• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full HAI THẾ KỶ- -phần tiếp theo Những ngày cuối tháng 4 (6 Viewers)

  • Chương 7. TIẾNG ĐỊCH ĐÊM TRĂNG (P3)

- Mình đến đâu Phong? - Phi hỏi.

- Tòa thánh Tây Ninh. Phi này, hẳn Phi vẫn còn biết nơi đây có vài người của hội, hãy liên hệ với họ cho chúng ta có đặc quyền vào tòa thánh vào nửa đêm. Kiệt, đến lúc này cần nhờ đến khả năng đọc ẩn mã của anh. Thú thật, Phong không thể nhớ chính xác vật mà thầy đã cất giấu ở đâu, nhưng chắc chắn có nhiều biểu tượng tại tòa thánh.

- Đi nhanh thôi. - tôi nói - Kiệt hi vọng sẽ không như chúng ta nghĩ.

***

Việc tòa thánh có nhiều người của hội thì tôi không lạ, dù trong con mắt tôi lẫn nhiều người ngoại đạo đều nhìn về đạo Cao Đài như một tôn giáo nhiều ấu trĩ. Nỗ lực của đạo này không chỉ cố dung hợp ba tôn giáo lớn của phương Đông là Phật Lão Khổng, mà còn muốn dung hợp cả Công Giáo vào. Nó tạo thành một mớ hổ lốn, tạp nham. Vì tín ngưỡng người Việt cách đây một trăm năm còn nhiều sơ khai, nên việc hình thành tôn giáo đòi hỏi sự hài hòa và pha tạp của vùng đất nhiều sắc dân như miền Nam được hoan nghênh.

Nói cách khác, đạo Cao Đài có tất cả những gì tôn giáo khác có. Đặc biệt, tôn giáo này chỉ có người Việt theo.

Ba người chúng tôi nhanh chóng bước vào khuôn viên thánh thất. Phong nói với tôi.

- Khi thầy còn sống, thầy từng nói về ý nghĩa của số 3 và số 12 ở đây. Đến lúc này nhờ khả năng của Kiệt rồi.

- Nhưng không có một chìa khóa gì hết làm sao giải mã được nó? Khi xung quanh nó hằng hà sa số biểu tượng của nhiều tôn giáo khác nhau, thậm chí cả tôn giáo cổ xưa tận trời Tây?

- Phong nghĩ năm xưa thầy không cho Kiệt biết về nơi cất giấu Hệ thống chọn lựa của thầy, vì...

- Vì biết chắc anh sẽ tìm ra nó. - Phi nhanh nhẩu nói.

- Đúng vậy, - Phong nói tiếp - Đó chính là điều mà Vô Khuyết không có được, nên anh không thể tìm ra, chỉ có Kiệt mới đủ sức tìm được nó. Thầy đã từng lo lắng về Kiệt, khả năng đọc được những ẩn mã có trật tự và tìm ra ý nghĩa của trật tự đó. Nếu biết có cái gì đó ở tòa thánh này, lòng hiếu kỳ của Kiệt sẽ trỗi dậy và tìm nó.

- Những điều trên thì tôi không biết, - tôi nhìn Phi mỉm cười - Nhưng lòng hiếu kỳ và khao khát giải những bí mật thì xem ra thầy tôi đã nói đúng. Đi nào Phong.

- Không, Phi và Kiệt cứ đi tìm. Phong sẽ ở đây lo công việc của mình.

- Việc gì? - Tôi và Phi cùng hỏi.

- Hai anh đã quá say sưa trên xe, cả anh cũng vậy, Kiệt. Kiệt đã không biết rằng xe chúng ta bị theo dõi.

- Ai? - Tôi thắc mắc.

- Phong hi vọng là người quen, hãy lợi dụng ánh sáng đêm trăng này. Ngày rằm đã qua vài ngày rồi, nhưng ánh sáng của nó đủ để mọi cách nhìn đều bị lệch lạc. Tản ra.

Tôi và Phi hướng về phía Thánh thất, còn Phong lẩn vào rừng cao su. Nguyên khu đất này ban đầu trồng cao su, vì người sáng lập ra nó tránh việc cản trở của Pháp, nên đã nói rằng mua khu đất này để trồng cao su chứ không phải xây cất.

Tôi dừng lại trước cổng thánh thất.

- Phi, anh thấy gì ở hai tháp bên ngoài này?

- Nó giống như kiến trúc nhà thờ ở Pháp, cả nhà thờ đức bà ở Saigon cũng vậy.

- Đúng vậy, nó có tên gọi là Hiệp thiên đài. Còn toàn bộ tòa thánh này anh thấy nó gợi nên cái gì?

- Ngoại trừ phù điêu và những chi tiết nhỏ nhặt khác, nó khá giống nhà thờ Công Giáo.

- Đúng vậy, chìa khóa duy nhất mà chúng ta có là số 3 và số 12. Anh xem, bên hông có 3 lớp mái, mỗi lớp mái chia làm 10 mái nhỏ, hợp với đầu đuôi tòa thánh là 12. Ở lớp mái thứ năm từ phía Hiệp thiên đài đếm xuống thì xuất hiện Cửu trùng đài. Số 9. Đi tiếp 5 mái nữa là đến phần đuôi của tòa thánh, với một tháp cao tên là Bát quái đài. Số 8.

- Vậy chúng ta có những có số sau: 2 (của hiệp thiên đài), 3 (3 lớp mái), 5 (con số đi đến Cửu trùng đài), 8 (bát quái đài), 9 (cửu trùng đài), 10 (10 mái nhỏ) và 12 là tổng số từ trên xuống dưới. Nó không có ý nghĩa gì cả, trừ ba số đầu có vẻ giống chuỗi số Phibonaci.

- Không có ý nghĩa thì phải tìm ý nghĩa cho nó. Đi vào trong thánh thất nào.

Vừa bước vào, Phi bật cười với hình ảnh trước mặt, ba người cùng hướng về quyển sách và viết lên đó, tên quyển sách là thiên hạ thiên thượng. Tôi giải thích nhanh cho Phi.

- Ban đầu tôi cũng bật cười như anh. Ba người này là Tôn Dật Tiên, Victor Hugo và người ăn mặc cải lương này là Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Phi bật cười, lắc đầu.

- Anh đừng cười, có biểu tượng của hội chúng ta đó.

- Hả?

- Anh thấy con mắt bên trái không? Biểu tượng của đạo Cao Đài là con mắt nằm trong hình tam giác, đó chính là biểu tượng hội tam điểm. Nó không khác gì với biểu tượng trên tờ 1 đô-la. Còn hàng chữ mà Victor Hugo viết dieu et humanité / Amour et Justice, Thiên chúa và con người / Tình yêu và công lý. Anh có để ý hai câu liễng ngoài cột không?

CAO THƯỢNG CHÍ TÔN ĐẠI ĐẠO HÒA BÌNH DÂN CHỦ MỤC
ĐÀI TIỀN SÙNG BÁI TAM KỲ CỘNG HƯỞNG TỰ DO QUYỀN.

Nghĩa là,

Đấng Chí Tôn ở trên cao hơn hết, Đạo lớn hòa bình hướng tới dân chủ.
Trước đài tôn thờ ba kỳ cùng chung hưởng quyền tự do.

Phi vỗ tay,

- A! Tự do, công bằng, dân chủ, tình thương đều là những đặc trưng của hội chúng ta.

- Anh có thấy tôn giáo nào ở Việt Nam mà đề cập về tự do và dân chủ trong tuyên ngôn của họ chưa? Anh còn nhớ tên hội của chúng ta bằng tiếng Anh và tiếng Pháp chứ. Freemasonry và Franc-maçonnerie, nền tảng của tự do. Chúng ta được giáo dục và đào tạo trên cái nền đó. Chưa hết, giáo chúng đạo Cao Đài xưng hô với nhau là huynh, đệ, tỷ, muội tùy theo giáo phẩm và tuổi tác. Hơn nữa, còn gọi rất thân mật là hiền huynh, hiền đệ, hiền tỉ, hiền muội. Chữ hiền trong chữ Hán không có nghĩa là hiền lành như tiếng Việt, mà có nghĩa là một triết gia, hiền triết, hiền giả, hiền nhân. Nó tương ứng với ý nghĩa của hội dựa trên Nền tảng tự do, hay còn gọi là tư biện (speculative, hay phisolophical-tư tưởng), tương đương với chữ hiền trong hiền triết.

- A, tôi hiểu rồi, ngay cả hội của chúng ta vẫn gọi nhau là đẳng huynh, và hội tam điểm trên thế giới vẫn gọi nhau frère, nghĩa là huynh đệ, người lớn nhất gọi là maître bậc đại sư.

- Đúng vậy, frère và maître viết tắt là chữ F và M, bên dưới hoặc trên hoặc bên cạnh sẽ có dấu 3 chấm theo hình tam giác đều để khẳng định người của hội. Có lẽ vì vậy mà người Việt mình đã dịch là hội Tam Điểm, nếu nói cho đúng phải là Hội những người Tự Do.

- Đừng bàn việc đó nữa, anh nghĩ vật mà thầy các anh cất nằm bên trong tòa thánh này?

- Tôi không biết, có thể là bên ngoài. Nhưng tôi cần vào để đánh giá mức độ an toàn.

- Mức độ an toàn?

- Khi anh cất một món đồ dưới thời gian lâu, anh phải chắc chắn rằng nó không bị tìm thấy bởi tính ngẫu nhiên. Do đó, thầy tôi sẽ cất nó ở một nơi mà không ai dám đụng đến, trừ chúng tôi. Xem nào, bên trong tòa thánh này... trời ạ.

- Chuyện gì vậy anh?

- Thầy tôi rất biết cách làm khó tôi, bên trong đây hằng hà sa số biểu tượng, mỗi biểu tượng đều có những ý nghĩa khác nhau. Nên không thể liên kết chúng lại. Không. Thầy tôi sẽ không dùng đến biểu tượng ở đây, vì chắc chắn rằng người kế thừa đến nhận món đồ không bị lệch hướng. Cần loại bỏ biểu tượng ra. Vậy nó phải là gì? Phải là một thứ nhìn thấy được, đập thẳng vào mắt, gây ấn tượng mạnh. Nó là gì nhỉ?

- Tôi không biết anh nghĩ sao, nhưng phía trong thánh thất này... hơi diêm dúa.

- Diêm dúa cái gì, cải lương thì có. Rồng phượng, hoa sen hoa súng tạp nham đủ loại, nhức cả mắt. Ngay cả tôi là người dễ dãi về hội họa mà còn không chịu nổi màu sắc của thánh thất này.

- Nhưng... hình như...

- Anh có ý kiến gì, Phi?

- Không, tôi chỉ thấy bên trong thánh thất này... nhiều cột quá thôi.

- A ha! Cảm ơn anh, Phi. Anh quả là người sáng suốt lúc này, bài toán đã được giải.

- Anh giải được rồi?

- Thật ra ban đầu tôi chỉ ngờ ngợ, nhưng nhờ anh, thật cảm ơn anh. Chính anh đã giúp tôi hiểu được suy nghĩ của thầy tôi.

- Tôi không hiểu gì hết.

- Anh không cần hiểu, nó nằm bên ngoài tòa thánh chứ không phải ở trong. Chúng ta ra ngoài thôi.
 
Advertisement
Last edited by a moderator:

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom