• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full HAI THẾ KỶ- -phần tiếp theo Những ngày cuối tháng 4 (4 Viewers)

Chương 17. HÀ NỘI (P1)

Bước xuống sân bay Nội Bài, gió mùa Đông Bắc ào tới, Phong thoáng rùng mình. Đã gần mười lăm năm anh mới về lại Hà Nội, nơi mình sinh ra nhưng không hề lớn lên, nhưng âm ngữ Bắc bộ vẫn còn trong hơi thở của mình, anh biết. Anh trở về Hà Nội mang theo sứ mệnh của Vô Danh, sứ mệnh ngắn gọn như cách mà Vô Danh nói.

"Vua Hàm Nghi!"

Anh biết vua Hàm Nghi chưa hề đặt chân đến Hà Nội, ngay cả lần chạy trốn khỏi kinh thành Huế bởi sự lùng bắt của Pháp, Hàm Nghi đi xa nhất chỉ đến Quảng Bình. "Hà Nội làm gì liên quan đến Hàm Nghi?" Dù không liên quan nhiều đến Hàm Nghi, nhưng chắc chắn liên quan rất nhiều đến hội của anh.

***

Quan phụ chính đại thần sải bước ngày càng nhanh vào điện, thói quen trung trinh của vị phụ chính đại thần này nhắc ông rằng, ông không được suồng sã đi vào điện vua. Tay thái giám đứng trước cửa thấy vẻ mặt lạnh lùng của Tôn Thất Thuyết thì chỉ run sợ cúi mặt. Thuyết bước thẳng vào điện. Khuôn mặt của vị vua trẻ vừa lên ngôi được hai năm, nay chỉ mới mười bốn tuổi, vẫn còn đang nhìn vào quyển sách trước mặt. Ánh đèn cầy khắc hoạ nên một thời đại già trước tuổi, người ta không thể không trưởng thành trong thời đại này, không thể không già nua trong thời đại này.

"Có chuyện chi mà Quan phụ chính đến giờ này?"

"Bẩm bệ hạ, thần đến đưa bệ hạ đi."

"Trẫm đi đâu?"

"Bọn Tây dám coi khinh bệ hạ, quốc thể bị làm nhục, thần không thể nào để thanh danh tổ tiên bị bôi nhọ, thần đã bí mật đánh úp đồn Mang Cá của lũ Tây. Trời không thương phận, anh chúa đã không hiển linh, chúng thần đã thất bại. Tây sắp kéo vào đây mong bệ hạ hãy theo chúng thần rời khỏi kinh thành."

"Trẫm có thể làm gì lúc này?"

"Bệ hạ hãy cùng tam cung theo hạ thần, thần sẽ phát hịch Cần Vương ra các kỳ để cùng nhau chống giặc."

Hàm Nghi là một vị vua nhân từ nhưng quyết đoán, đứng thẳng người khẳng khái nói, "Được! Trẫm chỉ chờ có vậy! Trẫm giao cho khanh phân nửa ngân khố quốc gia để tuỳ khanh định đoạt, tổ phụ Gia Long năm xưa cũng phải nằm gai nếm mật để có được giang sơn này, trẫm tuổi dù nhỏ nhưng khí phách tổ tiên thì không dễ mất đi. Ta sẽ đi cùng ngài."

Thuyết vòng tay cung kính cúi lạy Hàm Nghi, ông biết rằng đây là một minh quân mà mình sẽ phò tá cho đến chết. Thuyết thét lên, "Kiệu đâu! Mau đưa đức vua ra cổng Bắc."

Bên ngoài, tiếng súng đại bác nổ liên hồi vào vách thành, bên trong Thành Nội đám nô tài cùng cung nữ hoảng loạn, ánh đèn lập loè giữa các cung tắt ngấm, những phi tần của nhà vua lần lượt khăn gói theo nhà vua làm kháng chiến.

***

Nửa đêm đầu tháng bảy, năm 1885, Thuyết chỉ lên tấm địa đồ nói, "Trần Xuân Soạn, trời vừa chạng tối, ngươi đóng hết cửa thành lại, nội bất xuất ngoại bất nhập. Đưa đại bác lên thành chờ lệnh, khi có pháo lệnh thì bắn thẳng về hướng đồn Mang Cá."

Trần Xuân Soạn khoanh tay cung kính cúi đầu rồi bước nhanh ra cửa, Thuyết lại tiếp, "Lệ, mày dẫn đạo quân này nửa đêm nay cùng Đề đốc thuỷ sư Hiệp Lý đánh úp vào toà Khâm Sứ." Tôn Thất Lệ, em trai Tôn Thất Thuyết cúi đầu nhận lệnh.
Thuyết ưu tư nhìn vào địa đồ kinh thành, ở mạn Bắc thành là đồn Mang Cá, nơi Tây cho lực lượng của mình trấn giữ để tiện bề uy hiếp vua tôi, bên ngoài thành là trấn Bình Đài, là một đài cao dùng kiểm soát những vùng đất quanh. Đánh giặc phải đánh phủ đầu, cần phải đánh trấn Bình Đài trước, Thuyết nghĩ vậy. Nhưng Thuyết vẫn cảm thấy kế hoạch của mình có gì không ổn, nếu dùng tổng lực tấn công, uy hiếp đồn Mang Cá bằng hai đạo quân từ hai hướng, cuộc tốc chiến bất ngờ sẽ đánh ụp giặc ra khỏi kinh thành, khi đó Huế sẽ lấy lại chủ quyền của mình, từ đó mà kêu gọi toàn dân chống giặc từ đây. Ngày nào vua tôi còn bị uy hiếp ngày đó không thể đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi.

***

"Theo tôi thì ngài Tôn Thất Thuyết sẽ đánh vào đồn Mang Cá theo hai hướng, bên trong thành và bên ngoài thành." Yersin đưa tay chỉ vào đồn Mang Cá nằm hướng Đông Bắc kinh thành Huế.

"Ngài cứ tiếp."

"Nhưng đồn Mang Cá nằm cạnh trấn Bình Đài, muốn tấn công từ ngoài vào phải tiêu diệt trấn Bình Đài trước." Yersin chỉ tay vào trấn Bình Đài.

"Trận đánh này sẽ thất bại." Đôi mắt trở nên ưu tư, thở dài.

"Sao cụ biết?"

Trương Vĩnh Ký bước chân ra khoảnh sân trước nhà, hướng ra bàn thiên, nhìn lên muôn vì tinh tú. Yersin hướng theo gót chân, tiếng guốc mộc lộc cộc của Trương Vĩnh Ký như chưa dừng lại.

"Sao cụ biết ngài Tôn Thất Thuyết sẽ đánh vào đồn Mang Cá?"

"Yersin, anh đã ở xứ này nhiều năm, anh đoán xem lý do mà ngài Thuyết sẽ tấn công vào đồn Mang Cá?"

"Tôn Thất Thuyết là người võ biền, nóng tính, khi thấy tướng De Courcy đưa quân vào Huế để gây áp lực lên vua Hàm Nghi thì ngài Thuyết sẽ không tha cho chúng."

"Không. Không. Ai cũng dễ dàng nghĩ như vậy, nhưng ngài Thuyết là một vị tướng cầm binh lâu năm, ông ta thừa biết De Courcy đến là để bắt ông ta. Ông ta là linh hồn của cuộc cách mạng chống người Pháp. Nếu kiểm soát được Thuyết thì Huế sẽ yên ổn, những kẻ chủ hoà với Pháp sẽ thắng thế trong triều đình Huế. Như vậy ngài Thuyết sẽ phải đánh phủ đầu người Pháp trước, đó là cách tự cứu mình."

"Đó là lý do mà cụ cho rằng trận đánh vào đồn Mang Cá sẽ xảy ra?"

"Người Pháp cho xây dựng đồn Mang Cá để kiểm soát kinh thành. Đánh được nó thì kinh thành sẽ an toàn."

"Nhưng sao cụ biết nó sẽ thất bại?"

"Vì trấn Bình Đài không phải một pháo đài, nó là nơi truyền tin. Khi Tôn Thất Thuyết muốn trận đánh diễn ra bất ngờ, ông ta sẽ chọn vào buổi tối. Nhưng nó sẽ là điều kiện thuận lợi để truyền tin cho nơi xa."

"Ý cụ là lửa?"

"Đúng, khi bị tấn công, chắc chắn người Pháp sẽ phát hoả lệnh từ trấn Bình Đài, binh lực từ Gia Hội sẽ tràn vào kinh thành. Buổi tối không chỉ có lợi cho ngài Thuyết mà có lợi cả cho người Pháp. Những khẩu đại bác trên thành không có lợi vào buổi tối, nhất là khi họng súng nó đã chĩa về đồn Mang Cá."

"Theo cụ sự việc tiếp theo sẽ là gì?"

"Ông ta sẽ đưa vua Hàm Nghi chạy trốn, đây là cơ hội của chúng ta. Anh thay mặt ta đến gặp đức vua. Anh vào đây."

Trương Vĩnh Ký chỉ lên bản đồ, "Người Pháp từ Gia Hội đánh vào kinh thành, nên chỉ có một khả năng duy nhất là vua Hàm Nghi sẽ chạy ra cửa Tây, vượt qua sông Kẻ Vạn và đến Kim Long. Anh hãy đến đây sớm một ngày để chờ vua Hàm Nghi."

"Cụ biết trước diễn tiến trận đánh sao không ngăn ngài Thuyết?"

"Lịch sử luôn có bước đi của nó, ta không thể can thiệp vào." Trương Vĩnh Ký lại thở dài, một cơn ho từ lồng ngực trào lên, ông lại sụ sụ. "Anh đi ngay kẻo trễ. Nhớ mang nó về cho hội."

Yersin đón chiếc xe thổ mộ bên gốc cây ngoài nhà. Trương Vĩnh Ký vén rèm vào trong, tiếng ho sụ sụ không ngừng.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom