• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Linh ký - An tư công chúa (4 Viewers)

  • Chương 30

Tập 30.


Mùa thu, tháng 8 năm Nhâm Ngọ, Thiệu Bảo thứ 4, thú thần Lạng Châu* là Lương Uất, sai người chạy trạm về kinh phi báo rằng thái tử nước Nguyên là Thoát Hoan, cùng đại tướng A Lý Hải Nha, mang theo 50 vạn quân, nói phao lên là mượn đường đi đánh Chiêm Thành, nay đang tập kết quân ở biên giới, tình hình rất khẩn, xin chỉ dụ của Hoàng Thượng, cấp cáo.


(*Lạng Châu: nay là Lạng Sơn.)


Bấy giờ quan thần thú ở Ái Châu, Hoan Châu lại có sớ báo về, hữu thừa tướng Nguyên là Toa Đô mang binh đi đường thủy đánh Chiêm Thành dạo nọ đã lấy được nhiều dải đất quan trọng, Chiêm Thành đang thất thủ, Vua quan đã rời khỏi kinh đô rút sâu về vùng rừng núi, nay cho người tới Hoan Châu xin Đại Việt tiếp viện cứu nguy, cấp cáo.


Vua nghe xong hai tin ấy thì thất thần, vội cho nghị triều ngay lập tức. Các quan tới đủ cả, thượng tướng thái sư Trần Quang Khải tâu:



- Thưa Bệ Hạ, nay chúng nói là mượn đường đánh Chiêm, thực ra là đánh ta, nay cứ cho ra cố thủ ở những nơi quan trọng, giữ cho chặt các ải, chúng thấy ta có sự phòng bị ắt là chưa dám vào nước Việt ngay, nếu có vào cũng phải đợi lấy được nước Chiêm, trước sau ứng hợp thì mới vào.


Chi hậu cục thủ là Đỗ Khắc Chung cũng bước ra tâu:


- Lời thái sư nói chẳng sai, xưa nay người Nguyên nổi tiếng là quân đội thiện chiến, lấy ít đánh nhiều, những lần quân Nguyên đi chiếm đánh, nhiều nhất là ở nước Miên, cũng chưa từng mang quá ba mươi vạn bao giờ, nay mang tới năm mươi vạn, chắc vẫn nhớ mối thù lần trước*, lần này quyết tâm san nước ta thành bình địa. Mang lượng đại quân lớn như thế đi tất không thể tiến công tùy ý được, chừng nào Chiêm Thành còn, thì quân ấy chỉ có thể đóng ở biên giới mà thôi, nay ta cứ cho các tướng giỏi ra giữ ải, mặt khác tiếp viện cho nước Chiêm chớ để người Nguyên lấy mất, rồi từ từ tính kế.


(*mối thù cũ: Đỗ Khắc Chung ám chỉ chiến tranh Mông Nguyên lần 1 năm 1257 vào 28 năm về trước, bấy giờ Tiên Hoàng Trần Thái Tông và thái sư Trần Thủ Độ đều còn sống, tướng Nguyên là Ngột Lương Hợp Thai cũng mang quân sang đánh Đại Việt nhưng bị các vị này lãnh đạo quân dân đẩy lui, do đó mà nhà Nguyên vẫn thường xem đó là mối nhục, bởi lúc bấy giờ người Nguyên đi đánh khắp á châu đều được, không ở đâu bị đẩy lui như đánh ở Đại Việt.)


Nhân Tông cho là phải, thỉnh ý Thượng Hoàng Thánh Tông và bàn cùng các vương thân, rồi ra chiếu chỉ cho quân tiếp viện xuống miền nam để tiếp ứng cho nước Chiêm Thành, đồng thời Vua nói trước mặt quần thần:


- Vì sao thái tử Thoát Hoan có hiệu là Trấn Nam Vương? Bởi lẽ đó là vị vương gia sẽ chịu trách nhiệm trấn giữ phương nam, nếu người này lên được ngôi Hoàng Đế sau Nguyên Thế Tổ thì nước nam ta vạn lần khốn, nay phải ngăn cho hắn đánh được nước ta thì mới xong. Hắn dẫn quân tới biên giới thì đã tỏ rõ ý định xâm lăng rồi, tuy chưa nói thẳng ra nhưng việc chiến tranh chỉ là sớm muộn, ta cần lo việc gìn giữ ngay chứ chờ khi Chiêm Thành thất thủ, chúng tràn vào từ miền bắc, miền nam đánh thốc lên thì ta rơi vào thế tứ bề thọ địch. Nhân lúc chúng còn ổn định lực lượng ở biên giới chưa xong, Trẫm muốn lên ngay kế sách mà chống giữ, nay giao cho các bộ hình, thư, binh, giao cho các phủ công án, phủ hầu la, cùng tư mật viện, quốc lược viện, chính tu viện, lên sẵn kế hoạch sơ bộ, trong vòng hai tháng nữa, trẫm sẽ ra Bình Than*, họp bá quan văn võ và vương thần, hầu tướng cả nước về đó để phong tướng giữ, các người hãy cùng chuẩn bị.


(*Bình Than: đoạn sông lục đầu chảy qua huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay, nơi đây thành địa danh nổi tiếng đã diễn ra hội nghị bình than và lễ phong tướng chống Nguyên do Vua Trần Nhân Tông chủ trì.)


Bá quan nhận lệnh lui chầu, lòng ai nấy đều lo lắng hồi hộp chẳng yên, về nhà thì ai lo việc nấy, cứ thế mà làm.






Chẳng mấy chốc tin tức về việc người Nguyên kéo quan ra biên giới đã lan truyền khắp cả kinh thành, bách tính ai nấy đều lo lắng hồi hộp, việc thương nhân buôn bán giảm đi nhiều, các đoàn buôn từ các nước Cao Miên, Ai Lao, Chiêm Thành đều dần dần rút hết, các cánh lái từ các tỉnh cũng rút hết khỏi, hướng về phương nam vì lo sợ nạn binh đao, các thao trường mọc lên như nấm theo chỉ thị của hoàng cung, quân lính ngày nào cũng tập luyện rầm rầm, người dân Thăng Long thì không có ai rời đi, vì tuy lo lắng trong lòng, họ cũng đều tin tưởng vào Vua Nhân Tông sẽ bảo vệ được cho họ, trai tráng trên mười tám, bách dân đều vui lòng cho đi đăng kí tuyển mộ lính, các quan khảo người cũng lấy thế làm mừng, ai nấy đều dốc lòng tin tưởng.


Bọn Trần Bình Trọng, Trần Sâm ai nấy đều bận rộn tốn ngày việc thao trường chiến trận, cũng ít lui tới, chỉ riêng có Trịnh Chiến lâu nay bị giam hãm, không bước ra khỏi phủ được, bấy giờ vết thương đỡ đi nhiều, một hôm liền gọi Huyền Thiên tới hỏi chuyện:


- Thầy Binh, nay sức khỏe đồ nhi đã khá, liệu thầy xem có cách nào, chứ cả nước đang khí thế chống giặc, Chiến này thân mang hàm tướng quân, sao có thể cứ nằm nhà mãi cho người ta giám sát?


Huyền Thiên nói:


- Vậy thì thiếu chủ làm như tôi bày.


Thế rồi ghé vào tai Chiến nói nhỏ gì đó, Chiến nghe xong gật đầu, đoạn vươn vai đứng dậy đi ra ngoài cổng.


Quả nhiên là người của cấm quân vẫn cứ dõi theo, Chiến theo như Huyền Thiên mách thì nhận dạng ra được ngay, đoạn tiến tới một người thanh niên ăn mặc như người dân đang đứng bán kẹo hồ lô chỉ cách cổng phủ cỡ chừng năm nhà, người đó thấy Chiến đến nhưng cũng không có vẻ gì bất ngờ cả.


Chiến chắp tay chào, nói:


- Tiểu tướng Trịnh Chiến bái kiến đại nhân.


Người bán hồ lô nói:


-Tiện dân nào phải đại nhân gì mà tướng quân gọi thế.


Chiến nói:


- Người của phủ tôi cũng có dị thuật, có thể nhận ra được đại nhân chẳng phải hàng thất phu, tôi cũng biết rõ đại nhân là người của cấm quân, xin đại nhân cởi mở cho tôi thưa chuyện.


Người bán hồ lô mỉm cười nói:


- Sức khỏe tướng quân ra sao rồi?


Chiến đáp:


- Mạt tướng đã khỏe lại, xin cứ về báo như thế, mạt tướng chờ có lệnh gọi.


Người ấy gật đầu, toan bước đi thì Chiến níu tay lại hỏi:


- Xin cho hỏi công chúa ra sao rồi?


Người đó đáp:


- Nếu thực được biết thì sẽ biết thôi, đây không phải việc tôi nói.


Thế rồi đi thẳng, Chiến cũng liền quay về phủ, chuẩn bị tinh thần được hoàng cung gọi vào.





Thám tử về báo lại, Thiều Kỷ liền vào tâu việc với Thượng Hoàng Thánh Tông, Thượng Hoàng lại cho triệu Vua Nhân Tông đến hỏi, Thượng Hoàng Thánh Tông nói:


- Hôm trước Chiêu Quốc vương và Bạch vương đều tới nói xin cho hắn, nói hắn là tay tướng tài. Ta lại nghe mật tá vụ và thám tử báo lại hắn là tướng thân cận của Bạch vương, nay hỏi ý Bệ Hạ xem thế nào?


Nhân Tông nghe nói thì hiểu ngay ý Thượng Hoàng Thánh Tông lo ngại nếu tác hợp cho công chúa và Trịnh Chiến thì làm tăng thêm vây cánh của Chiêu Quốc vương trong cung, liền nói:


- Con hiểu điều phụ hoàng đang nghĩ, nhưng con cũng nghe nhiều nguồn tin, từ nghĩa vương, và các quan tướng cùng trướng với hắn ở thao trường và ở phủ Trịnh, người này là người trung nghĩa, có thể tin tưởng được.


Thánh Tông hỏi:


- Ý của Hưng Đạo Vương và Đỗ Khắc Chung ra sao?


Nhân Tông đáp:


- Họ đều đánh giá tướng này cao, nói rằng có thể dùng được, hắn theo Trần Linh ấy là vì Trần Linh với hắn chẳng bạc, nhưng nếu vì đại nghĩa quốc gia thì lại là việc khác, hơn thế nữa công chúa cương quyết tới như vậy, cũng không thể không xét tới. Vậy việc mật tá vụ điều tra ra sao?



Nhân Tông nói:


- Công chúa nổi điên nên hai ngày nay nhi thần không dám sang bên đó, chỉ biết là Thu Linh vẫn còn sống.


Thánh Tông gật gù, trầm ngâm nói:


- Thiều Kỷ làm việc xưa nay ít có sai sót, nếu hắn có kết luận thì chín phần sự thực là thế, nếu là thế thật thì công chúa và Trịnh Chiến phải có nhân duyên đời đời rồi, nếu không sao có thể nên duyên một cách lạ kì như thế, nay nếu cấm cản thì cũng chẳng đành, nhưng cho dễ dàng quá, sợ bách dân và hoàng gia cười chê, lại cũng lo ngại bên chỗ Chiêu Quốc, ngươi xem có việc gì, thử tài hắn xem ra sao đã, nếu được qua thì danh chính ngôn thuận mà cũng chẳng phải lo về sau.


Nhân Tông khấu đầu nói:


- Nhi thần đã hiểu, xin Thượng Hoàng để nhi thần lo việc này.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom