• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Linh ký - An tư công chúa (1 Viewer)

  • Chương 34

Tập 34.


Bấy giờ bài ca cầm kết thúc, gia nhân bên dưới đồng loạt tán thưởng, Trần Linh cũng gật gù khen hay, quan thượng thư thấy mát lòng mát dạ, vuốt râu, cười nhìn Trần Linh, có phần tự đắc mà nói:


- Vương gia có biết đó là bài gì không?


Trần Linh nói:


- Đó là bài “Nhất quân tử”, nói về đạo lý của người quân tử và người thánh nhân trong đời.


Nguyễn Thuyên ngạc nhiên lắm, cứ nghĩ rằng Trần Linh chỉ khen hay vậy thôi, ai ngờ lại biết bài cầm đó, người biết bài nhất quân tử, hẳn phải là người học hiểu về Thất Huyền Cầm Tinh thông, bởi bài này là một trong những bài có cấu trúc âm điệu phức tạp nhất, đoạn hỏi Trần Linh:


- Vương gia cũng biết khúc cầm này sao? Vậy hẳn là cũng hiểu về âm luật?



Trần Linh nói:


- Tôi thuở nhỏ cũng có học sơ qua, chẳng dám nhận hiểu rõ, chỉ gọi là biết.


Nguyễn Thuyên nheo mắt nhìn Trần Linh, trong ánh trăng sáng rõ, khuôn mặt Trần Linh sáng lên nét tinh anh, lại có nét chính trực.


Có một thứ đạo lý, mà dù có người lão luyện như Nguyễn Thuyên, dù có biết rõ thế, nhưng vẫn không nằm ngoài nó… Muốn thân với người, chẳng dễ gì hơn là hiểu cái mà người giỏi, cùng người nói về điều đó, Trần Linh biết rõ Nguyễn Thuyên giỏi chơi Thất Huyền Cầm, nên bảo Nguyễn Thuyên chơi đàn chăng?


Chợt nhiên Nguyễn Thuyên chẳng còn thấy sợ hãi gì, lại cảm thấy có phần cảm mến Trần Linh, đoạn hỏi:


- Vương gia hiểu về đàn Thất Huyền Cầm, biết bài nhất quân tử, vậy có đôi lời vàng ngọc nhận xét cho lão phu chăng?


Trần Linh nói:


- Kiến thức người hậu bối nông cạn, biết gì nói đó, quan thượng thư chớ có chê cười.


Nguyễn Thuyên nhấp trà, đáp:


- Xin vương gia dạy bảo.


Trần Linh bấy giờ ung dung uống trà, nói:


- Cổ cầm có ba loại âm: âm tản, âm phiếm và âm áng. Âm tản tượng trưng cho đất, âm phiếm tượng trưng cho trời, âm áng tượng trưng cho con người. Người cầm sư giỏi là người có thể gảy lên một bản nhạc khiến thiên – địa – nhân hòa hợp, tức khắc, âm điệu sẽ có sức hút. Đại nhân đã khéo léo kết hợp ba âm, khéo léo dùng những khoảng lặng để người nghe chờ đợi, rồi lại nhịp nhàng chia đều chỗ đứng cho ba âm. Xuyên suốt các bài biểu diễn của ngài là sự chuyển hóa liên tục của ba âm, không bị phụ thuộc vào bản nhạc, vì vậy mỗi khi nghe, tôi đều có cảm giác cây đàn của ngài có tiếng nói riêng của nó.



“Trong như tiếng suối bay qua


Đục như tiếng suối mới sa nửa vời


Tiếng khoan như gió thoảng ngoài


Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.”


Nguyễn Thuyên nghe xong giật mình thất sắc, Trần Linh thực là người có am hiểu lắm…


Thuyên chợt nhớ lại lời người thầy dạy cổ cầm cho mình từng nói năm xưa:


- Kẻ nào tinh thông mà hiểu được cổ cầm, thì kẻ đó thực có tâm hồn người nghệ sĩ, kẻ đó lại có thần thái khoáng đạt trong suốt, chẳng thể nào là kẻ tục tĩu phàm phu.


Linh biết Nguyễn Thuyên là người thanh cao chính trực chứ chẳng phải như bọn quan lại, hoặc sợ quyền uy, hoặc thèm tài vật, vàng bạc, ai cần thứ gì, linh cho thứ đó là có được họ, nhưng với những người như Nguyễn Thuyên, nếu làm cho tự phục, thì sẽ tự theo chẳng cần phải cho gì, nên thông qua cái tài học của mình mà cảm hóa Nguyễn Thuyên, khiến cho Nguyễn Thuyên phải có cái nhìn khác về mình, đoạn bấy giờ Trần Linh dò qua nét mặt, biến được suy nghĩ của Nguyễn Thuyên đã có sự đổi khác, liền quyết định cho Nguyễn Thuyên phải giật mình phen nữa, nói:


- Tôi cũng biết chút ít, tôi hầu đại nhân một bản ca được chăng?


Nguyễn Thuyên nói:


- Vương gia cũng chơi được hay sao? Vậy xin mời vương gia.


Đoạn dùng cả hai tay trao đàn, Trần Linh cũng dùng cả hai tay đón lấy đàn đầy kính cẩn, đoạn nhấp một ly trà, thế rồi ca lên khúc ca: “đạo ái quốc”.


“Tôi xin hỏi các vị trưởng giả…Người quân tử trong đời thờ gì?


Người quân tử thờ mẹ cha, ấy là giữ chữ hiếu, đó có phải thờ hay?


Đó chính là thờ hay, nhưng chẳng phải hay nhất…


Người quân tử thờ nghĩa khí, đối với anh em chẳng nhục…Đối với phu thê chẳng bạc…Đối với gia nhân chẳng khinh…Ấy là người quân tử…


Nhưng thế có thực hay?


Xin thưa các vị trưởng giả…Đó cũng là điều hay, nhưng chưa phải hay nhất…


Người quân tử biết lo nghĩ cho bách dân…Làm tròn bổn phận, tận trung với vua, ấy là yêu nước, vì một chữ “Trung” mà gìn giữ thi hành cho trọn đời này…


Dù có ngàn mây…Dù xa nội thẳm…


Dù gió rét đầm lầy…Cam qua cát bụi…


Dù nếm mật nằm gai…Trước nơi đao kiếm…Cũng không đổi chí…Trung đặt hàng đầu…Ấy mới là cái đạo ái quốc, là cái đạo người quân tử…”


Tiếng đàn cầm nghe sục sôi réo rắt, nghe khí thế phừng phừng, Nguyễn Thuyên nghe tiếng đàn ấy, nhìn những ngón tay của Trần Linh chơi đùa trên phím cầm, bất giác lòng cảm thán vô cùng.


Trần Linh dừng bài đàn, Nguyễn Thuyên đứng thẳng dậy, cúi đầu cung kính, nói:


- Tôi đã hiểu lòng vương gia.


Trần Linh đặt cây đàn xuống bàn trà, mắt nhìn thẳng, trỏ mặt Nguyễn Thuyên nói:


- Cùng một lòng với nhau, lẽ ra phải thấu hiểu từ ngay khi nhìn vào mắt nhau lần đầu tiên, tôi đã hiểu ông từ lâu, cớ sao giờ ông mới hiểu tôi?


Nguyễn Thuyên giật mình kinh hãi nhìn lại, thấy mắt Trần Linh sáng rực như sao trời.


Trần Linh nói với Nguyễn Thuyên:


- Tôi có việc riêng muốn thưa đại nhân.


Nguyễn Thuyên liền truyền cho bọn gia nhân:


- Các ngươi cùng lui ra, ta và vương gia trò chuyện riêng.


Gia nhân đều lui đi cả, bấy giờ Linh nói:


- Tôi phàm làm gì, cũng lấy trung nghĩa lên đầu, nhưng phương pháp tôn chỉ của tôi với ông có điều sai khác.


Nguyễn Thuyên nói:


- Sai khác thế nào? Tôi là người ra sao?


Trần Linh đáp:


- Đối với ông trọn đời chẳng gian dối, trọn đời thời chữ ngay, không bao giờ khuất tất, chẳng nỡ hại tới ai, nhưng như thế gặp người xấu kẻ xấu tất có họa, nay được hồng phúc của Tiên Vương, các Vua đều là Vua hiền, bầy tôi thì sáng, đất nước trong lòng đều hợp, dân kính Vua như cha, Vua thương dân như con, ấy là cái phúc của nước nhà, bậc thần tử cũng vì thế mà trổ được hết tài năng vì quốc gia xã tắc ấy thế nhưng một ngày kia nếu vận đổi sao dời, quốc gia đổi chủ, phàm vua chẳng ngay, nịnh thần nổi lên, cam qua khuynh đảo, người như ông biết xử ra sao?


Nguyễn Thuyên nói:


- Nếu có việc thế, tôi xin cáo quan về quê, vui vầy với ba thửa ruộng nương, chứ chẳng khom lưng uốn gối.


Trần Linh nói:


- Chính vậy nên có sự khác đó, đối với ta thì khác, ta thi hành đạo quân tử, đạo ái quốc theo cách riêng của ta, đối với hàng tiểu nhân, ta thẳng tay đối trị, chẳng trừ thủ đoạn gì, đối với kẻ thích tiền, ta cho chúng nó tiền, đối với kẻ thích danh, ta liền ban cho danh, đối với kẻ đại ác, ta cũng chẳng ngại ác, đối với người chính trực, ta tuân giữ lễ nghi. Ta và ông tuy không cùng phương pháp, nhưng có chung một đạo, cố nhân xưa đã nói: “Không đồng đạo làm sao đồng hành?”, nay đã hiểu nhau chỉ qua khúc nhạc, có thể cùng ngồi mà bàn chuyện thiên hạ với nhau.


Nguyễn Thuyên nghe thế, mừng lắm, cúi đầu nói:


- Xin được tiếp chuyện vương gia, tôi thực có lỗi, nhưng lỗi của tôi chẳng tiện nói ra.


Trần Linh nói:


- Ông không nói ra ta cũng biết, lỗi của ông là khinh người quân tử, ông thấy ta giết quan thần, lấy làm khiếp sợ chán ghét, từ khi vào đây, ta đã biết ý ông.


Nguyễn Thuyên sợ hãi quỳ ngay xuống, Trần Linh cười đỡ dậy, tự tay rót trà cho, nói:


- Không biết mà phạm lỗi, chẳng gọi là lỗi, biết mà vẫn phạm lỗi, đó gọi là tội. Lỗi ông chẳng phải lỗi, xin mời ông ngồi, để đích thân ta dâng lên ông chén trà thơm, rồi sẽ thưa câu chuyện…


Hai người cùng nhau thưởng trà dưới trăng, tối đó Bạch vương gia Trần Linh bàn luận những chuyện mật quốc gia đại sự với quan thượng thư bộ hình Nguyễn Thuyên, họ nói những gì đều không ai biết được, sau này Trần Linh mất đi, Nguyễn Thuyên ôm theo những lời đó xuống mồ cũng chẳng nói ra…






- Bạch vương gia đã nói trước với tôi rồi, tôi có làm một bài văn tế, có thể dùng để tế cá sấu, quân sư xem thử xem thế nào?


Huyền Thiên nói:


- Văn tế do thượng thư đại nhân viết ra thì không cần xem lại, nếu bắt được lỗi của ngài thì trong nước nam này chẳng có ai cả. Nay đã có văn tế, vậy ta nên chuẩn bị lễ đàn, chờ ngày đẹp mà dâng văn tế lên cho thần sông, tôi nghĩ việc sẽ xong.


Đoạn căn dặn Lê Như Tiên chuẩn bị lễ, Như Tiên nghe theo răm rắp, sai binh sĩ đi sắm sửa lễ vật làm lễ đàn tế cá sấu, Huyền Thiên nói:


- Tôi đã bói xem ngày giờ, trong hai ngày nữa, trời chuyển khí đông chí, đó là lúc thích hợp, ta sẽ cùng ra sông mà hành lễ.


Cả đoàn nhất nhất vâng lời, ai đi lo chuẩn bị công việc của người đó.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom