật thứ hai, được chưa ạ?

Mẹ cười tươi nói:

– Mẹ với bố ra nước ngoài lần đầu, con lại đây ngó giúp mẹ xem còn cần mang theo thứ gì?

Tôi đến giúp mẹ kiểm tra hành trang:

– Mẹ ơi, phí tổn hết bao nhiêu? Để con đỡ cho! Trên đường, muốn ăn muốn chơi gì cũng được, đừng chắt bóp tằn tiện. Con gái của bố mẹ tuy chẳng giỏi giang, nhưng du lịch một chuyến Đông Nam Á thì vẫn lo được.

Bố mẹ đều là người làm công ăn lương bình thường, tiền hưu trí mỗi tháng cộng lại hơn ba nghìn, trong nhà vốn cũng dành dụm được chút đỉnh, nhưng đã tiêu cạn trong lần bố ốm nặng. Căn hộ tôi mua trông cả vào tiền tiết kiệm riêng, đành thanh toán đợt đầu một phần rồi trả lãi cao hàng tháng, vì việc này mà bố âm thầm thở than không biết bao lâu.

Mẹ chưa kịp trả lời thì bố vào đến nhà, vừa thay dép vừa nói:

– Con cứ tập trung trả tiền cho căn hộ của con đi. Bố với mẹ biết nên chi tiêu thế nào mà.

Mẹ bắt đầu phàn nàn:

– Phải đó! Mạn Mạn, tuy bố mẹ không thể sắm sanh hồi môn cho con, nhưng đủ sức tự thân vận động, con đừng bận tâm vô ích. Bây giờ nhiệm vụ quan trọng của con là tìm bạn trai và khẩn trương kết hôn. Khi nào con ổn định thì bố mẹ mới thôi canh cánh bên lòng. Cậu Tống Dực đó…

– Như! – Bố gọi tên mẹ, ngắt ngang những lời tràng giang đại hải – Được rồi, được rồi, năm mới Mạn Mạn nhà ta nhất định sẽ gặp may.

Tôi không dám nhiều lời nữa, chỉ lúi húi giúp bố mẹ thu xếp hành lý, dùng tiếng Anh và Trung ghi chú tên họ và điện thoại liên lạc của bố mẹ lên mỗi một món đồ, thêm cả số của tôi coi như cách liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

Mẹ thì thầm với bố:

– Em nghe nói chùa chiền ở Thái cầu duyên linh lắm. Chúng ta có nên chuẩn bị ít vàng hương không? Không thì mua ở cửa chùa cũng được, nhưng chị sợ đắt thôi.

Bố đưa khuỷa tay huých mẹ, mẹ len lén liếc tôi, không nói gì nữa.

Hai bảy Tết, tôi xin nghỉ nửa ngày đi tiễn bố mẹ. mẹ vừa kiểu đầu mới, bố đội cái mũ bóng chày màu trắng, tinh thần đều rất phấn chấn. Trong số du khách cũng khá đông ông già bà lão, nhưng nhìn đi nhìn lại vẫn thấy bố mẹ mình đẹp hơn cả.

Tôi nói chuyện riêng với hướng dẫn viên, đưa cô một thẻ quà tặng Estée Lauder trị giá bốn trăm đồng kèm theo danh thiếp của tôi. Cô gái liếc qua rồi nhận ngay, tươi cười dặn tôi cứ yên tâm, hứa sẽ chăm sóc bố mẹ tôi để hai cụ có một chuyến du lịch đáng nhớ.

Rời khỏi sân bay, tôi thở một hơi dài, cảm thấy Bắc Kinh vừa rộng lớn vừa trống trải, trước mắt còn gần mười ngày nghỉ, tôi thật không biết dùng vào việc gì.

Buổi tối, Ma Lạt Thang gọi tôi ra ngoài ăn cơm. Tôi chưa nghĩ xong lý do từ chối, cô đã xổ ra một tràng:

– Tôi vừa gọi cho Lục Lệ Thành, anh ấy đồng ý rồi. Sếp còn không định tăng ca, bà bán mạng vừa vừa thôi.

Tôi chỉ còn nước cùng Lục Lệ Thành “tình tứ” đi ăn cơm. Trông thấy tôi, Ma Lạt Thang không nói một lời, đưa ngay chai bia:

– Bây giờ bà càng lúc càng cao giá, hẹn ăn cơm còn khó hơn lên trời.

Tôi mở chai bia, tu một ngụm hết nửa chai. Ma Lạ Thang mới tạm bằng lòng:

– Tóm lại gần đây bà bận bịu những gì? Bố mẹ không định ăn Tết ở Bắc Kinh, đâu cần bà tất bật sắm sửa giúp.

Tôi trỏ Lục Lệ Thành, “Hỏi anh ấy!”. Chắc Ma Lạt Thang đã biết mối quan hệ gượng gạo giữa Tống Dực và Lục Lệ Thành, nên động đến công việc thì cô không tiện hỏi nhiều nữa, chỉ đánh phồng mang trợn mắt:

– Bận đến đâu cũng phải ăn Tết chứ?

Tôi nói:

– Chắc ngày mai thì hoàn tất mọi việc. Buổi chiều đồng nghiệp bắt đầu giải tán, người về quê người đi du lịch.

– Còn bà? – Ma Lạt Thang sốt sắng nhìn tôi.

– Tôi à? Tôi ăn sủi cảo, xem chương trình tất niên.

Ma Lạt Thang phì một hơi ra đằng mũi, vẻ khinh thường:

– Đi Hải Nam với bọn tôi! Vé máy bay, phòng khách sạn đều không phải lo.

Cô đưa ảnh khách sạn cho tôi xem, bờ cát trắng mịn, nước biển xanh biếc, hoa nở đỏ thắm, phục vụ mặc saree tha thiết mỉm cười tươi tắn đón chào. Ma Lạt Thang giở vào các trang trong:

– Thấy không? Bể bơi liền với biển, đến Tết ở Bắc Kinh lạnh giá, chúng ta thì sưởi nắng bên bờ cát, uống cocktail, ngắm nghía nam thanh nữ tú, buổi tối ra biển bơi dưới trăng. Mạn Mạn, trước đây bọn mình từng hẹn sẽ cùng đi lặn ở Hải Nam mà.

Tôi liếc Tống Dực, trên khuôn mặt anh vẫn là nụ cười ngàn năm không phai. Tôi cúi xuống, giả vờ chăm chú xem catalogue, trong lòng tính toán cách từ chối. Thấy tôi im lặng, Ma Lạt Thang lại làm công tác tư tưởng với Lục Lệ Thành:

– Sao? Bốn người cùng đi chơi, thú vị lắm đấy!

Lục Lệ Thành mỉm cười:

– Tôi rất muốn đi, nhưng tôi đã hứa với nhà là Tết năm nay sẽ về. Người đất quê coi trọng truyền thống tết nhất và cúng giỗ tổ tiên. Đã hai Tết rồi tôi vắng mặt, năm nay không thể không về được nữa.

– Ồ! – Ma Lạt Thang thoạt tiên thất vọng, rồi sau phật ý – Thế Mạn Mạn thì sao? Nếu chúng tôi không rủ cô ấy đi Hải Nam, anh định bỏ cô ấy một mình ở Bắc Kinh ư? Anh quá đáng thế? Cũng may Mạn Mạn còn có chúng tôi…

Tôi sực nghĩ ra bèn nói luôn:

– Dĩ nhiên là không phải rồi. Thật ra…thật ra…tôi sẽ theo về nhà anh ấy ăn sủi cảo, xem chương trình tất niên, chỉ tại…chỉ tại ban nãy xấu hổ nên không nói.

Lục Lệ Thành ngoảnh sang, tôi mỉm cười với anh ta, mắt lộ vẻ van vỉ. Anh bèn mỉm cười nắm bàn tay tôi đang đặt trên bàn:

– Phải đấy! Cô ấy vốn tính cả thẹn mà chúng tôi vẫn chưa quyết định được là nên báo cáo thế nào về chuyện hai đứa với bố mẹ cô ấy, nên muốn giữ bí mật.

Tôi yên tâm, cúi mặt xuống, đẩy hết rắc rối cho Lục Lệ Thành giải quyết. Ma Lạt Thang quả nhiên mất vui, nổi giận đùng đùng chỉ trích tôi cái tội giấu cô việc lớn như vậy. May mà Lục Lệ Thành ăn được nói được, Tống Dực cũng chẳng phải vừa, hai siêu nhân đó cùng dỗ dành xoa dịu một mình cô, cuối cùng Ma Lạt Thành vui vẻ chúc cho chúng tôi thuận buồm xuôi gió.

– Hai người định bao giờ đi?

Lục Lệ Thành ngập ngừng một lát mới nói:

– Sáng ngày kia bay.

Ma Lạt Thang hào hứng rủ Tống Dực:

– Chuyến của mình là hơn sáu giờ chiều, vậy buổi sáng đi tiễn họ nhé?

Tống Dực đăm đăm nhìn Ma Lạt Thang, mắt ngập tràn thương yêu:

– Được.

Tôi vội ngăn Ma Lạt Thang:

– Không cần, không cần đâu!

– Không sao mà. Ngày mai tôi bắt đầu nghỉ rồi, đằng nào cũng rảnh rỗi, tôi với Tống Dực sẽ ra tiễn hai người, quyết định vậy đi.

Tôi trừng mắt nhìn Ma Lạt Thang, vừa bất lực vừa uất ức. Trời ạ, Tết nhất đấy! Đừng nói tôi không muốn về nhà Lục Lệ Thành, mà dù có muốn cũng không bói đâu ra vé máy bay giờ này. Lục Lệ Thành bóp tay tôi ngụ ý trấn an, cười nói:

– Cung kính không bằng tuân mệnh, vừa may tôi rất nhiều hành lý.

– Không thành vấn đề. Tống Dực trông thư sinh mảnh mai, thật ra khỏe lắm! – Ma Lạt Thang hết sức hào phóng, dáng vẻ rõ là “Này người anh em, đừng coi bọn tôi là người ngoài chứ!”.

Trong bữa cơm, Tống Dực im lặng một cách ôn hòa, tôi im lặng một cách thấp thỏm. Lục Lệ Thành và Ma Lạt Thang thì cười nói rôm rả. Tôi phát hiện ra một hiện tượng vô cùng kỳ lạ: Ma Lạt Thang rất thích bốn người chúng tôi tụ họp với nhau. Nhưng hễ tụ họp là Tống Dực và tôi đều không lên tiếng, cô và Lục Lệ Thành lại cười đùa luôn miệng, người ngoài không biết có khi còn tưởng tôi và Tống Dực là kỳ đà cản mũi, mà bọn họ mới là một đôi.

Ăn xong, tôi nhìn theo cho đến khi hai người lên taxi, rồi quay lại nhớn nhác hỏi Lục Lệ Thành:

– Làm thế nào đây? Làm thế nào? Vì sao ban nãy anh không từ chối Ma Lạt Thang? Vì sao?

Lục Lệ Thành cau mày:

– Giờ cô sung sức nhỉ? Ai vừa rồi giả câm thế?

Tôi vò tóc bứt tai, chỉ muốn đập đầu chết quách:

– Tôi nói gì được? Tính Ma Lạt Thang xưa nay vẫn vậy, cứng cỏi bướng bỉnh xốc nổi, nếu tôi cũng găng không để cô ấy đi, nhất định cô ấy sẽ chất vấn, “Ý bà là sao?”

Lục Lệ Thành mở cửa xe đẩy tôi vào. Tôi ôm đầu đau khổ nghĩ cách giải thích với Ma Lạt Thang, hình dung cảnh tượng sáng ngày kia, tôi không rét mà run. Nếu Ma Lạt Thang phát hiện ra tôi không về nhà Lục lệ Thành, phát hiện tôi không có vé máy bay, phát hiện tất cả đều là dối trá, phát hiện tôi quanh co chỉ vì không muốn đi Hải Nam chơi với cô… Trời ơi!

Tôi đang ôm đầu khổ sở thì nghe thấy Lục Lệ Thành vừa lái xe vừa gọi điện thoại:

– Tôi Lục Lệ Thành đây, tôi muốn đổi vé mày bay, ừ, đổi. Một người, về chiều mai, tôi muốn đổi sang sáng ngày kia, với lại, thành hai vé nhé! Tôi biết đang lúc vận chuyển Tết nhất, tôi biết vé rất căng… Tôi nhất định cần hai vé, tôi đã cố ý dời ngày lại để các anh có thời gian chuẩn bị rồi, nếu các anh vẫn không có hai vé cho tôi, thì phiền các anh hủy luôn thẻ hội viên của tôi đi.

Lục Lệ Thành ngắt điện thoại, mấy phút sau điện thoại reo, anh ta không buồn ngó ngàng, đợi điện thoại reo một lúc mới bắt máy, cười nói:

– Giám đốc Trần, chào anh! Ừ, đúng, vì chuyện vé đấy! Xin lỗi khiến anh phải gọi lại lúc khuya khoắt thế này. Tất nhiên không rồi, được, không sao, ra Giêng đi ăn, nhưng phải để tôi mời. Có gì đâu! Cảm ơn anh! – Ngắt điện thoại, nói gọn lỏn – Vé sáng ngày kia, cô chuẩn bị hành lý đi.

Tôi thở phào một hơi, cuối cùng cũng thoát nạn, nhưng mà… khoan đã! Tôi phải về quê Lục Lệ Thành à? Tôi lại bắt đầu nhức óc. Thấy tôi cứ vần vò tóc tai. Lục Lệ Thành ôn tồn nói:

– Cô đừng nghĩ mọi chuyện theo hướng phức tạp. Phong cảnh quê tôi đẹp lắm, coi như du ngoạn đồng rừng vậy!

Tôi chỉ còn nước ôm đầu rên rẩm.

Tôi và Ma Lạt Thang gạt nước mắt chào nhau ở sân bay, cô những tưởng tôi căng thẳng lo lắng không nỡ rời cô, nên cứ kéo tôi lại thì thào trò chuyện, dặn tôi phải dĩ bất biến ứng vạn biến!

Tôi rưng rưng nước mắt lên máy bay, Lục Lệ Thành trông thấy cũng nản.

– Cô đổi vẻ mặt khác được không? Ai không biết lại tưởng tôi bức gái nhà lành vào lầu xanh.

Tôi có cái thói là hễ hồi hộp thì miệng lưỡi khô ran, cứ tu nước ừng ực, mà uống nước chỉ lợi tiểu, thành thử tôi cứ ngồi xuống đứng lên, ra ra vào vào suốt. Vì là khoang thương gia nên tiếp viên phục vụ rất chu đáo, tận tình đến gần hỏi có phải tôi khó ở trong người không. Giọng Lục Lệ Thành vọng ra từ sau tờ báo:

– Các cô mang cho cô ấy ít nước thôi, đừng để ý đến cô ấy nữa, cô ấy tự khắc sẽ ổn cả.

Tiếp viên ngạc nhiên. Tôi kéo tờ báo của Lục Lệ Thành xuống để mặt anh ta phơi ra trước mọi người. Định giả vờ không quen biết tôi à, đừng có nằm mơ!

Tôi ảo não nhìn tiếp viên:

– Cho tôi một chai nước nữa được không?

Tiếp viên liếc Lục Lệ Thành rồi đi lấy nước cho tôi. Lục Lệ Thành rắp tâm lấy báo che mặt lần nữa, tôi liền giằng luôn tờ báo:

– Đừng làm bộ làm tịch! Hay là anh ở nhà anh, tôi ra ở khách sạn, anh ăn Tết, tôi coi như đi du lịch…

– Nhà tôi cách sân bay khoảng sáu bảy tiếng đi xe. Nếu cô có sức, tôi khuyên cô nên nghỉ ngơi nhiều vào.

Á? Thế này, thì ra xuống máy bay chưa cần gặp người nhà anh ta ngay hả? tôi lập tức duỗi chân duỗi tay, miệng cũng không khát nữa. Tiếp viên mang nước đến, tôi bèn đưa cho Lục Lệ Thành:

– Thưởng cho anh.

Lục Lệ Thành đón lấy, đặt sang một bên:

– Bố mẹ cô đi chơi vui không?

– Rất vui! – Nhắc tới bố mẹ là tôi chỉ muốn cười – Hôm qua tôi vừa nói chuyện qua điện thoại với hai cụ. Tinh thần hào hứng lắm!

Tôi tươi tỉnh kể cho anh ta nghe những chuyện vui vui về bố mẹ tôi, khoe tài nấu nướng kinh thiên động địa của mẹ, phong tư tài mạo của bố. Lục Lệ Thành mỉm cười lắng nghe, thời gian bay trôi đi khá nhanh.

Ra khỏi sân bay, Lục Lệ Thành vửa đi vừa gọi điện thoại, một chàng trai chừng hai mươi xuất hiện trước mặt chúng tôi, cao lớn khôi ngô, làn da ngăm ngăm. Cậu tiến tới ôm chầm lấy Lục Lệ Thành, nhưng mắt cứ liếc tôi, cười toe toét. Một tay cậu ta xách toàn bộ hành lý của tôi, lại xách cả hành lý của Lục Lệ Thành.

Lục Lệ Thành đưa tôi cầm chai nước rồi giới thiệu người mới tới:

– Đây là Lưu Hải Đào con trai chị tôi, cháu gọi tôi bằng cậu. Tên ở nhà là Đào Tử, cô cứ gọi Đào Tử là được. Đây là Tô Mạn, là… là… bạn cậu.

Lưu Hải Đào gọi luôn “Cô Tô”, mắt rực sáng vui vẻ. Tôi loạng choạng, suýt chút nữa ngã dúi, cũng may Lục Lệ Thành tinh mắt nhanh tay đã đỡ giúp. Tôi khát khô cả miệng, rất khó tiếp nhận thực tế này, bèn uống một lèo mấy ngụm nước, trông theo cậu thanh niên đang ngẩng đầu sải bước phía trước:

– Câu ta bao nhiêu tuổi rồi?

– Hai mươi. Chị tôi hơn tôi tám tuổi, con gái nông thôn đều lấy chồng sớm.

– Anh không nói là có người ra đón.

– Cô không hỏi.

Tôi nhỏ giọng cằn nhằn:

– Anh có biết bao nhiêu em thực tập ở công ty xấp xỉ tuổi cậu ấy, tôi đều coi bằng vai phải lứa không? Đang yên đang lành bị một người lớn tướng thế gọi là “cô”, thật sự cần một trái tim quả cảm đấy!

Lục Lệ Thành cười hỏi:

– Vậy cô muốn nó gọi là gì? Chị Tô à?

Tôi phát ớn lạnh, vội vã xua tay.

Đào Tử đi xe cỡ nhỏ loại hai chức năng vận chuyển và làm đồng, thùng sau chất linh tinh đồ đạc. Cậu ta lấy một túi nhựa bỏ hành lý của tôi vào bọc lại rồi đặt lên xe, tôi vội can:

– Không cần đâu, không cần. Chẳng có gì quý giá cả.

Nhưng cậu ta lanh chân lẹ tay, vừa trò chuyện vớ Lục Lệ Thành vừa thu xếp ổn thỏa hết rồi. Tôi lên xe, nhận ra nội thất rất sạch sẽ, không có vẻ gì là xe cũ. Đào Tử cười hì hì:

– Trước khi ra đây mẹ con đã bắt phải rửa xe, lại thay một loạt đệm mới.

Tôi cười nói với Lục Lệ Thành:

– Chị anh rất coi trọng anh nhỉ!

Đào Tử nháy mắt với Lục Lệ Thành:

– Người mẹ con coi trọng không phải là…

Lục Lệ Thành đập bốp vào gáy cậu ta:

– Lái xe đi.

Đào Tử vừa lái xe vừa nói:

– Cô Tô ạ, trên chỗ ngồi có một cái chăn sạch đấy, lát nữa nếu có mệt thì chợp mắt một lát. Dưới gầm ghế có nước và bánh quy, cả ô mai mơ nữa, sợ cô không quen xe này lại bị say, ăn chút chua vào sẽ trấn được cảm giác nôn nao.

Tôi cắn phải lưỡi:

– Cháu có bạn gái rồi à? Sao chu đáo thế!

Lục Lệ Thành cũng đưa mắt liếc Đào Tử. Cậu ta đỏ bừng mặt:

– Chưa ạ, chưa! Cậu còn chưa giải quyết xong, cháu đâu dám…

Đào Tử lại ăn thêm cái đập vào gáy, cậu ta không dám tỏ thái độ với Lục Lệ Thành, đành phân bua với tôi:

– Cô ạ, thấy cháu tội nghiệp không? Từ nhỏ tới lớn, cháu toàn bị cậu bắt nạt vậy đó! Đây là lí do khiến cháu thà chết chứ không xuống Bắc kinh học đại học.

Tôi cười:

– Thế cả thôi. Ở công ty tôi cũng bị anh ấy ức hiếp tàn tệ.

Đào Tử là người hoạt bát hay chuyện, đang học năm thứ ba Đại Học Nông Nghiệp Tây Nam. Lục Lệ Thành với cậu ta giống bạn bè nhiều hơn là cậu cháu, tôi nói cười một lúc, cảm giác gò bó khi mới gặp dần dần giảm bớt.

Vào tới cung đường ven núi, càng lúc càng khó đi, con đường quanh co ngoằn ngoèo này chỉ chạy được một làn xe, đôi chỗ dính sát ra miệng vực, thi thoảng có xe chạy ngược chiều phải nhường đường. Tôi nhìn mà kinh hồn táng đởm, Lục Lệ Thành trấn an:

– Đào Tử mười lăm mười sáu tuổi đã bắt đầu lái xe, giàu kinh nghiệm rồi, mà nó vẫn chạy đường này suốt. Đừng lo!

Đào Tử cũng nói:

– Cô đừng căng thẳng, đường ven núi trông thì nguy hiểm, nhưng thời tiết tốt chẳng mấy khi xảy ra tai nạn đâu, vì lái xe tập trung cao độ mà. Ngược lại chính đại lộ bằng phẳng mới hay gặp sự cố, câu này không phải nói bừa, có số liệu khoa học chứng minh đấy ạ!

Nhân một lúc dừng ở chỗ tránh xe nhường đường, Lục Lệ Thành chuyển sang ngồi ghế sau với tôi, trỏ núi non xung quanh mà thong thả giới thiệu, bắt đầu từ “Sớm rời Bạch Đế giữa mây màu” của Lý Bạch, chỉ cho tôi xem sông Gia Lăng dưới chân núi:

– Đây chính là con sông mà Lý Bạch đi thuyền qua.

Dòng nước biếc cuộn trong hẻm núi, hai bên bờ tùng mọc xanh um đến nỗi gần ngả màu đen. Vách dựng cheo leo trầm mặc giữa đất trời, phô bày hết dáng vẻ hoang vu hùng vĩ của núi non phương Bắc.

– Con đường chúng ta đang đi, thuở xưa lừng danh lắm đấy! Muốn vào Thục nhất thiết phải đi qua đây. Núi non rừng rậm, đường sá hiểm trở, báo và gấu đen rình rập, còn có cả hổ Hoa Nam mà bây giờ đã tuyệt chủng rồi ấy. Thời cổ đi qua đường này chẳng khác nào mạo hiểm tính mạng, vì thế Lý Bạch mới từng cảm thán, “Đường vào Thục khó, khó hơn lên trời”.

Dãy núi ôm quanh, khoanh vòm không thành một khoảng nhỏ. Chỗ chúng tôi vừa băng qua khéo sao lại lọt thỏm giữa hai quả núi, ngẩn đầu trông lên, vách đá đôi bên lừng lững như hai ông thần khổng lồ, ép trời vào còn bằng sợi chỉ.

Con đường hẹp gập ghềnh tuôn đi giữa các trái núi, trông như khuyết vào mây trắng, chẳng biết đến đâu là cùng. Lục Lệ Thành trỏ ngọn núi mây vờn bảng lảng đằng xa:

– Hướng đó là núi Chung Nam, nơi ẩn cư cuối đời của Vương Duy, cũng là nơi ông sang tác bài thơ nổi tiếng Chung Nam biệt nghiệp.

Tôi nhìn ngọn núi ngập trong lớp lớp mây mù, ngâm nga:

– Luống tuổi chuộng mùi thiền, già lên núi ở yên, hứng đưa chân lững thững, vui để lòng triền miên. Lạc đến nơi nước cạn, ngồi trông lúc mây lên, gặp ông già núi vắng, mải chuyện giờ về quên.

Lục Lệ Thành nhìn mây trắng phiêu diêu trong núi, đọc:

– Theo núi ngàn ghềnh rẽ, bám đường trăm dặm quanh, réo qua lòng đá xoáy, rọi tới sắc tùng xanh.

Nhớ năm xưa Lý Bạch chống kiếm vào Thục, Lục Du cưỡi lừa qua Quan Trung, Vương Duy hỏi vọng tiểu phu trên bến nước… bất giác thấy bồi hồi trong dạ. Lục Lệ Thành như hiểu được tâm tư của tôi, bèn trỏ một tán đại thụ trên sườn núi:

– Cây ngân hạnh kia còn tên là Hóa Thạch sống, người vùng chúng tôi thích gọi là cây bạch quả. Trông kích thước thì cũng phải hơn một nghìn tuổi rồi.

Tôi chăm chú ngắm cái cây:

– Chưa biết chừng Lý Bạch, Vương Duy, Lục Du cũng tới đều từng nhìn thấy cái cây này. Cây đẹp biết bao, chúng ta đến và đi, nó thì ở đây mãi mãi.

Lục Lệ Thành mỉm cười:

– Trong núi thẳm còn rất nhiều đại thụ giống thế. Đằng thung lũng chỗ nhà tôi có một rặng ngân hạnh lâu đời. Vì ngân hạnh toàn nở hoa về đêm, sáng ra là tàn, nên người ta thường thấy quả chứ rất ít khi thấy hoa ngân hạnh. Có điều nếu may mắn được mục kích thì đó sẽ là một cảnh đẹp hiếm gặp trong đời.

Tôi nghe mà bâng khuâng.

– Đến không đúng mùa, thật tiếc là không được ngắm.

Đào Tử cười:

– Mùa đông có cảnh đẹp của mùa đông chứ! Cháu đã đi nhiều nơi, kể về phong cảnh thì chỗ chúng cháu đây không kém bất kỳ nơi nào, non xanh nước biếc….

– Á…

Theo hướng chỉ tay của Lục Lệ Thành, tôi trông thấy dọc vách đá hiểm trở là hàng ngàn cột băng ngưng tụ từ một dòng thác. Bên những cọc băng trắng toát có một thứ gì đó đỏ mọng không rõ quả gì, thình lình nổi bật trên bạt ngàn tùng bách xanh thẫm, khiến tôi phải buột miệng thành tiếng kêu thảng thốt. Đào Tử cười đắc ý:

– Cháu nói đúng, phải không?

Tôi tán thưởng:

– Đẹp quá đi mất.

– Ở chỗ chúng cháu đây, giao thông bất tiện khiến công nghiệp không phát triển, nhưng cũng nhờ không có ngành công nghiệp nào cả nên mới không có ô nhiễm, non nước vẫn nguyên sơ mộc mạc – Đào Tử không tiếc lời lẽ ca ngợi, đủ thấy trong lòng tràn ngập tình yêu thắm thiết với quê hương.

Mùa đông thường tối sớm, chúng tôi lại đang ở giữa núi non, năm giờ đúng trời đã tối mịt, cảm giác mệt nhọc dần dần xâm chiếm cơ thể, Lục Lệ Thành khẽ nói:

– Cô hẵng nghỉ đi một lát, tới nơi tôi gọi.

Tôi lắc đầu:

– Còn bao lâu nữa?

Đào Tử trả lời:

– Còn hơn một tiếng. Chắc lát nữa điện thoại sẽ bắt được sóng, có thể gọi báo trước cho nhà…

Cậu còn chưa dứt lời, nhạc chuông của tôi đã cất lên, tiếng hát Lâm Ức Liên vang vọng trong xe.



Gió lồng lộng tràn qua đồng dã…đợi trùng phùng thỏa ước mong, tim rung động lại sóng lòng trào dâng. Dù mấy kiếp vòm không vẫn thế, cũng như ta chẳng thể thờ ơ… lãng quên thật khó hững hờ chẵng xong. Như lớp lớp trùng dương mải miết, như êm đềm băng tuyết đã tan, để lòng lắm nỗi xốn xang…

Nghe thấy bài hát, Lục Lệ Thành đưa mắt nhìn sang. Tôi luống cuống lục túi tìm điện thoại, mãi mới thấy nó trong ngăn giữa, liền vội vàng bắt máy, “A lô!”

– Cuối cùng đường dây cũng thông, cứ báo ngoài vòng phủ sóng suốt, làm tôi tưởng là Lục Lệ Thành đem bán bà đi rồi. Nhưng lại nghĩ bà như thế, sắc chẳng có duyên thì không, ai mà thèm! – Ma Lạt Thang chẳng bao giờ quên dìm hàng tôi.

– Có chuyện thì nói, không chuyện thì nghỉ. Tưởng điện thoại tôi nhận đường dài không tốn tiền hả?

– Đến nơi chưa?

– Vẫn trên đường.

– Trời ơi! Hai người bay lúc bảy giờ sáng cơ mà, nhà anh ta hẻo lánh thật đấy!

– Trên đường phong cảnh đẹp như tranh, khiến người ta nhìn không chớp mắt.

– Hồi hộp không?

Tôi ngẫm nghĩ một lát, rồi mắng:

– Đồ hâm! Tôi vốn dĩ đã quên, tự nhiên bà nhắc làm tôi lại bắt đầu hồi hộp đây này!

Ma Lạt Thang cười khanh khách:

– Chỉ ra mắt bố mẹ chồng tương lai thôi mà. Đừng căng thẳng, dù nhà họ Lục người đông thế mạnh, chúng ta cũng không kém. Gia đình anh ta mà dám bắt nạt bà, tôi và Tống Dực sẽ đến san bằng nhà họ.

– Hơn sáu giờ bà phải bay rồi còn gì? – Tôi hỏi – Không đi ăn cơm à? Rảnh rỗi mà nấu cháo điện thoại với tôi thế sao?

Ma Lạt Thang nín lặng, tựa hồ có điều muốn nói, nhưng rồi lại thôi. Tôi im lìm đợi một lúc lâu, cô mới tiếp tục:

– Tôi chỉ gọi hỏi xem bà có an toàn không, chẳng có việc gì quan trọng cả. Cúp đây!

– Khoan đã! – Tôi ngẫm nghĩ, rồi dặn – Tôi để điện thoại mở, khi nào muốn nói thì cứ gọi.

Ma Lạt Thang “ừ” khẽ:

– Mạn Mạn, bao nhiêu ngày tới không gặp được bà, tôi sẽ nhớ bà lắm đó!

Tôi hớp hơi, ra ý ghê răng vì lời lẽ của cô:

– Khẩu thiệt vô bằng, mua nhiều quà cho tôi mới gọi là bằng chứng thép.

Ma Lạt Thang ngắt máy. Tôi cầm điện thoại, đờ người, Đào Tử cười hỏi:

– Bạn thân của cô ạ?

– Ừ.

Trông thấy vẻ mặt hí hởn của Đào Tử, sực nhớ điện thoại mình bị rò tiếng, tôi chật vật giải thích:

– Bạn tôi mắc chừng tâm thần chu kỳ, lời cô ấy cháu đừng tưởng thật, tôi với cậu cháu… Chúng tôi chỉ là bạn bè bình thường thôi.

– Cháu biết! – Đào Tử cười – Cháu biết mà.

Cậu ta cười tinh quái. Càng giấu đầu càng hở đuôi, tôi kiên quyết ngậm miệng.

Hơn sáu giờ, cuối cùng cũng đến được nhà Lục Lệ Thành. Xe còn cách sân một đoạn, đã nghe chó sủa nhặng xị người quát tháo. Thấy trong sân lố nhố đầy người, tôi bắt đầu bủn rủn hai chân:

– Thật ra nhà anh có bao nhiêu người? Tôi nhớ anh chỉ có một chị một anh thôi mà.

Lục Lệ Thành cũng bối rối:

– Nhiều người là họ hàng. Ở nông thôn tính ưa náo nhiệt, đây là một cách để họ thể hiện sự thân thiện thôi.

Xe dừng lại, anh ta khẽ dặn:

– Không sao đâu, cứ giữ nụ cười xã giao là được, những việc khác để tôi ứng phó.

Tôi gật đầu. Lục Lệ Thành xuống xe, đám đông bèn xúm cả lại, kẻ nói kẻ cười người đưa thuốc, tôi không hiểu câu nào, chỉ biết họ rất hoan hỉ. Lục Lệ Thành chào hỏi từng người một. Tôi nở nụ cười, run rẩy chui ra khỏi xe, chưa đứng vững đã thấy một con chó vàng to tướng lao tới sủa ăng ẳng. Tôi vốn sợ chó, trông bộ nanh nhọn hoắt của nó càng hồn xiêu phách lạc, kêu ré lên một tiếng chạy nhào đến Lục Lệ Thành. Anh ta đang nói chuyện, nghe tiếng tôi hét thì quay phắt lại, đón tôi vào lòng, Đào Tử chắn trước mặt con chó, quát mắng nó, có người vội vã lấy dây thừng buộc nó sang một bên.

Tôi vẫn sợ mất vía, Lục Lệ Thành vỗ vỗ lưng tôi dìu vào nhà:

– Không sao đâu, không sao, xích nó lại rồi.

Đợi hết sợ, tâm trạng đã yên yên, tôi mới ngẩng mặt lên. Mọi người trong nhà đều cười tít mắt nhìn tôi, có hai đứa trẻ núp sau lưng người lớn dòm trộm tôi, đứa bé trai còn lén vung tay mô tả điệu bộ xấu hổ. Tôi đỏ bừng cả mặt, chỉ muốn kiếm lỗ nẻ mả chui xuống. Đào Tử cười với tôi mặt mày rạng rỡ, dáng vẻ như muốn nói “Quan hệ giữa cậu cháu và cô bình thường thật đấy!”

Một phụ nữ lớn tuổi tóc hoa râm cứ nhìn tôi cười hoài. Lục Lệ Thành dắt tôi đến gần chào hỏi. Tôi không hiểu tiếng bà nói, nhưng hiểu được thiện cảm bà dành cho mình qua nụ cười kia. Tôi lễ phép chào “Bác ạ”, rồi đưa biếu bà món quà tôi đã chuẩn bị. Bà lấy một phong bao đỏ định đưa cho tôi, tôi chưa biết nên làm thế nào cho phải thì Lục Lệ Thành hạ giọng nói mấy câu, bà liền cất phong bao đi, chỉ nhìn tôi mà cười. Tôi thở phào, cũng cười lại với bà.

Lục Lệ Thành tiếp tục giới thiệu anh rể, anh trai, chị dâu, cháu trai và cháu gái anh ta với tôi. Cháu trai chính là bé trai vừa lén chế giễu tôi, tên ở nhà là Miêu Miêu. Đào Tử dặn nó gọi tôi là “cô Tô”, nó tùy tiện sửa thành “cô thỏ đế”. Cả nhà muốn cười, nhưng sợ tôi phật ý nên kìm lại, bảo Miêu Miêu phải sửa sai, nó bĩu môi không chịu:

– Cô thỏ đế còn nhát gan hơn Miêu Miêu, sau này cô ấy là đồ con thỏ đế, con không phải.

Tinh Tinh chị nó tốt bụng giải thích cho tôi:

– Miêu Miêu rất dát, buổi tối không dám ra sân chơi một mình, mọi người đều gọi nó là đồ thỏ đế.

Trong nhà cười rộ, ngoài nhà cười vang. Đào Tử chia thuốc và dỡ hàng hóa trên xe xuống cho mọi người. Bà con đến chung vui lục tục giải tán, sau cùng chỉ còn lại gia đình Lục Lệ Thành.

Chị gái dưới bếp đi lên, gọi mọi người vào ăn cơm, lại tận tình đến tận chỗ tôi chào hỏi. Bà mẹ ngồi ghế giữa, bên phải là Lục Lệ Thành, bên trái là anh trai. Anh hai bảo tôi ngồi cạnh Lục Lệ Thành, dặn rằng:

– Cô muốn dùng gì, muốn ăn gì, cứ nói với Thành Tử.

Không rào đón nhiều, mà lại là cách thu xếp thiết thực nhất.

Anh rể và chị dâu không thạo tiếng phổ thông, vì thế trong lúc ăn cơm chỉ mỉm cười. Chị gái thì nói tiếng phổ thông rất chuẩn, nhìn qua đủ biết mẫu người tháo vát. Đào Tử hiển nhiên là người giống mẹ.

Tôi lặng lẽ ăn cơm, chị dâu định gắp thức ăn cho tôi, chị gái bèn cười nhắc:

– Người thành phố không thích thế đâu, không thích ăn những miếng mà người khác đã động đũa đến.

Miệng thì nói như vậy, nhưng mắt lại nhìn Đào Tử. Cậu ta cười gật đầu:

– Người thành phố tương đối khó tính trong chuyện này.

Cậu ta còn trẻ nhưng lời nói xem chừng rất có sức nặng. Chị dâu Lục Lệ Thành ngượng nghịu thả thức ăn vào bát mình, trỏ đĩa cười nói:

– Cô ăn!

Tôi gật đầu, lập tức gắp liền mấy miếng vào bát, Lục Lệ Thành đứng lên, sẻ những món tôi không với tới ra một cái đĩa, đặt lại bên tay tôi:

– Cô chọn những món hợp khẩu vị mà ăn, còn lại tôi sẽ giải quyết.

Thật kỳ quặc! Tôi những tưởng mình sẽ gò bò khi ở giữa bao nhiêu ngưởi lạ, nhưng không ngờ tôi lại rất thoải mái thư thái, thậm chí còn cảm nhận được sự đầm ấm, khi một đại gia đình quây quần quanh mâm cơm.

Lục Lệ Thành chủ yếu nói chuyện với anh hai, thi thoảng anh rể góp lời, ba người thường xuyên cụng bát rượu. Bà mẹ thì tủm tỉm nhìn tôi suốt, hễ thấy thức ăn trong đĩa tôi vơi là lại gọi Lục Lệ Thành. Cứ thế nhiều lần, tôi dần dần nghe rõ cách bà phát âm tên con trai.

Chị gái chú ý theo dõi câu chuyện của mấy người đàn ông, đôi lúc đưa ra ý kiến riêng. Lục Lệ Thành và anh hai hiển nhiên là rất tôn trọng chị, mỗi lần chị cất tiếng, hai người đều dừng lời, chăm chú lắng nghe. Chị dâu hoàn toàn bàng quang với mấy người đàn ông, chỉ lo săn sóc Miêu Miêu. Miêu Miêu ăn cơm, nhưng thừa lúc mẹ không chú ý lại nhăn mặt trêu tôi. Tinh Tinh đã mười tuổi, nói năng lanh lợi, vừa ăn vừa đấu khẩu với Đào Tử, cao hứng thì gọi “anh cả”, không vui thì gọi “Lưu Hải Đào”. Nhưng nhỡ gặp miếng thịt mỡ không muốn ăn thì dù đang gọi thẳng tên tục đi nữa, cô bé vẫn đưa cho Đào Tử để cậu ta cắn giúp phần thịt mỡ, còn thịt nạc mình ăn. Đào Tử đáp ứng rất thuần thục, rõ ràng đã quen chăm sóc cô em này rồi.

Xong bữa cơm, Lục Lệ Thành đưa tôi về buồng:

– Hơi lạ phải không? Bao nhiêu người như vậy cùng ăn cơm.

Tôi cười:

– Tôi ngưỡng mộ lắm! Thật đấy! Hồi nhỏ tôi toàn ước được như Tinh Tinh, có một người anh trai. Lớn tướng rồi vẫn còn mè nheo “Mẹ đẻ anh cho con đi!”. Khi hiểu ra không thể nào có anh được nữa, lại vòi vĩnh em trai. Mãi về sau, ý thức được là không có anh em nào để yêu thương mình cả, đành hy vọng gặp được người chồng hết lòng với mình thôi. Lục Lệ Thành, anh thật là người may mắn.

Lục Lệ Thành gật đầu đồng ý:

– Chị và anh tôi từ nhỏ đến lớn đều rất thương tôi. Anh em ở nông thôn chẳng mấy nhà không đánh nhau, nhưng ba chị em tôi chưa bao giờ sửng cổ với nhau cả.

Giúp tôi đặt hành lý xuống xong, thấy tôi lấy đồ vệ sinh cá nhân ra, anh ta áy náy nói:

– Tắm rửa hơi bất tiện. Người trong nhà đều không quen dùng điều hòa, phòng này dành riêng cho tôi nên là phòng duy nhất có điều hòa. Muốn đến nhà tắm cũng phải xuống tầng dưới, nó không liền với nhà, mà là một gian riêng biệt ở bên cạnh nhà chính, sẽ hơi lạnh đấy!

– Không sao đâu, tôi chỉnh nước nóng hơn một chút là được mà.

Vòi nước nóng lúc mạnh lúc yếu, rất phập phù, nhưng được tắm nước nóng đã là hơn xa sự tưởng của tôi rồi. Nhà tắm thiết kế tương đối đặc biệt, không lát gạch men như dưới thành phố mà lát xi măng gắn đá cuội, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tận dụng tài nguyên, lại rất mỹ quan. Tôi tắm và tự hỏi, miền quê này đều như vậy, hay chỉ mình nhà Lục Lệ Thành đặc biệt thế thôi?

Tắm xong mở cửa, gió lạnh thốc ngay vào mặt, tôi chưa kịp rùng mình thì Lục Lệ Thành đã lấy áo bông bọc kín quanh tôi, trùm khăn lông lên tóc tôi, kéo tôi chạy thật nhanh vào nhà.

Trong nhà im ắng, tôi hỏi:

– Mọi người đều ngủ cả rồi à?

– Ừ, vợ chồng con cái chị tôi về rồi, vợ chồng anh trai thì đã đi nghỉ. Ở quê hay ngủ sớm, mùa đông cứ bốn, năm giờ chiều là ăn cơm, thông thường tám giờ hơn là đi ngủ. Hôm nay đợi chúng ta về nên cũng đã muộn.

– Anh ngủ ở đâu?

– Ngay bên buồng cô, vốn dĩ là phòng làm việc, tạm thời nhờ anh tôi xếp cho cái giường. – Anh ta bước đến bên tủ, kéo một cánh cửa trượt. – Hai phòng thông nhau, cửa này không có khóa, nhưng cô yên tâm, cô không gọi thì tuyệt đối tôi không tự tiện xông vào đâu.

Tôi cười:

– Tôi không phải mỹ nhân, có gì mà không yên tâm chứ?

Anh ta cười theo, đưa máy sấy tóc cho tôi:

– Đây là của chị dâu tôi, chị ấy vừa đem sang, nhưng cô phải ráng sấy tóc thật khô hẵng ngủ. Ở đây không có hệ thống sưởi như thành phố, ngủ mà để tóc ẩm là rất dễ cảm mạo đau đầu.

Tôi cũng thấy vậy, trong lúc lên gác da đầu đã tê tê rồi, bèn cảm kích nhận lấy sấy tóc:

– Chị dâu anh dễ mến quá!

Lục Lệ Thành ngồi xuống ghế đẩu, mỉm cười nhìn tôi:

– Người một nhà thường giống nhau. Tôi có thể coi câu cô nói như lời khen ngợi dành cả cho tôi chăng?

Tôi nhăn mặt trêu anh qua gương:

– Anh không đi tắm à?

– Đi bây giờ đây.

Sấy khô tóc rồi, tôi thay sang áo bông của mình. Đoán chừng Lục Lệ Thành đã tắm xong, bèn cầm áo bông của anh ta đến nhà tắm đứng đợi. Lục Lệ Thành trở ra, không ngờ tôi đứng đó nên có phần kinh ngạc. Tôi khoác áo lên mình anh ta:

– Anh cũng nên cẩn thận, nóng lạnh đột ngột rất dễ cảm đấy!

Anh ta vừa mặc áo bông vừa vui vẻ hỏi:

– Có lạnh không?

Tôi hà hơi ra không khí, một luồng khí trắng lững lờ tản mát:

– Hà hơi thành sương này!

Chúng tôi khẽ khàng đi vào nhà. Lục Lệ Thành trỏ từng phòng:

– Mẹ tôi đi lại không tiện nên ở tầng dưới. Vợ chồng anh tôi cũng ở tầng dưới, Miêu Miêu vẫn ngủ chung với bố mẹ, Tinh Tinh thì ngủ đối diện phòng bọn mình. Bình thường, hễ cô cần gì mà tôi vắng mặt, cứ nhờ Tinh Tinh lấy giúp.

Vào đến phòng điều hòa, tôi cảm thấy ấm áp hẳn lên, cuối cùng cũng cởi áo bông to sụ ra được rồi. Lục Lệ Thành hỏi:

– Ngủ chứ?

Tôi trỏ đồng hồ treo tường:

– Anh đùa à? Sớm thế này nhắm mắt sao được? Còn anh?

– Hàng ngày một, hai giờ tôi mới ngủ là chuyện thường.

Không vô tuyến, không máy tính, không mạng méo, hai người thành phố ngồi nhìn nhau. Nhìn lom lom một hồi, Lục Lệ Thành quay qua phòng làm việc lục lọi rồi mang ra một bộ cờ tướng:

– Cô biết đánh không?

– Tôi xem bố đánh cờ từ lúc ba tuổi kia!

Chúng tôi ngồi khoanh chân trên giường, chuẩn bị sát phạt. Tôi vừa xếp quân vừa nói:

– Phòng tắm nhà anh đặc biệt thật đấy, là anh thiết kế phải không?

– Tôi chỉ đưa ra yêu cầu, là xây nhà thì phải xây phòng tắm, còn thực hiện cụ thể là Đào Tử. Nghe nó kể thiết kế ban đầu là đặt phòng tắm trong nhà, không hiểu thế nào lại thành bên hông nhà, chắc là để tiện xử lý nước thải.

Anh ta mời tôi đi trước, tôi không khách sáo, đi pháo nước đầu, anh ta nhảy mã, chú ý giữ tốt. Tôi lập tức huy động cặp xe. Câu cửa miệng của bố tôi là, “Ba bước không xuất xe thua chắc!” Mặc kệ tôi hành động thế nào, Lục Lệ Thành bắt đầu phóng tượng, lên sĩ. Như lời bố tôi người đi cờ kiểu này hoặc lả rất siêu, hoặc là rất liều. Lục Lệ Thành chắc thuộc loại thứ nhất rồi. tôi lập tức đề cao cảnh giác, toàn lực ứng phó.

Hai mươi phút sau, tôi trừng trừng nhìn bàn cờ, không thể tin vào mắt mình, Lục Lệ Thành buồn bực hỏi:

– Tôi đã bị cô chiếu tướng rồi, cô còn nhìn cái gì?

– Anh cố ý nhường tôi phải không?

Lục Lệ Thành lắc đầu, tôi gật đầu:

– Cũng đúng, anh nào có phải quân tử hiệp sĩ gì cho cam.

– Này này! – Lục Lệ Thành cảnh cáo tôi đừng quá sấc sược.

Cuối cùng cũng xác định mình thắng chắc rồi, tôi toan cười ha hả, sực nhớ mọi người đều đang ngủ, đành nén giọng cười ằng ặc. Tôi thắng Lục Lệ Thành! Tôi thắng Lục Lệ Thành rồi!

Lục Lệ Thành nhàn nhã nói:

– Phiên bản thực tế của tiểu nhân đắc chí.

– Hứ! Tôi sẽ coi câu này là đố kỵ. Theo anh, tại sao kẻ xảo quyệt nham hiểm như Lục Lệ Thành lại chơi cờ tướng dở đến thế?

Anh ta trừng trừng nhìn tôi, tôi bèn đính chính:

– Ý tôi là người thông minh cơ trí như Lục Lệ Thành đây…

Anh ta cười nửa miệng:

– Có phải ấn tượng của cô về tôi rất tiêu cực?

Tôi vốn định hi hi ha ha cười đáp, đột nhiên phát hiện ánh mắt anh ta rất nghiêm túc, nên không dám đùa cợt bừa bãi nữa, thành thật trả lời:

– Hồi trước có chút chút, bây giờ hết rồi. Thật ra, gần đây còn làm phiền anh mãi, tôi rất biết ơn anh.

Anh ta điềm tĩnh nói, “Đi đường suốt một ngày trời, nghỉ sớm đi!” và bước về phòng làm việc nhỏ, kéo cửa lại. Tôi ngồi trơ một lúc, không đoán ra mình làm mếch lòng anh ta ở điểm nào. Sao bỗng nhiên trở mặt nhanh như vậy? Vì thế bò dậy gõ cửa.

– Chuyện gì?

– Bây giờ mà không có điều hòa chưa chắc anh đã quen. Để ngỏ cửa đi, đằng nào lúc ngủ mùa đông cũng mặc nhiều áo. Hơn nữa, để cửa mở, nếu không ngủ được chúng ta có thể chuyện gẫu với nhau.

Không thấy anh ta phản đối, tôi bèn kéo cửa ra.

Tôi tắt đèn, bò lên giường, chăn bông chắc là mới giặt, còn ngai ngái mùi nắng. Hình bóng ngập ánh dương nổi lên trước mắt tôi. Hải Nam ấm áp chứ không lạnh thế này, mặt trời cũng rực rỡ vô cùng, chắc hẳn anh sẽ mỉm cười trong nắng. Liệu có khi nào anh chợt nhớ đến tôi? Nhớ đến lúc cả hai bên nhau trong gió lạnh? Chắc là không đâu. Hải Nam ấm áp như thế, làm sao anh nhớ đến gió tuyết New York được…

– Tô Mạn…

– Ơi!

Tiếng Lục Lệ Thành khiến tôi bừng tỉnh.

– Tôi đã gọi cô mười một lần.

– Xin lỗi anh, tôi không nghe thấy.

– Cô đang nhớ Tống Dực? – Anh ta hỏi

Tôi không biết nên nói gì, hay có thể nói gì. Tôi im lặng, câu trả lời đã quá rõ ràng, anh ta cũng không hỏi thêm.

Tôi nghe giọng mình vang lên yếu ớt, bi thương, lẻ loi đến nỗi tôi không thể nào tin người phát âm ra lại chính là mình.

– Liệu anh… có khi nào chợt nhớ đến Ma Lạt Thang không? Ý tôi là… một lúc nào đó, ví dụ như trong bóng đêm, ví dụ như trên tàu điện ngầm, ví dụ như đi đường, ví dụ như nghe thấy một bài hát hoặc ăn một món…

– Nếu có nhiều “ví dụ” như vậy, thì cô nên bỏ hết “liệu” với “chợt” đi!

– Tôi chỉ muốn biết anh làm thế nào.

– Tôi không bao giờ nhớ đến Hứa Liên Sương.

Đây cũng là một cách chối bỏ vết thương trong đáy tim mình mới lành lặn lại, càng không biết cần bao lâu mới hờ hững được khi nghĩ đến anh. Tôi cố gắng lãng quên, cũng tưởng mình có thể khống chế được, nhưng một tích tắc nào đó, mọi kỷ niệm về anh lại trào lên như thủy triều, cả người liền bị dìm xuống đáy nước, bốn bề ngập ngụa những não nề và tuyệt vọng.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom